Nằm ở vị trí trọng điểm vùng duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng đã có hàng nghìn năm dựa vào thế biển để phát triển. Nắm bắt những tiềm năng, lợi thế đang có và đón đầu xu thế hội nhập của kinh tế hàng hải hiện nay, Hải Phòng xây dựng chiến lược để mở lộ trình vươn ra biển lớn. Trên cơ sở đó, thành phố đã xác định cụ thể 6 ngành, lĩnh vực biển trọng tâm.
Trước hết là phát triển hệ thống cảng, dịch vụ cảng và vận tải biển, phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của Việt Nam, có vị thế trong khu vực Đông Nam Á; phát triển công nghiệp biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát triển khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải thành trung tâm kinh tế hiện đại của cả nước, là cửa chính mở ra biển.
Cuối thế kỷ 20, các bến cảng Hoàng Diệu, Chùa Vẽ là những cảng chính, quan trọng và lớn nhất trong hệ thống cảng biển phía Bắc, góp phần làm nên thương hiệu cảng Hải Phòng. Nhưng hiện nay, cùng với sự phát triển của đô thị Hải Phòng cũng như của ngành hàng hải, những bến cảng này dần trở nên nhỏ lẻ, manh mún, nằm đan xen trong khu dân cư. Với chiến lược “tiến ra biển lớn”, Công ty CP Cảng Hải Phòng đã chọn Tân Vũ là chi nhánh đầu tiên để thực hiện chiến lược này. Đến nay, bến container Tân Vũ có 5 cầu tàu với tổng chiều dài trên 980m, tất cả cầu tàu đang được sử dụng để khai thác hàng container, có kết cấu đảm bảo cho tàu 20.000 tấn đầy tải và 55.000 tấn giảm tải neo cập và ứng dụng những nền tảng công nghệ mới để thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phục vụ khách hàng thuận lợi hơn. Nhận thấy xu thế các cảng của thế giới là tiến dần ra biển, các con tàu ngày càng lớn và có tải trọng cao hơn, Công ty CP Cảng Hải Phòng đã đầu tư xây dựng hai bến cảng số 3 và số 4 tại khu vực Lạch Huyện với tổng số vốn gần 7.000 tỷ đồng. Sau dự án xây dựng bến container số 3, số 4, doanh nghiệp cũng đã đề xuất được tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các bến tại cảng Lạch Huyện nhằm bảo đảm quy mô sau khi di dời cảng trong nội đô, đáp ứng xu hướng phát triển chung của thành phố và Cảng Hải Phòng.
Cảng Lạch Huyện được quy hoạch là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc. Đến thời điểm này, đã có 8 bến được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và khai thác. Đặc biệt, sau 2 bến đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận để Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục được đầu tư xây dựng 2 bến số 7 và số 8 tại Lạch Huyện. Để phát triển đồng bộ hạ tầng cảng biển tại khu vực này, Hải Phòng cũng vừa khởi công dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu, là cơ sở hình thành một khu công nghiệp gắn liền cảng biển hiện đại trong nước và khu vực. Đồng thời, dự án sẽ đóng vai trò là khu hậu cần cho Cảng Lạch Huyện, nơi có khả năng tiếp nhận các tàu container tải trọng đến 150.000DWT đi các tuyến biển xa trực tiếp đến Châu Âu, Châu Mỹ. Việc hình thành KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu cùng hệ thống các cầu cảng nước sâu của Cảng quốc tế Lạch Huyện sẽ góp phần tạo nên cấu trúc ngày càng hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, phát huy tối đa chuỗi giá trị của Cảng quốc tế Lạch Huyện cũng như khu phi thuế quan – logistics và công nghiệp ở khu vực này.
Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Hải Phòng gồm các khu bến Lạch Huyện; khu bến Đình Vũ; khu bến sông Cấm – Phà Rừng; khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc; các bến cảng huyện đảo Bạch Long Vĩ; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải và các khu neo đậu tránh, trú bão. Chủ động đổi mới, sắp xếp lại hoạt động của các bến cảng một cách phù hợp để hiện thực hóa chiến lược “tiến ra phía biển” đang dần khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với sự cạnh tranh của nền kinh tế hàng hải thế giới cũng như trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay của Hải Phòng. Đây cũng sẽ là tiền đề và động lực quan trọng để Hải Phòng hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố cảng xanh, thông minh, thành phố hàng hải toàn cầu.