Hải Phòng có nhiều tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất lúa hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay, một số doanh nghiệp, cơ sở, nông dân mới chỉ sản xuất thử nghiệm, chưa thể nhân rộng thành sản phẩm hàng hóa.
Sản xuất lúa hữu cơ vụ xuân năm 2018 tại Công ty TNHH Thuận Lợi.
Lúa gạo hữu cơ “lên ngôi”
Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ tại các huyện từng bước mở rộng diện tích. Nhiều người sử dụng sản phẩm gạo hữu cơ của Công ty TNHH Thuận Lợi đều tấm tắc khen ngon vì cơm dẻo, lại có màu tím lạ mắt, vị đậm đà, mùi thơm dịu. Để sản xuất loại gạo này, công ty cấy khảo nghiệm các giống lúa tím tiến vua trên cánh đồng lớn ở xã Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) bằng phương pháp hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học. Toàn bộ quy trình sản xuất áp dụng công nghệ của Nhật Bản, gieo hạt, thu hoạch bằng cơ giới hóa, chăm bón bằng các loại phân vi sinh, phân chuồng hoai mục… Với nhiều ưu điểm vượt trội, các loại gạo sản xuất theo phương pháp hữu cơ được người tiêu dùng chuộng mua. Tương tự, gạo của Công ty TNHH Ruộng Rươi sản xuất cũng rất đắt hàng. Doanh nghiệp này hợp tác với HTX nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) quy vùng 80 ha ruộng để canh tác lúa hữu cơ, chủ yếu là giống nếp xoắn, một số giống lúa tẻ cho chất lượng gạo ngon… Giá bán các loại lúa hữu cơ sau khi thu hoạch cao gấp 2 – 3 lần lúa thông thường. Vụ mùa năm 2017, giá bán thóc thông thường khoảng 600 – 700 nghìn đồng/tạ, tuy nhiên thóc sản xuất theo phương pháp hữu cơ giá 1, 4 đến 1,5 triệu đồng/tạ.
Theo số liệu tổng hợp từ các doanh nghiệp và địa phương, vụ lúa xuân năm 2018, toàn thành phố có gần 1000 ha lúa ở các huyện được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Phổ biến nhất là ở huyện Kiến Thụy. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Kiến Thụy Nguyễn Văn Quân, rải rác ở các xã có gần 200 ha lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ, chủ yếu do các doanh nghiệp tự thuê đất quy vùng sản xuất tập trung hoặc phối hợp với các HTX nông nghiệp sản xuất . Ở các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, rải rác ở các vùng bãi ven sông, biển, đầm nuôi rươi tự nhiên có một số hộ dân, doanh nghiệp tranh thủ lúa hữu cơ trên ruộng rươi hoặc các vùng đầm trũng là đất công ích của địa phương…
Xây dựng quy hoạch sản xuất tập trung
Theo Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Đoàn Hữu Thanh, ở ngoại thành hiện có nhiều tiềm năng đất đai để sản xuất lúa hữu cơ. Đây là hướng đi tất yếu đáp ứng xu thế thị trường, mong muốn của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch, đồng thời đem lại thu nhập cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn thành phố, sản xuất lúa hữu cơ chủ yếu do doanh nghiệp, các hộ dân tự phát làm. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chưa có chỉ đạo, định hướng sản xuất. Việc sản xuất tự phát, nhỏ lẻ sẽ khó đáp ứng yêu cầu hàng hóa trên thị trường. Khâu kiểm tra, giám sát kỹ thuật canh tác, đánh giá chất lượng lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ trên địa bàn thành phố chưa được cơ quan chức năng nào kiểm định, công bố; chủ yếu do các cơ sở doanh nghiệp, cá nhân tự sản xuất, quảng bá, giới thiệu, lưu thông sản phẩm.
Thời gian tới, để mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cần tổ chức khảo sát ở các địa phương, có quy hoạch và phương án chỉ đạo sản xuất tập trung trên toàn thành phố. Đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả kinh tế, khuyến khích nông dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật, Chi cục Chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng tổ chức hướng dẫn, giám sát kỹ thuật, đánh giá kiểm định chất lượng sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn. Các địa phương rà soát các quỹ đất công ích, vùng bãi bồi ven sông, biển, khu vực có thể canh tác lúa hữu cơ để quy vùng sản xuất, thuận tiện đưa cơ giới hóa vào canh tác.
Bên cạnh đó, thành phố có cơ chế khuyến khích nông dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ để tăng giá trị thu nhập.
Giám đốc Công ty TNHH Thuận Lợi, Nguyễn Văn Thuận cho biết, sản xuất lúa hữu cơ đòi hỏi quy trình chặt chẽ, thời gian sinh trưởng lâu hơn. Để nông dân có thể tham gia sản xuất, doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với nông dân. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nông dân và nhà khoa học trong việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn, khảo nghiệm và sản xuất đại trà các giống lúa chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện đất đai của từng địa phương. Về phía nông dân phải tuân thủ nghiêm túc các quy tắc sản xuất lúa hữu cơ, nghiêm túc không thực hiện các thuốc hóa học trong quá trình xản xuất mới cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, sạch bệnh, hiệu quả kinh tế cao…
An Hương – Báo Hải Phòng 13/04/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More