Print Thứ Sáu, 08/11/2019 18:01

Ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định Hải Phòng phải trở thành trung tâm công nghiệp lớn. Cụ thể đến năm 2030: “Trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á…”.

Một góc xưởng sản xuất phôi thép tại Hải Phòng

Trên thực tế, kể từ khi được người Pháp thành lập cách đây 131 năm (1888), với vị thế địa chiến lược đặc biệt, Hải Phòng đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn, nằm trong nhóm những thành phố lớn nhất Đông Dương.

Trong đó, công nghiệp Hải Phòng được biết đến với nhiều sản phẩm tồn tại đến ngày nay.  Về mặt lịch sử nhiều địa danh của Hải Phòng hiện cũng gắn liền với các công trình công nghiệp tiêu biểu như: Xi Măng, Máy Tơ (dệt), Máy Chai (thủy tinh), Máy Đá, Máy Nước, Ca Rông…

Miền Bắc giải phóng, trước lúc tháo chạy người Pháp đã triệt thoái nguồn lực của thành phố. Vì vậy khi lực lượng cách mạng vào tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955, những cơ sở công nghiệp điển hình chỉ còn lại đống đổ nát, chưa kể một phần lớn đội ngũ thợ lành nghề, doanh nhân giỏi đã di tản sang phía bên kia vĩ tuyến 17.

Nhưng với những nỗ lực diệu kỳ, các cơ sở công nghiệp thành phố đã nhanh chóng được phục hồi, đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Chỉ tính trong ngành cơ khí chế tạo, những sản phẩm tàu thủy, máy công cụ, máy làm lạnh, máy bơm… đã đưa Hải Phòng trở lại vị thế những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc

Sau ngày đất nước thống nhất, dù bị tàn phá nặng nề nhưng Hải Phòng đã nhanh chóng bước vào công cuộc tái thiết, trước muôn vàn khó khăn, thành phố đã có những bước đi đột phá trong sản xuất công nghiệp. Giai đoạn 1975 – 1985, bên cạnh những mô hình kinh tế nằm trong thỏa ước khối XHCN, thành phố đã có định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược cho tương lai.

Đây là nét mới mang tính phát huy nội lực cao, mà điển hình là công tác lấn biển, biến cả vùng đảo bãi lầy Đình Vũ thành bán đảo. Cho đến ngày nay, khi Đình Vũ – Cát Hải đã và đang đi tới tương lai sán lạn, mới thấy hiệu quả kinh tế của những gì thành phố đầu tư công sức thời kỳ ấy.

Tuy nhiên, nền kinh tế tập trung theo mô hình lớn của Hội đồng tương trợ kinh tế XHCN đã để lại cho thành phố sự bị động về quy trình cung ứng nguyên vật liệu, công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bằng chứng là, cuộc khủng hoảng dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN ở Đông Âu, đã khiến nền kinh tế đất nước nói chung và Hải Phòng nói riêng lâm vào tình trạng lao đao. Trong những năm cuối của thập kỷ 80 và những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ trước, nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Hải Phòng đứng trước nguy cơ đổ vỡ toàn diện.

Hàng loạt nhà máy cơ khí, giày dép, may mặc, dệt… phải đóng cửa, tạo ra cuộc khủng hoảng về nguồn lực và an sinh xã hội. Đây là bài học lớn từ việc cơ cấu sản xuất ngành theo chiều hướng vĩ mô, và với những gì được chỉ định trong đó, Hải Phòng cũng như cả nước thiếu hẳn những phân ngành chuyên sâu, nhất là công nghiệp hỗ trợ.

Một số sản phẩm chế tạo, chế biến thương hiệu Hải Phòng

Bước ra từ cuộc thử thách lớn, công nghiệp Hải Phòng đã tìm ra hướng phát triển mới, thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới, mở cửa kinh tế của Đảng, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong cả nước. Cụ thể từ năm 1992, thành phố đã có những nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất giày dép, thực hiện liên doanh và gia công với đối tác Đài Loan, như các Cty Kai-Nan (Khải Nam), Gian-V…

Tiếp đó là liên doanh xi măng Chinfon, một trong những dự án có vốn FDI lớn nhất nước tại thời điểm 1994. Rồi công ty liên doanh khu công nghiệp Nomura với Nhật Bản, đã trở thành mô hình tiêu biểu của các khu kinh tế Việt Nam. Ở lĩnh vực khác, nếu không có sự kiện đổ vỡ “đế chế Vinashin”, thì ngành đóng tàu xứng đáng là niềm tự hào bậc nhất của Hải Phòng.

Mặc dù vậy, phần lớn sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo của Hải Phòng chưa phản ánh được tính tự chủ cao, khi phải nhập khẩu đa số nguồn nguyên liệu, vật liệu, chi tiết linh kiện hoặc bán thành phẩm đề gia công hoàn thiện.

Điều này không chỉ đem đến sự bị động mà còn khiến nhiều lĩnh vực liên quan khác không có cơ hội như phát triển công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm… và đặc biệt là thị trường tiêu thụ. Nếu như vì sản phẩm công nghệ cao là một nhẽ, nhưng ngay cả những nguyên vật liệu hỗ trợ đơn giản như da, vải, kim, chỉ, khuy, cúc, ốc vít… mà chúng ta vẫn phải nhập khẩu quả thật là điều hết sức bất cập.

Trở lại với định hướng tại Nghị quyết 45-NQ/TW, tại Chương trình hành động 76-CTr/TU thực hiện Nghị quyết này, Thành ủy đã đạt mục tiêu: đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GRDP đạt 36,4%, đến năm 2030 đạt 38,7%.

Thành ủy cũng xác định cơ cấu lại ngành công nghiệp thành phố theo hướng tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn: cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển các sản phẩm ô tô, cơ khí siêu trường siêu trọng, tàu thủy, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế); điện tử tin học (ưu tiêu phát triển các sản phẩm điện lạnh, điện tử, sản phẩm công nghệ cao).

Nói theo cách của Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành, là Hải Phòng cần phải trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo lớn, vì đây là nền tảng truyền thống.

Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Nguồn. ANHP

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát triển công nghiệp chế tạo – Cần giải bài toán về sản phẩm hỗ trợ (Kỳ 1): Từ nền tảng truyền thống
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác