Print Thứ Hai, 03/07/2023 08:45 Gốc

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác hữu cơ đạt 513,0ha, chiếm 1,36% tổng diện tích đất trồng trọt, giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ; định hướng đến năm 2030, diện tích canh tác hữu cơ đạt 980,0ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất trồng trọt, giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ… Đây là chỉ tiêu cụ thể trong Kế hoạch 187/KH-UBND về phát triển trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030 do UBND thành phố vừa ban hành.

Mục tiêu của Kế hoạch hướng đến việc phát triển trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố phải có hiệu quả, bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn, an toàn thực phẩm và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Phù hợp từng tiểu vùng sinh thái, giá trị gia tăng cao, phát triển sản phẩm OCOP, cải thiện đời sống của nông dân, gắn với phát triển du lịch sinh thái, xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội. Hình thành một số vùng canh tác hữu cơ trên cơ sở gắn với các cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế của thành phố; phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh (lúa, rau màu và cây ăn quả) theo hướng nông nghiệp an toàn, hữu cơ, nâng cao giá trị gia tăng, tăng chất lượng nông sản, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ảnh minh họa: Nguyễn Hồng Phong.

Tại Kế hoạch này, UBND thành phố đặt ra 6 nhiệm vụ và 9 giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Đề án xác định vùng canh tác hữu cơ trên địa bản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đảm bảo đạt mục tiêu của Đề án. Theo đó, xác định rõ nhiệm vụ và giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp cho các Sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ. Tổ chức phát triển sản xuất trồng trọt hữu cơ phù hợp điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, thế mạnh của địa phương, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung cầu và đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện hành.

Theo chỉ tiêu của UBND thành phố, đến năm 2023 phải xây dựng, ban hành được định mức kinh tế, kỹ thuật và quy trình kỹ thuật cho một số cây trồng (lúa, rau màu, cây ăn quả) theo tiêu chuẩn hữu cơ; xây dựng mô hình sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả đạt chứng nhận hữu cơ với diện tích 200-250ha; trong đó: lúa 100-200ha, rau màu: 30-50ha, cây ăn quả 20-30ha; xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm gạo, rau, quả hữu cơ trên địa bàn thành phố với diện tích 50-100ha; xây dựng và mở rộng từ 2-3 cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm gạo, rau, quả hữu cơ các loại; xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trồng trọt hữu cơ…

Trâm Bầu

Tài liệu đính kèm: Kế hoạch số 187/KH-UBND

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát triển trồng trọt hữu cơ trên địa bàn thành phố có hiệu quả và bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác