Print Thứ Hai, 08/04/2019 03:27

Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, đạt được kết quả tích cực cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng góp hiệu quả vào việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, so với yêu cầu về vốn cho doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, cần thêm nhiều giải pháp để thị trường này trở thành nguồn cung vốn ổn định, “truyền máu” cho DN, nhất là DN khởi nghiệp.

Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: CÔNG HÙNG

Theo tính toán của Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), đến hết năm 2018, quy mô thị trường trái phiếu đạt khoảng 39,12% GDP. Ðối với thị trường trái phiếu Chính phủ, đã có sự phát triển theo thông lệ quốc tế về sản phẩm, tính thanh khoản và tổ chức thị trường, đến hết năm 2018 đạt 27,25% GDP, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường trái phiếu. Ðối với thị trường trái phiếu DN (TPDN), mặc dù có sự phát triển nhanh trong những năm gần đây nhưng quy mô còn nhỏ, đến cuối năm 2018 chỉ đạt 8,57% GDP, thanh khoản còn hạn chế, chưa phải là kênh huy động vốn chủ yếu của các DN. Do vậy, khi có nhu cầu huy động vốn, kể cả vốn trung và dài hạn, các DN vẫn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, điều này gây áp lực và tiềm ẩn rủi ro. Từ thực trạng này, vấn đề đặt ra là cần đẩy mạnh phát triển thị trường TPDN để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn. Không những thế, việc thúc đẩy phát triển thị trường TPDN phải trở thành kênh huy động vốn đóng vai trò trọng yếu cho các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong những giải pháp đã triển khai để phát triển thị trường TPDN, có thể nói, việc hoàn thiện thể chế chính sách về phát hành TPDN đóng vai trò nền tảng. Phó Vụ trưởng Tài chính ngân hàng Nguyễn Hoàng Dương cho biết: Hiện tại, khung khổ pháp lý về phát hành TPDN ra công chúng và phát hành riêng lẻ được ban hành đồng bộ từ cấp luật, nghị định đến các văn bản hướng dẫn, đáp ứng được nhu cầu huy động vốn của DN và dần tiếp cận với thông lệ quốc tế. Theo đó, đối với phát hành TPDN ra công chúng được thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán, còn đối với phát hành TPDN riêng lẻ cũng đã được quy định cụ thể. Bộ cũng rất chú trọng việc thúc đẩy các DN huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu để tăng nguồn cung cho thị trường TPDN.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, việc ban hành quy định và vận hành cơ chế chính sách đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu nói chung, TPDN nói riêng về cơ bản cũng đã được hoàn thiện. Theo Bộ Tài chính, trên thị trường TPDN hiện nay đã có sự tham gia của các ngân hàng thương mại (NHTM), các quỹ đầu tư, DN bảo hiểm, công ty chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, NHTM đang đóng vai trò là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPDN do có tiềm lực tài chính tốt. Ðể hỗ trợ phát triển thị trường TPDN, khung khổ pháp lý về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã được ban hành và đang triển khai. Hiện tại, Bộ Tài chính đang xem xét hồ sơ đăng ký để các tổ chức có nhu cầu cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm có thể triển khai dịch vụ trên thị trường trái phiếu. “Hoạt động tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã được triển khai tích cực, thông qua tái cơ cấu các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao về năng lực tài chính, mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ khi tham gia hoạt động trên thị trường trái phiếu”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội Nguyễn Thành Long cho biết thêm.

Tại Hội nghị thành viên thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đầu năm 2019, có nhiều giải pháp mới được đưa ra nhằm định hướng phát triển thị trường và kế hoạch hành động trong năm 2019. Trong đó, đối với thị trường TPDN, dự kiến sẽ xây dựng trung tâm thông tin TPDN đặt tại Hà Nội; khuyến khích các DN huy động vốn trái phiếu; theo sát tiến trình sửa đổi Luật Chứng khoán đối với các nội dung về: khái niệm nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều kiện và quy trình phát hành TPDN ra công chúng, khả năng gắn xếp hạng tín nhiệm với phát hành TPDN ra công chúng, phạm vi phát hành, giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.

Ðiều quan trọng là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thành viên thị trường sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn, lãi suất phát hành trong công tác phát hành trái phiếu và điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan phát triển thị trường trái phiếu trong mối liên kết với thị trường tiền tệ cũng sẽ được chú trọng hơn; việc trao đổi, tham vấn giữa cơ quan quản lý với các nhà tạo lập thị trường theo định kỳ về diễn biến thị trường và tình hình phát hành trái phiếu sẽ được tăng cường. Ðây là những giải pháp quan trọng, đóng vai trò quyết định để thực hiện chủ trương, định hướng của Ðảng và Chính phủ nhằm phát triển thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các DN, từng bước giảm phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN huy động vốn trái phiếu, nhất là TPDN riêng lẻ.

SÔNG TRÀ

Nguồn. Báo Nhân dân

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác