Print Thứ Ba, 17/11/2020 22:00 Gốc

Dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, trao đổi 1-1, phiên kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc do Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức, thu hút hơn 50 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Đây được coi là giải pháp hỗ trợ hiệu quả cao dành cho các doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao, ứng dụng tiến độ khoa học và công nghệ.

Linh hoạt, hỗ trợ tối đa

Phiên kết nối nằm trong Chương trình đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KHCN của thành phố, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp cận nguồn thông tin công nghệ tiên tiến, hiện đại; được hỗ trợ tư vấn, kết nối chuyển giao, nhập khẩu công nghệ, thiết bị. Giám đốc Sở KHCN Dương Ngọc Tuấn cho biết, với những nỗ lực phát triển thị trường KHCN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Sở giao Trung tâm Phát triển KHCN và Đổi mới sáng tạo phát triển Sàn Thương mại điện tử trực tuyến về công nghệ thiết bị (hatex.vn) để kết nối cung cầu công nghệ trên nền tảng trực tuyến. Đến nay, hatex.vn được đánh giá là sàn giao dịch trực tuyến về công nghệ thiết bị thành công nhất hiện nay. Việc lựa chọn, tổ chức phiên kết nối cung cầu công nghệ với các doanh nghiệp Hàn Quốc, bởi Hàn Quốc là quốc gia có nhiều tiến bộ về KHCN, với tỷ lệ đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo chiếm gần 5% GDP. Đồng thời, Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Phòng, với khoảng 40 doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD, trong đó đáng kể là Tập đoàn LG. Do đó, việc hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc sẽ có nhiều thuận lợi.

Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi thông tin trực tiếp tại phiên kết nối.

Khác các phiên kết nối trước, năm nay, dịch bệnh COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp, nhất là trong việc đi lại, tìm kiếm thị trường, đối tác. Song, tại phiên kết nối này, ngoài sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực máy móc, thiết bị gia công cơ khí, cơ khí chính xác; công nghiệp phụ trợ; nhà máy thông minh, sản xuất thông minh như: Công ty TNHH Woojin Plaimm, Công ty Ugint Vina, Công ty Sindoh Vina…, còn thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ trong chế biến bảo quản thực phẩm kết nối trực tuyến từ Hàn Quốc như Công ty TNHH Simple Grow, Công ty TNHH nông nghiệp Bittrak, Viện Nghiên cứu Đông Y…

Phiên kết nối không chỉ có các doanh nghiệp, mà còn nhận được sự quan tâm của Văn phòng Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (Kotra Hanoi), Trung tâm Hỗ trợ đổi mới sáng tạo Seoul (Seoul Innovation Hub). Theo bà Yun Ju Seul, Phó giám đốc Văn phòng Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội, Kotra có văn phòng tại 84 quốc gia và riêng tại Việt Nam có 3 văn phòng ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Năm 2020, trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng số lượng doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm đến Kotra tăng đáng kể, để được hỗ trợ kết nối về xuất khẩu và đầu tư. Và phiên kết nối cũng là hình thức hỗ trợ hiệu quả cao.

Kết quả khả quan

Tại phiên kết nối, thời gian không nhiều, các doanh nghiệp đều tận dụng tối đa cơ hội để giới thiệu và tìm kiếm sự hợp tác.

Ông Hoàng Hải An, quyền Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nhận định, Với doanh nghiệp, việc tìm kiếm ứng dụng công nghệ phù hợp là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do đó, Sở KHCN tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ luôn được các doanh nghiệp mong chờ. Ngay sau khi đăng ký tham gia phiên kết nối, công ty nhận được thông tin sơ bộ về các doanh nghiệp Hàn Quốc để đăng ký lựa chọn kết nối. Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong kết nối thành công với 2 nhà cung cấp thiết bị và công nghệ của Hàn Quốc là Công ty TNHH Woojin Plaimm và Công ty TNHH Ugint (Weldtec). Đây là những doanh nghiệp sản xuất máy ép nhựa, máy ép phun sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Chị Nguyễn Hải Linh, phụ trách marketing, truyền thông của Công ty THHH cơ điện lạnh Quang Thắng (trụ sở xã Nam Sơn, huyện An Dương) cho biết, doanh nghiệp đang mở rộng thị trường, tìm hướng xuất khẩu ra nước ngoài. Để đạt được điều này, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng. Tại phiên kết nối, doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với đại diện Kotra Hà Nội và nhận sự hỗ trợ tối đa để kết nối với các doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu.

Không chỉ doanh nghiệp Hải Phòng mà nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố lân cận cũng tham gia phiên kết nối. Dù kết nối trực tuyến, nhưng đại diện Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo (Hà Nội) hoàn toàn hài lòng khi kết nối với Viện Đông y Hanbang, cùng quan tâm đến việc trồng và chế biến sản phẩm từ trái nhàu.

Như vậy, có thể thấy, phiên kết nối cung cầu công nghệ do Sở KHCN tổ chức đang là hướng đi hiệu quả cao, góp phần phát triển thị trường KHCN. Song, trên hết, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của doanh nghiệp để bước vào thị trường, “sân chơi” lớn vẫn là yếu tố quyết định nhất.

BÀI VÀ ẢNH: HOÀNG MINH

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phiên kết nối cung cầu công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc: Doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác