Một bãi cọc gỗ có niên đại 1270-1430 được cho là có liên quan đến chiến trường Bạch Đằng của quân và dân ta thời Trần trong chiến tranh chống xâm lược năm 1288 vừa được phát lộ bên sông Bạch Đằng (Hải Phòng).
Chiều 20-12, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Phòng cùng các nhà nghiên cứu sử học Việt Nam đã trực tiếp khảo sát thực địa tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) – nơi phát lộ bãi cọc gỗ gần nghìn năm tuổi được cho là có liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng Giang của nhà Trần năm 1288.
Trước đó, đầu tháng 10, người dân thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) đã bất ngờ phát hiện hai cọc gỗ được chôn sâu dưới lòng đất tại cánh đồng. Cọc có đường kính khoảng 30cm, dài khoảng 3 đến 4m, mầu nâu đen, thân hình trụ tròn, một phần còn nhẵn bóng, hơi vát nghiêng và đóng vào lớp phù sa mầu hồng…
Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra và lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học Việt Nam giám định niên đại. Kết quả giám định bằng Các- bon 14 (C14) cho niên đại vào những năm 1270-1430.
Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã xuống hiện trường khảo sát và phát hiện chín đầu cọc tương tự. Được phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Hải Phòng đã khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.
Kết quả khai quật 950 m2, với ba hố khai quật đã phát hiện 27 cọc. Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn hoặc đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ. Trên các cọc có ngoàm dùng để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang.
Theo tài liệu lịch sử, mảnh đất Liên Khê xưa thuộc tổng Trúc Động, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương. Nơi đây còn lưu truyền nhiều câu chuyện, huyền tích lịch sử về những chiến thắng chống quân xâm lược phương Bắc, trong đó có chiến thắng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lấy Trúc Động làm căn cứ để tiến ra cửa sông Bạch Đằng, sông Chanh tiêu diệt và bắt sống đạo quân thủy binh của đế quốc Nguyên Mông.
Dựa trên kết quả khảo sát khảo cổ học kết hợp với các tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian… còn lưu giữ tại địa phương, các nhà khoa học bước đầu nhận định di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể liên quan đến chiến trường Bạch Đằng năm 1288.
Ngày 21-12, Thành ủy Hải Phòng sẽ tổ chức hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn về nhận định này.
NGÔ QUANG DŨNG