Cần một diện mạo mới cho thương mại truyền thống
Giá trị của tiềm năng, vị thế
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định, Hải Phòng hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành Trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của vùng và cả nước.
Và điều này cũng đã được Bộ Chính trị định hướng rất rõ nét tại Nghị quyết 32-NQ/TW cách đây 16 năm và đã tái khẳng định tại Nghị quyết 45-NQ/TW vừa được ban hành.
Thực tế nhiều năm qua, Hải Phòng hiển hiện khá rõ nét với vai trò là một trung tâm công nghiệp – thương mại và dịch vụ tầm cỡ ở khu vực phía Bắc, được hình thành cả từ điều kiện tự nhiên lẫn vận động của thời gian, trong đó thương mại, dịch vụ nội địa (thương mại nội địa) nắm giữ vai trò hết sức quan trọng.
Có thể nói, Hải Phòng mạnh hơn nhiều so với các địa phương trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ nếu xét về lợi thế phát triển thương mại nội địa, với lợi thế sở hữu toàn diện 5 dạng hình giao thông, chưa kể những lợi thế về thông tin liên lạc, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước… và những điều kiện khác.
Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 58.745 cơ sở kinh doanh thương mại, đang giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 110 nghìn lao động. Số liệu thống kê cũng cho thấy, thành phố hiện có 154 chợ các hạng, 34 trung tâm thương mại và siêu thị, 1 trung tâm hội chợ triển lãm, 128 cửa hàng tự chọn, 15 hệ thống cửa hàng kinh doanh chuỗi…
Trong những năm qua, nền tảng cơ sở hạ tầng này đã góp phần tích cực vào việc lưu thông, phân phối hàng hóa, tạo ra một thị trường khá năng động và hiệu quả. Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh thương mại điện tử cũng ngày càng phát triển, thêm một diện mạo mới cho môi trường kinh doanh Hải Phòng, trong điều kiện nền kinh tế có độ mở ngày một lớn.
Chỉ tính trong năm 2018 vừa qua, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn thành phố đạt 116.736,6 tỷ đồng, tăng 14,91% so với năm 2017. Bước sang năm 2019 thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm đạt 42.402,72 tỷ đồng, tăng 14,27% so với cùng kỳ năm trước.
Điều quan trọng là, trong khi ở các địa phương khác, các mô hình kinh tế thương mại gặp nhiều trắc trở, những đại gia bán lẻ nổi tiếng theo nhau đổi chủ, thì nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ theo hướng trung tâm thương mại hiện đại vẫn được đầu tư và đi vào hoạt động tại Hải Phòng.
Nổi bật nhất trong thời gian qua là sự mở rộng của các siêu thị điện máy và hàng tiêu dùng như VinMart, MediaMart, HC, Điện máy Xanh, Nguyễn Kim, Pico… đặc biệt là sự hiện diện của Trung tâm Aeon Mall đến từ Nhật Bản.
Hệ thống Trung tâm thương mại trên đường Lê Hồng Phong
Nhưng quan trọng hơn, nhờ thực hiện khá tốt quá trình tái cấu trúc, có thể thấy rõ hệ thống thương mại ngoài nhà nước ngày càng phát triển và khẳng định vị thế, với vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát thị phần và chiếm giữ trên 90% tổng mức doanh thu và lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, trả lại sự vận động tất yếu cho quy luật kinh tế thị trường, phát huy được tư duy sáng tạo của yếu tố cá nhân trong phát triển kinh tế.
Nhìn lại để bứt phá
Rõ ràng, những con số trên đây đã phần nào thể hiện được sự phát triển tích cực của ngành thương mại nội địa Hải Phòng. Tuy nhiên theo đánh giá thì sự tăng trưởng này hiện chưa tương xứng với tiềm năng mà thành phố đang sở hữu
Trở lại với buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố và Bộ Công thương mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đã thẳng thắn chia sẻ những hạn chế.
Theo đó, hạ tầng thương mại phát triển chưa thực sự đồng đều giữa các địa phương, khu vực; dung lượng trao đổi hàng hoá tăng nhanh nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế; hệ thống chợ cơ bản chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp và chuyển đổi mô hình đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới; công tác xúc tiến thương mại chưa thực sự hiệu quả trong việc kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối… Trong khi đó đội ngũ cán bộ thương mại còn yếu, công tác quản lý điều hành về thị trường bộc lộ nhiều bất cập.
Thương mại hiện đại là xu hướng phát triển tất yếu
Chỉ riêng hạ tầng truyền thống, với khoảng trên 150 chợ được xếp hạng trải khắp thành phố, chưa kể các chợ tạm chợ cóc cũng như hệ thống phân phối đường phố…
Về hình thức, khu vực này đang giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng thương mại, dịch vụ, nhưng phần lớn là hỗn tạp, hình thái lạc hậu, văn hoá kinh doanh thiếu chuẩn mực.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển thương mại đến năm 2020, thành phố đã xác định “Hoạt động thương mại mở phải đặt trong bối cảnh vừa cạnh tranh vừa hợp tác, gắn kết chặt chẽ với các ngành và hệ thống dịch vụ phức hợp khác, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố bền vững như hạ tầng cơ sở, môi trường và cân bằng sinh thái”. Nhưng điều này sẽ khó thành công nếu không tận dụng được lợi thế căn bản mà thành phố hiện đang sở hữu.
Nhìn lại tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ, thương mại những năm qua, cho thấy dù có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, tổng cầu tăng chậm. Ở góc nhìn khác, tổng doanh thu tăng nhưng chưa thực sự giải quyết được bài toán về giải phóng hàng tồn.
Trong khi năng lực cạnh tranh của những sản phẩm mang thương hiệu thuần túy Hải Phòng rất hạn chế, phần lớn sản phẩm tiêu dùng được lưu thông trên địa bàn thành phố là chuyển từ khu vực khác đến.
Chưa kể hàng nhập lậu vẫn còn nhức nhối, không những tạo môi trường kém lành mạnh mà còn gây khó cho việc kiểm soát thị trường cũng như điều chỉnh các chính sách khác.
Những cảnh báo gần đây cũng cho thấy, khi các hiệp định thương mại tự do được Việt Nam tham gia có hiệu lực, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ quá trình hội nhập.
Được biết, để khắc phục những hạn chế nêu trên, chủ trương định hướng lớn của thành phố là đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đó là lời giải mang tính vĩ mô, nhưng vấn đề đặt ra là, bản thân những người trong cuộc, cả doanh nghiệp và nhà quản lý cần nhiều hơn tư duy manh tính cách mạng.
Để chuyển hóa từ định hướng vĩ mô nêu trên, thiết nghĩ thành phố cần có sự đánh giá toàn diện năng lực thực sự của nền kinh tế thương mại, rà soát hoạt động của từng khu vực dịch vụ và hệ thống các doanh nghiệp. Từ đó đánh giá đúng chất lượng hạ tầng và năng lực cung ứng các dịch vụ về thương mại, vận chuyển, lưu trú, du lịch…
Trên cơ sở khảo sát, dự báo và đưa ra các kịch bản giả định từ thực tiễn, mới có thể đem lại hiệu quả cho đổi mới mô hình. Bởi nếu không có cuộc cách mạng thực sự, thì thương mại thành phố rất dễ phải đối mặt với những cạnh tranh mới, không chỉ riêng về hàng hóa, công nghệ mà còn cả nguồn lực tài chính, nguồn lực lao động…
Hy vọng rằng trong tương lai gần, khi các công trình dự án hạ tầng kinh tế, giao thông, đô thị, phân ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao… phát huy hiệu quả, sẽ là cơ sở vững chắc để đổi mới các mô hình thương mại.
Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, hiện thực hóa chủ trương đúng đắn trong việc tăng cường đa dạng hóa nguồn lực để thành phố phát triển bền vững.
Lê Minh Thắng
Ngày 14/11, Đoàn thẩm định số 40, 53 thuộc Ban tổ chức Giải Sao vàng…
10 tháng qua, trong số hơn 400 vụ tai nạn giao thông (TNGT) toàn thành…
Công an quận Ngô Quyền (Hải Phòng) vừa bắt giữ 12 đối tượng có liên…
Chiều 14/11, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng…
UBND quận Ngô Quyền vừa ban hành Thông báo (lần 5) yêu cầu Công ty…
Chiều 14/11, Trường THPT Ngô Quyền, quận Lê Chân, TP Hải Phòng tổ chức Chuyên…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More