Hải Phòng là thành phố có cả rừng, biển, hải đảo, địa hình khí hậu tương đối đa dạng và được đánh giá là thành phố có tính đa dạng sinh học cao. Hải Phòng có 50.615 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, 19.254 ha đất lâm nghiệp, 12.387 ha đất nuôi trồng thủy sản, 125 km bờ biển, có 15 quận/huyện (7 quận và 8 huyện, trong đó có hai huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vỹ). Vùng biển thành phố Hải Phòng có một vị trí quan trọng đối với miền Bắc Việt Nam nói riêng và cả nước nói chung về phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế cũng như an ninh quốc phòng.
Hiện nay thành phố có 20 tiểu hệ sinh thái thuộc 3 nhóm: trên cạn, thủy vực nội địa và hệ sinh thái thủy vực biển, đảo ven bờ được tập trung nghiên cứu với số lượng 6.177 loài sinh vật. Trong đó, xác định danh sách 85 loài động thực vật quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục các loài có nguy cơ bị đe dọa của tổ chức Bảo tồn Quốc tế IUCN (2011); 25 loài động, thực vật đặc hữu có giá trị kinh tế cao cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn để bảo tồn và phát triển nguồn lợi.
Theo kết quả điều tra, khảo sát thực tế nguồn gen quý hiếm, có giá trị tại Hải Phòng thực hiện năm 2018-2019, Hải Phòng có 224 nguồn gen sinh vật nguy cấp, quý hiếm, có giá trị tại Hải Phòng. Trong đó, 164 nguồn gen thực vật (lúa, hoa, rau màu và dược liệu); 02 nguồn gen động vật (gà Liên Minh, ong nội Cát Bà); 15 nguồn gen thủy sản (Bào ngư chín lỗ, cá Song chanh, cá Song chấm đỏ, cá Song vua, Trai bàn mai, Trai ngọc nữ…).
Để bảo tồn, lưu giữ an toàn và khai thác phát triển nguồn gen động vật, thực vật, thủy sản và vi sinh vật quý hiếm có giá trị nhằm phục vụ công tác bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội bền vững; UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND ngày 1/2/2021 về việc phê duyệt Đề án khung bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025.
Nội dung Đề án: Điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen; lưu trữ, bảo tồn nguồn gen sinh vật quý hiếm hiện có; đánh giá và tư liệu hóa nguồn gen; khai thác và phát triển nguồn gen; tăng cường tiềm lực cho các tổ chức, đơn vị bảo tồn, lưu giữ nguồn gen của thành phố.
Tại Quyết định này, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện Đề án. Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện liên quan phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra quá trình thực hiện các nhiệm vụ quỹ gen. Phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chủ trì, các địa phương đảm bảo nguồn gen tiếp tục được bảo tồn sau khi Đề án kết thúc. Các viện Nghiên cứu, trường Đại học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài thành phố phối hợp, tham gia triển khai thực hiện Đề án.