Chính trị

Phát triển kinh tế biển song song với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Các đại biểu đề xuất cần nghiên cứu chính sách an sinh xã hội phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh tế trên biển của ngư dân-những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ cho phát triển kinh tế biển là: “Phát triển bền vững kinh tế biển, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo“.

Ngư dân là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền trên biển. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN).

Theo các Đảng viên lão thành, nhà nghiên cứu chính trị tại thành phố Đà Nẵng, đây là một vấn đề lớn, phức tạp và cần tập trung giải quyết, trọng tâm là vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng, tăng cường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Mong muốn huyện đảo Hoàng Sa được nhắc tên trong Dự thảo

Ông Bùi Văn Tiếng (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) cho rằng Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trên đã nêu nhiều nhận định rất đúng với thực tế Biển Đông hiện nay.

Ông Bùi Văn Tiếng liệt kê nhiều lần thực trạng Biển Đông đã được nhắc tới, từ việc xác định bối cảnh quốc tế:Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư, phát triển“; đến đánh giá những hạn chế, bất cập trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ: “Công tác bảo đảm an ninh, an toàn trên biển còn nhiều khó khăn, thách thức“; “Nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia gặp nhiều khó khăn, thách thức“.

Trong Dự thảo Báo cáo chính trị cũng đánh giá:Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột“…

Ngoài ra, ông Bùi Văn Tiếng góp ý:Dự thảo có thể bổ sung một số thông tin lãnh đạo phòng, chống những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trong lĩnh vực dầu khí, nghề cá, bảo hộ ngư dân… Trong bối cảnh hiện nay, những thông tin như vậy nên được hiện diện trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII. Với tư cách một người dân ở Đà Nẵng, thành phố quản lý huyện đảo Hoàng Sa, tôi rất mong tên gọi Hoàng Sa được nhắc đến trong văn kiện cực kỳ hệ trọng của đất nước như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng“.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Hải (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định 4 nguy cơ lớn chúng ta đã và đang đối mặt là: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới; Nguy cơ chống phá, “diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch“, “tự chuyển hóa“, “tự diễn biến” xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên Chủ nghĩa xã hội của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng; Nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển đảo trước âm mưu, thủ đoạn các nước lớn.

Ông Nguyễn Đăng Hải đề nghị Dự thảo văn kiện lần này cần đánh giá lại rõ ràng hơn về nhận định trên. Đây là vấn đề rất quan trọng để hoạch định phương hướng cho nhiệm kỳ đến và những năm tiếp theo sau nhiệm kỳ XIII.

Cần nhấn mạnh nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo

Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Dục (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực III) cũng đề nghị nhấn mạnh nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo vào văn kiện: “Cần quán triệt quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa thông qua đàm phán; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, không dựa vào nước này để chống lại hoặc làm đối trọng với nước kia. Việt Nam quan tâm và sẵn sàng tham gia vào mọi cố gắng song phương và đa phương nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của các bên có liên quan“.

Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc. Vì vậy, ông cho rằng cần tiếp tục coi trọng việc giáo dục và nâng cao ý thức cho nhân dân về chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quốc gia; phát triển kinh tế biển, gắn liền với đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

Lễ chào cờ của các chiến sỹ đảo Trường Sa Lớn. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN).

Chúng ta cần nghiên cứu chính sách an sinh xã hội (đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội) phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh tế trên biển của ngư dân, bởi lẽ, họ không chỉ là những người mưu sinh mà chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển, nhất là vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa“, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Dục nêu ý kiến.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Dục, nước ta cần tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển trên tất cả các lĩnh vực, từ bảo đảm chủ quyền, an ninh đến hoạt động kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên.

Vùng biển và ven biển nước ta là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là “cửa ngõ” cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Dục cho rằng, việc khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển, ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng sẽ tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia./.

Quốc Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Kịp thời giúp khách hàng thoát “bẫy” lừa đảo chuyển hơn 5 tỷ đồng

Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…

26/11/2024

Dự án YEAST ERA đoạt quán quân cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia năm 2024

Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…

26/11/2024

Quận Ngô Quyền hướng dẫn, trao Quyết định giao đất tái định cư cho 57 hộ dân hoàn thiện hồ sơ theo quy định

Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…

26/11/2024

Hội thảo công nghệ tài chính Việt Nam – Vietnam Fintech Summit 2024 (VFS)

Thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại khách sạn Pullman, Hiệp hội…

26/11/2024

Hội thảo “Khai thác nguồn lực từ chuyển đổi kép cho khởi nghiệp sáng tạo”

Thuộc chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại…

26/11/2024

Phân luồng giao thông tạm thời tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2024

Sở Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông báo 780/TB-SGTVT về việc phân luồng…

26/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More