– Luật sư đánh giá thế nào về việc phát tán, lan truyền văn bản, chữ ký giả mạo cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền, làm ảnh hưởng người dân?
– Việc phát tán văn bản giả mạo cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền có thể vì động cơ vụ lợi, hoặc nhằm bôi nhọ, xúc phạm, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Ngoài ra, nhiều người nghĩ đơn giản đó là trang xã hội, nên thích đăng gì thì đăng, thậm chí đăng những thông tin sai sự thật hoặc chia sẻ những thông tin không rõ nguồn gốc, thiếu kiểm chứng để “câu like”.
Tại Hải Phòng, vào ngày 14-2, trên mạng facebook xuất hiện văn bản giả mạo Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố về việc xin ý kiến UBND thành phố cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 26-2. Ngày 15-2, Sở Giáo dục – Đào tạo ra văn bản gửi Công an thành phố, Sở Thông tin – Truyền thông, đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tin không đúng sự thật. Ngoài ra, thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng liên tục phát tán các văn bản giả mạo các Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nam Định cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch COVID – 19.
Trước đó, vào năm 2019, trên mạng xã hội cũng lan truyền văn bản giả mạo thông báo kế hoạch tuyển sinh liên thông Y khoa năm 2019 của Trường Đại học Y dược Hải Phòng, làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động của nhà trường.
Chưa xét đến mục đích phát tán văn bản giả mạo, hành vi này đáng lên án vì gây hoang hoang mang trong cộng đồng. Bởi, đang trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, nhiều cha mẹ lo lắng về sức khỏe con em mình, nên thấp thỏm theo dõi, chờ đợi từng thông tin của ngành chức năng về lịch học của học sinh. Đồng thời, làm xáo trộn hoạt động của các ngành chức năng liên quan đến nội dung văn bản giả mạo phát tán trên mạng xã hội.
– Vậy hành vi này bị xử lý như thế nào?
– Theo Điều 9 Luật An ninh mạng quy định: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Mới đây, ngày 3-2-2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020). Nghị định quy định xử phạt mạnh các hành vi vi phạm nêu trên, chống những hành vi xấu, có hại trên không gian mạng. Điều 101 của Nghị định 15 quy định phạt từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân… Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật…
Không chỉ phải đối mặt với các mức phạt vi phạm hành chính, người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận ở mức độ nặng có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự với mức án từ 3 tháng tới 7 năm tù.
– Theo luật sư, làm thế nào để hạn chế việc phát tán văn bản giả mạo nêu trên?
– Hiện nay, trên mạng xã hội chia sẻ rất nhiều văn bản, thông báo của các cơ quan chức năng liên quan trong đó có cả thông tin giả, văn bản gia do một số đối tượng làm giả, tung lên với mục đích xấu. Trong khi một số người còn khá dễ dãi trong việc sử dụng mạng xã hội, nên dễ vi phạm Nghị định 15. Do đó, người dân cần cân nhắc khi đưa thông tin lên mạng xã hội, nhất là các nội dung có liên quan đến dịch bệnh hoặc ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức và cá nhân. Người dân nên vào các trang web của các ngành chức năng để cập nhật thông tin chính thống.
Đối với các ngành chức năng cần sớm công khai các văn bản, thông tin về những vấn đề dư luận quan tâm trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin của ngành mình để người dân kịp thời nắm rõ, hạn chế các đối tượng xấu lợi dụng làm giả và phát tán văn bản, thông tin giả mạo trên mạng xã hội. Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông, cơ quan an ninh, chính quyền địa phương chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý các trường hợp phát tán văn bản, chữ ký giả mạo để xử lý nghiêm, tạo tính răn đe, hạn chế tình trạng này xuất hiện trong thời gian tới.
– Trân trọng cảm ơn luật sư!
Mạnh Quang thực hiện
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More