Print Thứ Bảy, 14/10/2023 16:01 Gốc

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26, Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, như vậy nước ta phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế Các-bon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc. Để hiện thực hoá điều này, thời gian qua, cùng với chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trong đó có thành phố Hải Phòng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả.

Kinh tế xanh được hiểu đơn giản là một nền kinh tế có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm tính công bằng về mặt xã hội. Trong đó, xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào hai mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn xuất hiện chưa lâu, song với lợi thế của nước đi sau, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Tăng trưởng xanh cũng đang là mục tiêu mà thành phố Hải Phòng tập trung thực hiện nhằm duy trì và tạo đà phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai. Hải Phòng là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào năm 2014. Trong đó, 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xanh hóa và bền vững, xây dựng thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại đã được thành phố xác định và triển khai thực hiện. Thành phố cũng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều hành động tích cực nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực và thế giới. Và mới đây nhất là thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Thành phố Hải Phòng đã xác định cùng với Thủ đô Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh có vai trò đầu tàu, động lực trong phát triển của cả vùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới, đặc biệt là kinh tế xanh.

Trong hoạt động thu hút đầu tư phát triển, thành phố kiên trì tuân thủ danh mục các ngành nghề, lĩnh vực đầu tư được khuyến khích và kiên quyết từ chối các lĩnh vực đầu tư ô nhiễm, lạc hậu, tiêu tốn tài nguyên… Thành phố ưu tiên các nhà đầu tư tập trung phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, mô hình các khu công nghiệp sinh thái và bất động sản công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng điện gió, điện mặt trời…

Cùng với phát triển các khu công nghiệp tiêu chuẩn, Hải Phòng cũng đang phát huy lợi thế là địa phương có biển với việc quan tâm phát triển ngành năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện rác, điện gió ven bờ và ngoài khơi nhằm phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững. Điều này đang trở thành hiện thực khi có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 theo hướng đô thị xanh, thông minh và đô thị hàng hải toàn cầu… Đồng thời, thành phố và các ngành liên quan đang tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên môi trường biển bảo đảm khả thi, đồng bộ và theo hướng phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế biển.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát triển kinh tế gắn với tăng trưởng xanh, bền vững
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác