Chiều 2/4, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Đoàn công tác của Quốc hội do đồng chí Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 – 2020; tình hình phát triển ngành công nghiệp và phát triển kinh tế biển của thành phố theo Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những đề xuất, kiến nghị của thành phố.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Trần Văn Tuý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác về phía thành phố Hải Phòng có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Nhiều chỉ tiêu hoàn thành mục tiêu Đại hội giao trước 3 năm
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, sau ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, kinh tế – xã hội thành phố đã đạt được kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực. Các chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao, nhiều chỉ tiêu hoàn thành mục tiêu Đại hội giao trước 3 năm như: Tổng sản phẩm trong nước (GRDP) của thành phố bình quân 3 năm (2016-2018) tăng 14,57%, gấp 2,2 lần bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng GRDP nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng tăng từ 87,62% năm 2016 lên 89,52% năm 2018; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP bình quân 3 năm tăng 21,39%/năm, gấp 1,5 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra là 14%/năm; thu nội địa kết thúc năm 2017 đã vượt trước 3 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra cho năm 2020 là 20 nghìn tỷ đồng… nhiều chỉ tiêu khác đều đạt và bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố. Chương trình xây dựng nông thôn mới được điều chỉnh với các cách làm mới, mang tính thiết thực và hiệu quả. Thành phố hiện có 89 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 64,03% tổng số xã. Dự kiến đến năm 2019 đạt 100% (139/139) số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt trước mục tiêu Nghị quyết Đại hội 1 năm.
Bên cạnh đó, việc phát triển không gian đô thị mới theo 3 hướng đột phá: phía bờ Bắc sông Cấm; phía Cát Hải; phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray đã đạt được kết quả bước đầu. Thành phố đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương khánh thành nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và vùng như: Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tết Cát Bi, đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, 2 bến khởi động của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Bạch Đằng…; tập trung cao triển khai một số công trình khắc phục sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông như cầu Hoàng Văn Thụ, cầu vượt Nguyễn Văn Linh và tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư một số công trình đường bộ ven biển…
Chính sách an sinh xã hội, chính sách với gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công, hộ nghèo được quan tâm. Thành phố đã phê duyệt triển khai 3 đợt hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng với kinh phí hỗ trợ 362,74 tỷ đồng, bố trí 280,418 tỷ đồng để tặng quà cho người có công, gia đình chính sách. Các lĩnh vực khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo đều được quan tâm, chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường.
Kinh tế biển thành phố đạt những kết quả tích cực
Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình phát triển ngành công nghiệp và phát triển kinh tế biển của thành phố theo Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, thành phố đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong giai đoạn 2016 – 2018, các ngành kinh tế biển của Hải Phòng tiếp tục có kết quả phát triển tích cực, sản lượng hàng hóa qua các cảng biển trên địa bàn thành phố năm 2018 đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đề ra cho năm 2020. Nhiều dự án lớn đầu tư vào các ngành kinh tế biển, các khu vực biển, đảo, ven biển đã và đang được triển khai, tạo ra cú hích lớn cho sự phát triển chung của thành phố. Một số mục tiêu cụ thể nêu trong Nghị quyết 36-NQ/TW thành phố đã đạt được như: GRDP của Hải Phòng chiếm 3,54% GDP của cả nước năm 2018, cao hơn năm 2017 (là 3,3%); thu nhập bình quân đầu người của thành phố năm 2018 là 5,332 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm 2017 (là 4,983 triệu đồng/người/tháng); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh năm 2018 ở đô thị đạt 97,6%, ở nông thôn đạt 88,5%; tỷ lệ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xử lý chất thải y tế đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 85% vào năm 2018.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được xây đựng đồng bộ, hiện đại, trở thành động lực cho Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển đột phá, trong đó phục vụ trực tiếp phát triển các ngành kinh tế biển. Hải Phòng đã đưa vào vận hành cảng biển nước sâu quốc tế hiện đại, đủ khả năng tiếp nhận tầu tải trọng 100 nghìn tấn, trực tiếp đến tất cả các cảng biển trên thế giới.
