Phát triển “tòa nhà xanh”: Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường

Hiện nay, lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ hộ dân và lĩnh vực thương mại, dịch vụ là 1510 tấn/năm, chiếm  22,6% tổng lượng phát thải CO2 của toàn thành phố. Nếu chỉ 20% số công trình xây dựng trên địa bàn thành phố áp dụng mô hình “tòa nhà xanh”, sử dụng năng lượng tiết kiệm, thành phố cắt giảm được 624 nghìn tấn CO2/năm. Song, mô hình này chưa được phổ biến trên địa bàn thành phố.

 


Tòa nhà TD Plaza là công trình áp dụng giải pháp sử dụng tiết kiệm năng lượng.

 

Còn quá ít “tòa nhà xanh”

Tòa nhà xanh là những tòa nhà đạt chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm mức tiêu thụ điện do tận dụng năng lượng tự nhiên. Công trình bảo đảm môi trường làm việc, sinh sống và vui chơi thân thiện với môi trường. Trên địa bàn thành phố hiện có 12 công trình xây dựng đạt tiêu chí công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có 7 công trình văn phòng và 5 công trình công cộng.

Một trong những công trình sử dụng năng lượng hiệu quả là tòa nhà TD Plaza (ThùyDươngPlaza). Cách đây hơn 10 năm, tòa nhà TD Plaza (ThùyDươngPlaza) được khánh thành. Để bảo đảm sử dụng năng lượng hiệu quả chủ đầu tư chú trọng từ khâu thiết kế đến lựa chọn giải pháp công nghệ thiết bị điện. Thiết kế tòa nhà chia làm 2 khối nhà liền kề nhau để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp, hạn chế việc sử dụng thiết bị làm mát. Chủ đầu tư sử dụng hệ thống điều hòa COP có khả năng tiết kiệm điện đến 29% so với sử dụng thiết bị thông thường. Đồng thời, hệ thống tích hợp biến tần điều khiển bơm thứ cấp trong khâu phân phối lạnh từ 2 cụm máy tổng đến các máy điều hòa bố trí bên trong. Chi phí đầu tư xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng ban đầu lớn hơn khoảng 30% so với công trình xây dựng truyền thống. Bù lại doanh nghiệp tiết giảm lượng điện tiêu thụ khoảng 314,526 KWh/tháng, về lâu dài tiết kiệm được đáng kể. Tương tự, Siêu thị Big C Hải Phòng sử dụng hệ thống điện mặt trời, nhờ đó tiết kiệm đáng kể tiền điện hằng tháng. Theo thống kê của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn (Sở Công Thương) nhờ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, 12 công trình xanh trên địa bàn thành phố tiết kiệm điện được hơn 2 tỷ Kwh/năm, tương được gần 3,77 tỷ đồng/năm.

Mô hình “tòa nhà xanh” có từ nhiều năm nay, những lợi ích về kinh tế, môi trường được khẳng định. Nhưng việc phổ biến mô hình chưa hiệu quả. Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Vũ Hữu Thành, đầu tư ban đầu cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng thường cao hơn so với các giải pháp sử dụng năng lượng truyền thống. Trong khi đó, nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề tiết kiệm năng lượng chưa đầy đủ. Doanh nghiệp vì lợi nhuận cao nên tiết giảm chi phí ban đầu. Trong khi đó, cơ quan quản lý thiếu cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình “xanh”. Nguồn tín dụng lãi suất thấp dành cho lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, xây dựng công trình “xanh”, công trình tiết kiệm năng lượng hạn chế, thiếu các chế tài về xử lý các trường hợp sử dụng năng lượng lãng phí.

Tăng cường phổ biến, tuyên truyền

Tháng 12-2017, Viện chiến lược môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES) phối hợp Sở Tài nguyên-Môi trường xây dựng kịch bản thành phố CO2 thấp cho Hải Phòng. Kịch bản đề xuất 4 hành động làm giảm phát thải khí CO2 cho thành phố, trong đó, giải pháp phổ biến những tòa nhà, công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm là hành động cần thiết. Sau khi kịch bản được phê duyệt, IGES ưu tiên thực hiện trước hết hành động “tòa nhà xanh” từ tháng 7-2018.

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Hải Phòng là thành phố chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu nên việc xây dựng “đô thị xanh”, “tòa nhà xanh” rất cần thiết. Những nội dung của chương trình thiết thực đối với thành phố Hải Phòng, như việc xây dựng cơ chế khuyến khích chủ đầu tư xây dựng công trình sử dụng vật liệu không nung, dán tem cho sản phẩm điện tiết kiệm năng lượng.

Tiến sĩ Juinchi Fujino, Giám đốc chương trình hành động “Tòa nhà xanh”  cho biết: Để nhân rộng mô hình, IGES tài trợ kinh phí tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về việc xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, IGES giới thiệu đến người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về các công nghệ tiết kiệm năng lượng cho công trình xây dựng như vật liệu cách nhiệt, máy đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho các tòa nhà thương mại và hộ dân; máy phát điện bằng năng lượng mặt trời; lắp đặt các lớp kính cách nhiệt cho tòa nhà thương mại….

Về lâu dài, thành phố cũng cần xây dựng cơ chế, quy định cụ thể về việc xây dựng các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. Hiện nay, Bộ Xây dựng có quy định cụ thể về những công trình áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là căn cứ để thành phố giám sát chặt chẽ hơn đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư trong xây dựng công trình bảo đảm yếu tố “xanh”, đáp ứng yêu cầu sử dụng tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí CO2.

 

Nguyên Mai – Báo Hải Phòng 10/09/2018

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More