Giá vé có sự chênh lệch lớn
Hiện nay, xe buýt Hải Phòng được phát triển theo hai loại hình. Thứ nhất là tuyến xe do thành phố (giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì) đặt hàng, tổ chức đấu thầu tuyến công khai, minh bạch. Loại hình thứ hai là đầu theo hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp tự đầu tư phương tiện, mở tuyến; Nhà nước xây dựng hạ tầng phục vụ xe buýt. Hình thức này doanh nghiệp được quyết định giá vé căn cứ theo chi phí. Vì tồn tại song song hai hình thức đầu tư xe buýt nên giữa các tuyến xe có sự chênh lệch khá lớn về giá vé.
Như tuyến xe buýt số 03 từ Khách sạn Dầu khí (415 phố Đà Nẵng) đi khu 3 Đồ Sơn dài 25km, giá là 30.000 đồng/vé cả tuyến; trong khi tuyến xe buýt số 16C từ Bến xe Thượng Lý đi bến phà Gót có cự ly 35km, nhưng giá vé chỉ có 13.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với tuyến số 03. Ông H.Đ.T., trú tại ngõ 221 phố Lạch Tray, người thường đi tuyến xe buýt số 03 cho biết, giữa 2 tuyến xe này có sự chênh lệch rất lớn về giá vé. Tính cả 2 chiều đi và về, vé xe buýt tuyến số 03 cao hơn tuyến số 16C tới 34.000 đồng. Nhiều người tiết kiệm mua vé tháng, song tiền vé tháng của 2 tuyến này cũng chênh nhau hơn 350.000 đồng/vé/tháng, cho dù số km tuyến số 03 ít hơn tuyến số 16C.
Giải thích về vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thịnh Hưng Hà Duy Hưng, đơn vị quản lý cả 2 tuyến xe buýt trên cho biết, tuyến xe buýt số 03 là tuyến xe xã hội hóa, được hạch toán chi phí căn cứ theo điều kiện hoạt động và giá xăng dầu. Sau nhiều lần tăng, hiện nay giá vé suốt tuyến này là 30.000 đồng/vé. Còn tuyến số 16C là tuyến được thành phố đặt hàng trợ giá trực tiếp cho người đi xe buýt, nên giá vé chỉ 13.000 đồng/lượt. Trong tổng số 6 tuyến xe buýt công ty đang quản lý, có 5 tuyến được thành phố trợ giá cho người dân, tuyến có giá cao nhất là tuyến 16B từ Sân bay Cát Bi đi Phà Rừng cự ly 40km, giá vé là 15.000 đồng. Thời gian qua, công ty đề nghị UBND thành phố và Sở GTVT xem xét, đưa tuyến số 03 trở thành tuyến xe buýt đặt hàng, có trợ giá để giảm giá vé cho người đi xe, nhưng chưa được chấp thuận vì khó khăn về kinh phí. Ngoài 5 tuyến xe buýt của Công ty TNHH Vận tải Thịnh Hưng, còn có 4 tuyến xe buýt của Công ty CP Đường bộ Hải Phòng đi các huyện An Lão, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo cũng được trợ giá, nên mức giá chỉ hơn 10.000 đồng/vé suốt tuyến. Bên cạnh đó, còn một số tuyến xã hội hóa, có mức giá vé cao gấp đôi so với những tuyến xe được trợ giá vé.
Tăng tính hấp dẫn để thu hút người dân
Hai hình thức đầu tư phát triển xe buýt được duy trì song song tại Hải Phòng không những gây bất cập về giá vé mà còn bất cập cả về chất lượng phương tiện. Nếu như tuyến xe buýt được đặt hàng, trợ giá luôn có những chiếc xe đẹp, mới, tiện nghi, thì những chiếc xe buýt hoạt động trên tuyến xã hội hóa lại xuống cấp nghiêm trọng. Như Công ty TNHH Vận tải Thịnh Hưng cũng luôn dành xe mới cho các tuyến được đặt hàng, trợ giá, còn xe cũ dùng hoạt động trên tuyến không trợ giá. Lãnh đạo đơn vị lý giải, với tuyến xã hội hóa, doanh nghiệp không chỉ đầu tư phương tiện, mà còn phải chi trả tiền bến bãi, tất cả chi phí đều tính vào giá vé nên phải tính toán để tiết giảm.
Với mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, phát triển xe buýt là giải pháp được các đô thị lớn trong nước và nước ngoài áp dụng, góp phần giảm xe cá nhân.Thực tế cho thấy, những tuyến đường có xe buýt hoạt động, tình hình ùn tắc và tai nạn giao thông giảm hẳn, rõ nhất là tuyến đi bến phà Gót (Cát Hải), giảm mạnh về tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND thành phố về phát triển xe buýt, giai đoạn 2021-2025, thành phố quy hoạch 31 tuyến xe buýt, nhưng hiện Hải Phòng mới có 14 tuyến. Để phát triển thêm sẽ rất khó khăn nếu không có sự hỗ trợ của thành phố. Tại cuộc làm việc với UBND huyện Cát Hải về mở tuyến xe buýt số 14 trên đảo Cát Bà, Phó giám đốc Sở GTVT Phạm Văn Huy cho biết, để tuyến xe buýt hoạt động ổn định, chất lượng, bên cạnh việc tăng cường quản lý, giám sát của Sở GTVT, UBND huyện Cát Hải cần hỗ trợ về khu vực đỗ xe, bảo đảm an ninh trật tự… để tuyến xe hoạt động hiệu quả, làm tiền đề để phát triển những tuyến xe tiếp theo.
Để nâng cao đầu tư chất lượng hoạt động cũng như phát triển đa dạng các tuyến xe, giá vé rẻ như hình thức kích cầu, thu hút người dân, hình thành thói quen sử dụng loại hình giao thông công cộng. Bên cạnh xem xét việc tiếp tục mở rộng các tuyến xe trợ giá vé cho người dân, thành phố cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xã hội hóa việc kinh doanh xe buýt bằng cách hỗ trợ phát triển hạ tầng, tạo tính kết nối; hỗ trợ xây dựng các bãi xe buýt, nhà chờ đầu tuyến-cuối tuyến; làm việc với các ngân hàng tạo cơ chế vay vốn cho các doanh nghiệp… Có như vậy mới dần đưa các mức giá vé trên các loại hình xe buýt gần với nhau. Ngoài ra, thành phố xây dựng chiến lược truyền thông về phát triển xe buýt gắn với chuyển đổi số để người dân dễ dàng cập nhật thời gian, hướng đi, giá vé xe buýt để lựa chọn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát, loại bỏ xe buýt kém chất lượng, thành lập đội xe buýt hiện đại, tiện nghi, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn./.
Mai Lâm
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More