Phát triển kinh tế vận tải biển Hải Phòng – Chặng đường nhiều thăng trầm: Kỳ 1- Khẳng định vị thế tiên phong

Là thành phố cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng có lịch sử hàng trăm năm về kinh tế vận tải biển. Dù trải qua nhiều biến động, nhưng nhìn từ góc độ nào kinh tế vận tải biển luôn xứng đáng là phân ngành mũi nhọn, có giá trị vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.


Cảng Hải Phòng với sứ mệnh đầu mối hàng hải hơn trăm năm

Tính về quy mô, ít có địa phương nào của cả nước có được hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông như Hải Phòng, gồm: đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… và đặc biệt là đường biển. Điều đáng nói việc hình thành hệ thống này đều thuộc diện sớm nhất, xuất hiện trước cả thời gian hình thành cái tên của thành phố.

15 năm trở lại đây, quá trình thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” đã tạo điều kiện đặc biệt cho thành phố phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên trong thành tựu đó, việc đầu tư cho vận tải biển chỉ tập trung vào hạ tầng trên bộ, cụ thể là hệ thống các cảng đồng bộ, kết nối dịch vụ với các dạng hình giao thông khác, còn hạ tầng giao thông đường biển mang một đặc thù rất truyền thống, đó là các điều kiện tự nhiên.

Hải Phòng có chiều dài bờ biển trên 125km, có gần chục cửa sông lớn với mật độ bình quân 0,7km/km2 đổ ra biển, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông thủy huyết mạch. Chính vì vị trí có tầm chiến lược này, mà ngay từ năm 1857, trước 1 năm khi xảy ra sự kiện “bán đảo Sơn Trà” (Đà Nẵng) dẫn đễn cuộc xâm lược của người Pháp vào Việt Nam, thì Cảng Hải Phòng đã được hình thành.

Thương hiệu VOSCO, niềm tự hào của vận tải biển Việt Nam

Điều quan trọng là, vào thời điểm người Pháp xâm chiếm nước ta, thế giới chưa có phương tiện vận tải hàng không, trong khi phương tiện cơ giới đường bộ còn hạn chế, nên ngành vận tải thủy là chủ đạo. Năm 1874, người Pháp cho xây dựng cảng “6 kho”, tiền thân của Cảng Hải Phòng hiện nay, và đây cũng là cơ sở quan trọng nhất cho việc thành lập thành phố Hải Phòng năm 1888. Để ngay từ khi hình thành, Hải Phòng đã có quy mô sánh ngang hàng với Hà Nội, Sài Gòn, nằm trong nhóm những thành phố lớn nhất Đông Dương, có hệ thống cảng lớn nhất miền Bắc. Ngoài sự phát triển mạnh mẽ dạng hình tư bản tư nhân ngoại quốc, thành quả vận tải biển của những người Việt tại Hải Phòng thời kỳ thuộc Pháp cũng rất đáng nể. Có thể kể điển hình như doanh nhân Bạch Thái Bưởi gắn với công ty Giang Hải Luân, nổi danh cả nước về đóng tàu và vận tải hàng hải.

Hơn nửa đầu thế kỷ 20, hệ thống các luồng hàng hải đã kết nối Hải Phòng với nhiều cảng lớn trên thế giới, không riêng ở châu Á, mà trải rộng tới tận châu Đại Dương, Bắc Mỹ, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, Địa Trung Hải hay biển Bắc Âu. Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, Cảng Hải Phòng giữ vai trò đầu mối quan trọng nhất và lớn nhất về lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nhưng do điều kiện chiến tranh, hoạt động hàng hải của Hải Phòng luôn gắn liền với những mục đích quân sự, nên gần như phân ngành kinh tế vận tải biển liên quan thuộc về các nước anh em và bè bạn. Điểm nhấn quan trọng nhất, có lẽ được tính từ khi Công ty vận tải biển Việt Nam (VOSCO) được thành lập vào tháng 7-1970, mở đường đưa Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ vận tải biển, với nhiều cơ quan quản lý, cơ sở kinh tế được thành lập, thực hiện các chức năng đại lý, cung ứng, dịch vụ…

Có thể nói, mặc dù gặp nhiều hạn chế nhất định của nền kinh tế tập trung, nhưng sự xuất hiện của ngành vận tải biển đã có những đóng góp rất lớn về cả mặt kinh tế và xã hội. Những con tàu mang thương hiệu VOSCO thời kỳ đó không chỉ xuất hiện ở thương cảng các nước trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa, mà còn tới các nước tư bản, tạo điền đề quan trọng cho mối quan hệ đa phương của Việt Nam sau này. Cũng từ đây, hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, được chính người Việt Nam chuyên chở đã có mặt ở nhiều nước, làm lan tỏa hình ảnh một nước Việt Nam “kinh tế” thay cho cụm từ “chiến tranh” mà thế giới thường nhìn vào lúc đó. Còn riêng thương hiệu VOSCO, cũng trở thành thương hiệu riêng cho từng thủy thủ viễn dương, đem lại một niềm tự hào đáng nể.

Khi đất nước được thống nhất, môi trường kinh tế thuận lợi hơn, sau VOSCO thì tại Hải Phòng còn xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào dạng hình vận tải biển. Có thể nói, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam bó hẹp trong mô hình tập trung, thì hoạt động vận tải biển chính là một kênh giao lưu hết sức hiệu quả giữa Việt Nam với các nước tư bản. Với riêng Hải Phòng, một nền “văn hóa tiêu dùng” mới xuất hiện, với những sản phẩm được sản xuất ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, HongKong, Thái Lan, Singapore… nhập về Cảng Hải Phòng, đã khiến Hải Phòng trở thành trung tâm phân phối lớn. Hơn thế, cùng với các hoạt động dịch vụ liên quan khác, vận tải biển chính là cơ sở quan trọng để Hải Phòng trở thành nơi đứng chân của Trường đại học hàng hải, một trung tâm đào tạo nghề biển có quy mô lớn bậc nhất khu vực, tính cho đến thời điểm hiện tại.

Mặc dù vậy, trải qua nhiều giai đoạn thời gian khác nhau, ngành vận tải biển Hải Phòng cũng như của cả nước cũng có những bước tiến đầy thăng trầm. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, cơ hội và thách thức cùng song hành tồn tại, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về mô hình phát triển.

Lê Minh Thắng – An ninh Hải Phòng 06/10/2018


Tin khác

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng: Tiếp tục lan tỏa tinh thần “Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền”

Sáng 17/7, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Công đoàn Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng…

17/07/2024

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú Hải Phòng trở thành thủ khoa toàn quốc khối B00 Kỳ thi TN THPT năm 2024

Với tổng điểm 29,55 điểm, Nguyễn Đặng Linh Chi, học sinh lớp 12 chuyên Hoá…

17/07/2024

Hải Phòng xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi

Sau khi bùng phát tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, dịch tả lợn Châu…

17/07/2024

Thủ khoa của cả nước đạt 29,75 điểm

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mức điểm cao nhất năm 2024 là thí sinh…

17/07/2024

Sẵn sàng cho Lễ thông xe Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng

Chiều 16/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ kiểm tra công tác…

16/07/2024

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024

Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc…

16/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More