Print Thứ Ba, 17/11/2020 19:30 Gốc

Mặc dù là điểm du lịch sinh thái, tâm linh nổi tiếng khắp trong và ngoài thành phố, nhưng vì một số hạn chế, đảo Dấu chỉ thu hút khoảng 20 nghìn lượt du khách so với hơn 2 triệu lượt khách đến với du lịch Đồ Sơn hằng năm. Vấn đề làm sao khắc phục hạn chế, phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa thu hút du khách đến với đảo Dấu đặt ra càng cấp bách, nhất là khi cuối tháng 8-2020, UBND thành phố có quyết định công nhận đảo Dấu là điểm du lịch.

Nhiều bức xúc

Chị Nguyễn Thị Phượng, du khách đến từ huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, dịp hè vừa qua, chị cùng nhóm bạn gần 10 người tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển tại khu du lịch Đồ Sơn trong 3 ngày. Khi tham quan đảo Dấu, chị cùng bạn bè gặp nhiều chuyện không mấy hài lòng. Chẳng hạn, khi ô-tô chở đoàn qua cổng vào Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu để đến bến tàu ra đảo, lái xe nói rõ không vào khu du lịch mà chỉ tham quan đảo Dấu, lực lượng bảo vệ ở đây ngăn cản mà không đưa ra bất kỳ giải thích nào, có người tỏ vẻ khó chịu: “Muốn vào mua vé gửi xe, không mua mời quay đầu xe!”.

Du khách tham quan cánh rừng nguyên sinh trên đảo Dấu.

Ôm cả “cục tức” to đùng lên đảo, sau khi tham quan đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương, ghềnh đá cổ, nhóm chị Phượng quyết định đến khu vực có quần thể đa búp đỏ-Cây di sản Việt Nam cũng như cánh rừng nguyên sinh độc đáo, lại bị nhân viên trạm kiểm soát thuộc Hải đăng Hòn Dấu chặn lại ở khu vực chân núi, yêu cầu mua vé tham quan 6.000 đồng/người. “Trước đó, chúng tôi mua vé tham quan đảo Dấu 20 nghìn đồng/ người. Khi bị yêu cầu tiếp tục mua vé, tôi hỏi, chúng tôi đâu có tham quan hải đăng mà chỉ tới ngắm quần thể đa búp đỏ và cánh rừng nguyên sinh, họ thản nhiên: “Mua vé thì vào, không mời quay lại”. Mặc dù 6.000 đồng/người chẳng đáng bao nhiêu, nhưng do bực tức, chúng tôi quyết định rời đảo”, chị Phượng bức xúc.

Không chỉ nhóm chị Phượng, mà nhiều du khách đến với đảo Dấu cùng chung nỗi niềm. Một số du khách phàn nàn về tình trạng thiếu biển chỉ dẫn, biển báo, biển giới thiệu ở một số nơi như tại khu vực rừng nguyên sinh, thiếu nơi nghỉ ngơi, điểm dừng chân ngắm cảnh, thiếu hướng dẫn viên du lịch tại chỗ…

Về tình trạng kể trên, theo phản ánh của người dân địa phương, trước đây, bến tàu ra đảo Dấu nằm tại khu vực bến Nghiêng. Từ khi chuyển vào trong Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu khoảng 5-6 năm trước, phía Trung tâm Dịch vụ và phát triển Du lịch Đồ Sơn (nay sáp nhập với Ban Quản lý các di tích lịch sử quận Đồ Sơn thành Trung tâm Dịch vụ du lịch và quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn) có thỏa thuận với Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, phía khu du lịch phát vé gửi xe và thu tiền các phương tiện đưa khách ra đảo Dấu, phía trung tâm thu lại cuống vé. Được biết, số tiền thu được được “ăn chia” theo tỷ lệ, khu du lịch hưởng 60%, trung tâm chỉ được hưởng 40% dù phải bố trí lực lượng trông coi phương tiện. Ngoài ra, khu du lịch còn thu tiền đối với các phương tiện đưa khách ra đảo Dấu từ 50 đến 100 nghìn đồng/phương tiện/ lần xuất bến.

Khắc phục tình trạng không tham quan vẫn bị thu tiền

Trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về những phản ánh trên, đại diện lãnh đạo Phòng Du lịch, Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Dịch vụ du lịch và quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn thừa nhận, tình trạng này xảy ra lâu nay, làm nhiều người dân, du khách bức xúc. Vì thế, mặc dù rất đông du khách đến khu du lịch Đồ Sơn hằng năm, nhưng tỷ lệ đến đảo Dấu rất thấp, chủ yếu dịp lễ hội đầu năm. Hằng năm, đảo Dấu chỉ đón tiếp khoảng 20 nghìn lượt du khách so với trên dưới 2 triệu lượt du khách đến với du lịch Đồ Sơn. Năm 2020 này, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đảo Dấu dự kiến đón hơn 10 nghìn lượt khách.

Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn Lưu Thị Thu Huyền, trước đây, mới có nội quy khá chung chung, sơ sài đối với người dân, du khách cũng như đơn vị quản lý đảo Dấu. Sau khi thành phố có quyết định công nhận đảo Dấu là điểm du lịch, UBND quận Đồ Sơn giao nhiệm vụ quản lý cho trung tâm. Thời gian tới, phía trung tâm cũng như Phòng Du lịch, Văn hóa và Thông tin quận tham mưu UBND quận ban hành quy chế cụ thể, chi tiết giúp du khách, đơn vị lữ hành thuận tiện hơn nữa trong tham quan, tổ chức tua, tuyến. Đồng thời, giúp bảo tồn, bảo vệ các tài nguyên du lịch trên đảo.

Để thu hút hơn nữa khách du lịch đến đảo Dấu, quận Đồ Sơn cần sớm khắc phục hạn chế tại điểm du lịch đảo Dấu, nhất là khi sắp đến mùa du lịch lễ hội. Về phản ánh thái độ của lực lượng bảo vệ cổng vào Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu chưa chuẩn mực, Trưởng Phòng Du lịch, Văn hóa và Thông tin quận Đồ Sơn Lê Đức Hợp cho biết: “Cuối tháng 11-2020, quận Đồ Sơn dự kiến tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành và hướng dẫn thực hiện đối với đại diện khu, cụm dân cư, chủ và nhân viên các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Qua đó, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở dịch vụ du lịch cũng như thái độ, cách hành xử chuẩn mực của những người làm du lịch ở Đồ Sơn”.

Trước thực tế người dân, du khách không tham quan hải đăng vẫn bị thu tiền, đề nghị UBND quận Đồ Sơn làm việc với đại diện lãnh đạo Hải đăng đảo Dấu thống nhất dùng chung vé tham quan đảo Dấu, bỏ trạm kiểm soát vé tham quan riêng hải đăng hoặc di dời trạm đặt tại gần hải đăng. Đồng thời, sớm ban hành Quy chế quản lý điểm du lịch Đảo Hòn Dấu, dựng thêm một số bảng biển hướng dẫn, phổ biến quy chế, giới thiệu tại những nơi cần thiết…

BÀI VÀ ẢNH: CÔNG TRÁNG

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát huy tiềm năng điểm du lịch đảo Dấu (Đồ Sơn): Sớm khắc phục hạn chế, trở ngại
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác