Sáng 26/9, tại Trung tâm Hội nghị thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với 03 tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu…
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo, đại diện các bộ: Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Tư pháp, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Về phía 03 địa phương tham dự có các đồng chí lãnh đạo: Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng; Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương; Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy cả 03 địa phương đều duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao trong 9 tháng đầu năm 2023. Các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, du lịch cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, trong đó Quảng Ninh và Hải Phòng dự kiến thu hút FDI vượt mục tiêu đề ra. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng và đầu tư trang thiết bị hiện đại để soi chiếu hàng hóa ra, vào cảng, quản lý chặt chẽ công tác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu.
Về giải ngân đầu tư công, Quảng Ninh và Hải Phòng đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước, lần lượt là 82% và 52%. Các địa phương kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chỉ tiêu sử dụng đất, đấu giá đất, lấn biển, mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt hành chính, nhà ở xã hội, đầu tư cho các công trình cấp bách để cung cấp điện cho các dự án mới.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về việc giải quyết vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện các Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tính giá bán nhà ở xã hội; đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, bổ sung quy hoạch bến cảng hàng lỏng, khí tại các bến số 21 và số 22 thuộc khu bến cảng Lạch Huyện, với quy mô có thể tiếp nhận cỡ tàu đến 150.000 DWT vào dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và dự thảo Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Hải Phòng; đề nghị Bộ Công thương xem xét, chấp thuận một số dự án, công trình điện có tiến độ triển khai cấp bách để đảm bảo cấp điện cho Hải Phòng. Đó là, Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực Hải Phòng để vận hành máy biến áp của Trạm 110kV Tràng Duệ cấp điện cho dự án LG Innotek; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại khu xử lý Đình Vũ; Xây dựng mạch 2 đường dây 110 kV và trạm biến áp 110 kV Cát Bà, Dự án đường dây 110 kV mạch 2 khoảng vượt Lạch Huyện.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của cả 03 địa phương trong nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, qua đó đạt được mức tăng trưởng thuộc nhóm đầu cả nước. Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương đã rất chú trọng đến việc nâng cao tính kết nối giữa 03 địa phương để thúc đẩy cùng phát triển, nhất là về hạ tầng giao thông và những đóng góp không chỉ về nguồn lực mà còn cả tinh thần đối với sự phát triển chung của cả nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ xác định đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để vừa tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng của các địa phương, vừa để đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vì thế các địa phương phải tập trung cao độ cho nhiệm vụ này. Đề nghị Hải Phòng và Hải Dương tập trung hoàn thiện việc xây dựng quy hoạch tỉnh, bảo đảm đúng thời hạn theo quy định của Trung ương, đồng thời bảo đảm chất lượng để sau khi ban hành không bó buộc, cản trở việc thực hiện các dự án đầu tư.
Về định hướng sửa đổi chính sách trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải cùng cộng đồng trách nhiệm để tháo gỡ những nút thắt về thể chế cho các địa phương theo nguyên tắc phân cấp tối đa cho các địa phương. Ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các địa phương tại cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp để Chính phủ phân công các bộ, ngành xử lý theo thẩm quyền, đồng thời có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, và tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý của các bộ, ngành./.
Phương Mai, Ảnh: Đàm Thanh