4 nhóm đề xuất, kiến nghị với Quốc hội
Tại buổi làm việc, thành phố Hải Phòng đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội quan tâm, ủng hộ xây dựng Đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng để thành phố phát triển nhanh và bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Đề nghị Quốc hội quan tâm, ủng hộ và đôn đốc Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng chiến lược kết nối liên vùng như: đường cao tốc ven biển, mở rộng nhà ga Cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư các bến còn lại thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, đường sắt tốc độ cao từ Lào Cai, Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Đề nghị Trung ương, Quốc hội xem xét, có cơ chế giao cho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định việc sáp nhập hay không sáp nhập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh phù hợp với tình hình địa phương.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, đề nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; tiếp tục xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh cho hoạt động logistics; xây dựng chính sách đặc thù để ngư dân vươn khơi bám biển, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và thủy sản; xây dựng chiến lược toàn diện về tài nguyên và môi trường biển làm nền tảng cho phát triển kinh tế biển bền vững; sớm xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia; đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, xác lập và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về tài nguyên và môi trường biển…
Xây dựng Hải Phòng thành thành phố trí tuệ, hạnh phúc, đáng sống
Qua nghe báo cáo và ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, đánh giá cao sự phát triển bứt phá mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội; an ninh chính trị ổn định trong thời gian qua. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá; mô hình tăng trưởng chuyển mạnh từ chiều rộng sang chiều sâu; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; có nhiều đóng góp cho phát triển tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. Hải Phòng đã khẳng định được là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng, tạo chuyển biến tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Hải Phòng từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục thu hút đầu tư, xây dựng thành phố cảng năng động với 5 loại hình giao thông đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, lưu ý Hải Phòng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; rà soát lại toàn bộ quy hoạch nhất là quy hoạch phát triển đô thị, giao thông một cách hợp lý, khoa học, khi có quy hoạch phải kiên trì với quy hoạch đó.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thành phố nên tập trung xây dựng các cơ sở nghiên cứu có chất lượng, có cơ chế để thu hút các nhà khoa học; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, đất nước. Bên cạnh đó, phải xây dựng môi trường phát triển kiểu mẫu xanh, sạch và chất lượng cao, gần gũi thiên nhiên, bảo vệ môi trường và có chất lượng cuộc sống tốt. Thành phố phải đặt ra khát vọng xây dựng thành phố trí tuệ, hạnh phúc, đáng sống nhất tại Việt Nam. Trong thời gian tới, thành phố cần làm chủ được nguồn lực bao gồm nguồn tài chính và nguồn nhân lực; làm chủ được khoa học công nghệ, thị trường, môi trường sống để có điều kiện phát triển.
Những ý kiến, kiến nghị của thành phố Hải Phòng, Đoàn công tác của Quốc hội ghi nhận, tổng hợp và sẽ trình Trung ương xem xét.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cảm ơn sự quan tâm của Trung ương, Quốc hội trong thời gian qua, đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù cho thành phố Hải Phòng góp phần tạo nguồn lực cho thành phố phát triển. Đặc biệt ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với thành phố, mở ra một cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố. Nghị quyết yêu cầu thành phố phải là địa phương đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thành công nghiệp hóa trước năm 2025 và đến năm 2030 phải là thành phố văn minh, hiện đại ngang tầm các thành phố của châu Á.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cũng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo các ban, ngành Trung ương đã có buổi khảo sát tình hình kinh tế – xã hội tại thành phố Hải Phòng; cảm ơn những ý kiến sâu sắc, gợi mở có ý nghĩa định hướng trong sự phát triển của thành phố của Phó Chủ tịch Quốc hội. Thành phố sẽ tiếp thu các ý kiến phù hợp với tình hinh thực hiện trong giai đoạn tới đây và cụ thể hóa vào chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45 và Nghị quyết 36 của Trung ương.
Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc triển khai được các mục tiêu mà Nghị quyết số 45 đã đưa ra, cần sự nỗ lực, cố gắng của thành phố, sự phối hợp với các địa phương và Trung ương. Trong 2 tháng qua, thành phố đã triển khai các Hội nghị giữa các Ban Thường vụ các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Quảng Ninh và tổ chức kỳ họp thứ 9 (kỳ họp bất thường) HĐND thành phố để thông qua các dự án quan trọng đối với sự phát triển của thành phố. Thành phố sẽ tập trung cao vào phát triển công nghiệp, công nghệ chế tạo như chế tạo ô tô, cảng biển, đây là những lĩnh vực quan trọng của thành phố, là lợi thế cũng là động lực để thành phố phát triển trong thời gian tới.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nêu rõ, thời gian tới, thành phố xác định 3 nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đó là: nguồn lực nội địa từ ngân sách thành phố; môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút được các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; nguồn lực từ Trung ương trên cơ sở quy hoạch, chiến lược biển phát triển của đất nước.
Đồng chí Bí thư Thành ủy mong Trung ương, Quốc hội, các bộ, ban, ngành tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 45 Bộ Chính trị đã đề ra. Đồng chí chúc Đoàn công tác sức khỏe, có nhiều kết quả tốt đẹp trong chương trình khảo sát tại các địa phương, góp phần hoàn thiện các cơ chế chính sách để xây dựng các định hướng phát triển của triển đất nước trong giai đoạn tới đây.
Hoàng Tùng