Print Chủ Nhật, 28/11/2021 13:03 Gốc

Năm 2021, thành phố Hải Phòng đề ra chủ đề hành động “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị – Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Trong đó, hạ tầng giao thông là một trong những nội dung hết sức quan trọng, tiếp tục được khẳng định giữ vai trò cốt lõi trong quá trình triển khai thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của thành phố, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Nhiều tuyến đường nông thôn Hải Phòng được xây dựng hiện đại như đường đô thị.

Kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn thành phố có 139 xã trên tổng số 143 xã thuộc 7 huyện triển khai xây dựng nông thôn mới (4 xã chưa triển khai nằm trong quy hoạch phát triển khác). Với dân số ở khu vực này là hơn 1 triệu người, chiếm 58% dân số thành phố, trên diện tích tự nhiên gần 126.000ha, chiếm khoảng 82% diện tích đất thành phố.

Kể từ khi triển khai thực hiện, cùng với việc phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, nhiều đề án, chương trình đã được thành phố ban hành, phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và cải thiện đời sống nông dân.

Tiếp tục được thể chế hóa tại Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, kết quả xây dựng nông thôn mới của thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu rõ nét, trong đó thành quả xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn là một biện chứng quan trọng.

Thành phố đã xác định hạ tầng giao thông là điểm đột phá. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (khi còn giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng) đã khẳng định: “Giao thông là cốt lõi, là động lực để phát triển nông thôn, nếu không đầu tư cải tạo, xây dựng tốt hạ tầng giao thông thì không thể thành công trong xây dựng nông thôn mới…”.

Từ quan điểm đó, thành phố đã mặt rà soát quy hoạch, định hình chiến lược phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, đẩy mạnh vận động Nhân dân hiến đất làm đường, hiện thực hóa sự sáng tạo thành các chính sách thiết thực. Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn được tập trung cao với nhiều cách làm mới và hiệu quả, với mục tiêu cao nhất là phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đáng chú ý, với việc ban hành Nghị quyết số 136/2016/NQ-HĐND ngày 22/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố, Hải Phòng đã trở thành địa phương đi đầu cả nước về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn.

Trong đó điểm nhấn là hỗ trợ 100% giá trị quyết toán công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn mới; 100% xi măng làm đường giao thông nội đồng, thôn xóm; 100% lãi suất vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thi công các công trình liên quan. Trong 5 năm qua kể từ khi Nghị quyết được triển khai, thành phố đã đã hoàn thành 2.677km đường giao thông nông thôn các loại.

Nổi bật, cơ chế thành phố hỗ trợ xi măng, nhân dân tự đóng góp vật tư, nhân công, mặt bằng đã phát huy vai trò làm chủ thực sự của người dân, nông thôn mới, nhanh chóng làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Riêng chương trình hỗ trợ xi măng đã xây dựng hơn 10.000 tuyến đường (nội đồng, thôn xóm) với tổng chiều dài 1.695km.

Về tiêu chuẩn và quy mô, toàn bộ tuyến giao thông nông thôn Hải Phòng đều được cứng hóa, không chỉ đáp ứng yêu cầu giao thông phát triển kinh tế, tiện ích cộng đồng, mà còn sẵn sàng cho những tình huống cấp bách như cháy nổ, cứu thương, khi phương tiện cứu hộ có thể đến tận từng nhà dân.

Giao thông tốt đã tạo điều kiện hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Hiệu quả thiết thực

Nhìn lại cả quá trình hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hải Phòng đã thay đổi rõ rệt. Khi Hải Phòng bắt đầu xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân trên đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 18 triệu đồng/người/năm, thì hiện nay mức thu nhập này đã tăng gáp nhiều lần, với khoảng hơn 60 triệu đồng/người/năm.

Sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 15.330,8 tỷ đồng, gấp 1,08 lần năm 2015 (14.235,8 tỷ đồng), tăng bình quân 1,49%/năm. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đúng hướng, đạt kết quả tích cực.

Đơn cử, khi khởi động xây dựng nông thôn mới, thành phố mới thí điểm 3 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở các xã Hùng Thắng (Tiên Lãng), Việt Tiến (Vĩnh Bảo) và Kênh Giang (Thủy Nguyên). Thì nay toàn thành phố có 685 trang trại, với 20.340ha vùng sản xuất tập trung.

Đồng thời đã thu hút được 12 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước với tổng diện tích 489,65ha, vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể số lượng các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế liên kết với các hộ vệ tinh, tạo mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng ngày một tăng cao.

Trên thực tế, không riêng gì khu vực nông thôn mà xét trên tổng thể thì hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quyết định cao nhất đến phát triển kinh tế xã hội. Đối với khu vực nông thôn cũng vậy, việc Hải Phòng “đi sớm” trong phương thức áp dụng cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới kiến tạo cho khu vực ngoại thành một hệ thống giao thông kết nối khá hoàn hảo.

Nhờ giao thông tốt, người dân mới mạnh dạn đầu tư các phương tiện hiện đại, những chiếc máy gặt, máy tuốt lúa có thể tiếp cận mọi bờ đồng góc ruộng, tiết kiệm rất lớn về sức lao động và thời gian, cũng đồng nghĩa với tiết kiệm chi phí đầu tư khác. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật cũng vì thế mà thuận lợi hơn rất nhiều.

Ở một góc độ khác, nếu như hạ tầng kinh tế khu vực công nghiệp là các khu, cụm công nghiệp, thì nền tảng của khu vực nông nghiệp là các trang trại, gia trại, vùng sản xuất và nhiều dạng hình dịch vụ tập trung khác.

Kết quả của hệ thống này giúp nông dân Hải Phòng sản xuất ngày càng nhiều hơn những sản phẩm tiêu chuẩn, chất lượng cao và cũng nhanh chóng được đưa ra thị trường. Hơn nữa, việc ứng dụng “dồn điền, đổi thửa”, hình thành các vùng sản xuất lớn cũng khắc phục hiệu quả tình trạng người dân bỏ ruộng, đồng thời giúp những người dân khác yên tâm hơn trong việc sở hữu ruộng đồng của mình.

Rõ ràng, chương trình xây dựng nông thôn mới nhìn từ Hải Phòng đã cho thấy hiệu quả, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là một trong những minh chứng rõ nét nhất. Đó là kết quả của công tác lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt từ thành phố, đồng thời cũng là ý thức trách nhiệm tự vận động của mỗi địa phương.

Điều này đã thể hiện tính nhất quán trong việc quán triệt triển khai và thực hiện chủ trương lớn, để Hải Phòng hòa chung khí thế với cả nước, phát triển nông thôn “ổn định, hoà thuận, dân chủ, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Lê Minh Thắng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát triển hạ tầng giao thông: Động lực phát triển kinh tế nông thôn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác