Phát biểu của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại hội nghị
Đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Thính
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo tổ chức sơ kết đánh giá kết quả sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố. Trên cơ sở đó phân tích, làm rõ thành tựu, kết quả nổi bật; chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề ra một số định hướng lớn, giải pháp trong thời gian tới.
Sau 2,5 năm, chúng ta vui mừng vì hầu hết chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ thành phố đề ra được thực hiện tốt; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch nghị quyết đề ra.
I- Về kết quả phát triển kinh tế- xã hội
1- Tổng sản phẩm trong nước (GRDP): năm 2016 tăng 11,46%; năm 2017 tăng 14,01%; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 16,03%, ước cả năm 2018 tăng trên 16%. Như vậy, bình quân 3 năm 2016- 2018, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 13,83%/năm (cao hơn mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra là 10,5%/năm). Với tốc độ này, năm 2019, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP.
2- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn:
Năm 2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 63.877 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 17.035 tỷ đồng, tăng 32,2% so với năm 2015. Năm 2017 đạt 71.700 tỷ đồng, tăng 12,2%, trong đó thu nội địa đạt 21.909 tỷ đồng, tăng 28,6%. 6 tháng đầu năm 2018 đạt 33.351 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 11.375,7 tỷ đồng, tăng 17,1%. Dự kiến cả năm 2018 số thu nội địa đạt 24.750 tỷ đồng. Như vậy, thu ngân sách nội địa vượt trước 3 năm mục tiêu nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố (tới năm 2020 là 20.000 tỷ đồng). Kế hoạch năm 2019, thành phố phấn đấu thu 27.000 – 28.000 tỷ đồng; năm 2020, khi kết thúc kế hoạch 5 năm 2016- 2020 phấn đấu thu 32.000- 34.000 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng này, kết thúc nhiệm kỳ, Hải Phòng có số thu ngân sách nội địa vượt mức chỉ tiêu Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra hơn 10.000 tỷ đồng.
3- Về phát triển ngành công nghiệp:
Chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của Hải Phòng năm 2016 tăng 17%, bình quân cả nước tăng 7,5%; năm 2017 tăng 21,6%, bình quân cả nước tăng 9,4%; 7 tháng đầu năm 2018 tăng 24,2%, bình quân cả nước tăng 10,9%. Ước cả năm 2018 tăng 24,6%. Như vậy, bình quân chung 3 năm tăng 21%, cao hơn nhiều so mục tiêu nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra là 14%/năm. Theo tốc độ tăng trưởng này, tới năm 2019, Hải Phòng hoàn thành chỉ tiêu IIP Đại hội 15 đề ra.
Đặc biệt, trong hơn hai năm qua, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp đạt gần 8 tỷ USD. Trong đó, thu hút đầu tư FDI đạt hơn 5 tỷ USD, thu hút doanh nghiệp trong nước khoảng 3 tỷ USD. Chúng ta thu hút được nhiều dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại, điển hình như Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD. Nổi bật nhất là thành phố đã thu hút, mời gọi Tập đoàn Vingroup triển khai xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô Vinfats tại đảo Cát Hải. Nhà máy hoàn thành sẽ giải quyết 26.000 chỗ làm việc, thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng/năm. Đây là bước đột phá của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế tự chủ, sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam, đồng thời là bước phát triển mới của ngành công nghiệp Hải Phòng.
4- Về ngành dịch vụ cảng biển:
Năm 2016, sản lượng hàng hóa qua cảng biển khu vực Hải Phòng đạt 78,9 triệu tấn; năm 2017 đạt 92,05 triệu tấn; 6 tháng đầu năm 2018 đạt 50,97 triệu tấn, tăng 18,24% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến năm 2018 đạt 110 triệu tấn. Như vậy, vượt trước 2 năm mục tiêu về sản lượng hàng hóa qua cảng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra (110 triệu tấn vào năm 2020).
Đặc biệt, hạ tầng phát triển cảng biển Hải Phòng cũng có bước phát triển đột phá. Thành phố khởi công, khánh thành hai bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đủ khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng từ 150.000 đến 200.000 tấn ra vào cảng, kết nối trực tiếp với các châu lục, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của cảng biển Hải Phòng. Đây là thành công rất lớn, xác lập vị trí mới của cảng biển thành phố Hải Phòng.
5- Về phát triển ngành du lịch:
Năm 2016, thu hút khách du lịch đạt 5,96 triệu lượt khách, tăng 6,61%; năm 2017 đạt 6,71 triệu lượt khách, tăng 12,58%; 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục thu hút 3,641 triệu lượt khách, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017; ước cả năm 2018 đạt 7,79 triệu lượt khách. Chỉ tiêu này cũng về trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra cho năm 2020 (7,5 triệu lượt khách).
Đáng chú ý, cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển ngành du lịch trong nửa đầu nhiệm kỳ được đầu tư có bước phát triển vượt bậc. Chúng ta khởi công xây dựng Khu du lịch sinh thái cao cấp đảo Cát Bà, với hệ thống cáp treo dài 21 km. Hiện chủ đầu tư triển khai xây dựng các móng của trụ cáp treo, nhà ga cáp treo được thi công. Năm 2019 sẽ hoàn thành tuyến cáp treo 5,1 km đầu tiên (từ Cát Hải đến Phù Long) cùng một số công trình hạ tầng du lịch khác. Tổng vốn đầu tư dự án lên tới hơn 3 tỷ USD.
Chúng ta đã khởi công và triển khai xây dựng 5 khách sạn 5 sao bao gồm: Khách sạn Vinpearl 45 tầng, quy mô 350 phòng, của Tập đoàn Vingroup (tháng 12- 2018 hoàn thành); khách sạn Flamengo Cat Ba Beach Resort 18 tầng tại Cát Bà của Tập đoàn Flamengo, quy mô 720 phòng, hoàn thành quý 3-2019; khách sạn Nikko 22 tầng của Tập đoàn Chuo (Nhật Bản), quy mô 400 phòng, hoàn thành vào quý 4-2019; khách sạn Pullman 36 tầng tại 12 Trần Phú của Công ty TNHH Nhật Hạ, quy mô 330 phòng, hoàn thành vào quý 1-2020; khách sạn Hillton 22 tầng tại 14 phố Trần Quang Khải của Tập đoàn BRG, quy mô 240 phòng, hoàn thành vào quý 4- 2020.
Khi hoàn thành 5 khách sạn trên (với 2000 phòng) sẽ góp phần rất lớn để phát triển ngành du lịch thành phố, thực hiện đúng định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố được Nghị quyết Đại hội 15 đề ra, phấn đấu trong nhiệm kỳ này, Hải Phòng có 5- 10 khách sạn 5 sao.
6- Xây dựng nông thôn mới:
Trong 3 năm qua, thành phố dành nguồn lực lớn để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới trong 3 năm là 2.123 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016 là 263,9 tỷ đồng; năm 2017 là 300 tỷ đồng; năm 2018 là 860 tỷ đồng. Thành phố thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới với kinh phí gần 700 tỷ đồng, tương đương 500.000 tấn xi măng, góp phần tạo ra hơn 3.321 km đường thôn xóm, đường nội đồng. Có thể nói, chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều hiệu quả, huy động nhiều nguồn lực xã hội. Để đầu tư 3221 km đường thôn xóm, đường nội đồng, theo tính toán của các sở, ngành, căn cứ định mức của Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT), Bộ Xây dựng, cần khoảng 11.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tổng hợp của các ngành, địa phương, thành phố chỉ bỏ ra gần 700 tỷ đồng, đồng thời huy động được 2700 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, tổng chi phí đầu tư chỉ khoảng 3500 tỷ đồng. Đây là thành công nổi bật của Hải Phòng, tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm vốn đầu tư và đặc biệt là huy động được sức dân, huy động được nguồn lực xã hội hóa với sự đồng thuận cao của nhân dân.
Đến hết năm 2018, Hải Phòng sẽ có 89 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 50 xã còn lại đang đồng loạt triển khai và sẽ hoàn thành 100% vào năm 2019. Như vậy, thành phố về trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội 15 đề ra.
Thành phố cũng thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (điển hình là khu nông nghiệp công nghệ cao do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại huyện Vĩnh Bảo và một số dự án nông nghiệp công nghệ cao khác).
7- Về chỉnh trang đô thị thành phố:
Việc triển khai các dự án chỉnh trang, nâng cấp đô thị được đặc biệt quan tâm đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ. Thành phố hoàn thành xây dựng Công viên cây xanh Tam Bạc; chỉnh trang dải trung tâm thành phố; chỉnh trang khu vực Nhà triển lãm thành phố và dải vườn hoa trung tâm thành phố; quy hoạch lại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt- Tiệp; cải tạo chỉnh trang hai bờ sôngTam Bạc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến đường giao thông đô thị; triển khai dự án giao thông thông minh… Đặc biệt, trong 2,5 năm qua đầu tư khoảng 1.860 tỷ đồng xây dựng lại các chung cư xuống cấp với cách làm riêng rất hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành chỉnh trang xây dựng chung cư xuống cấp. Các khu chung cư mới bảo đảm hiện đại, thông thoáng, quy hoạch đồng bộ về kết cấu hạ tầng, có công viên cây xanh, bãi đỗ xe, khu vực dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của cư dân…
Thành phố áp dụng cơ chế hỗ trợ xi măng, gạch lát hè, vật tư điện chiếu sáng để cải tạo, chỉnh trang đường, ngõ phố đô thị theo nghị quyết của HĐND thành phố. Tính đến hết tháng 7, tổng số xi măng thành phố hỗ trợ 4 quận là 8.161 tấn. Trong đó, quận Hải An 4.175 tấn/26,4 km; Hồng Bàng 2.103 tấn/15,3 km; Ngô Quyền 629 tấn/5,1 km); Lê Chân 1.254 tấn/11 km để chỉnh trang tổng cộng 636 ngõ phố, bê tông hóa gần 57,8 km đường ngõ, ngách. Kết quả này cho thấy chính sách rất phù hợp, đúng hướng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thời gian tới, các quận, các phường tiếp tục khảo sát toàn bộ, phấn đấu năm 2018 Hải Phòng không còn ngõ bị xuống cấp, khó khăn, úng lụt.
Có thể khẳng định đô thị thành phố đang có chuyển động theo hướng văn minh, hiện đại, từng bước cải thiện điều kiện sống của người dân.
8- Về mở rộng không gian đô thị:
Việc phát triển không gian đô thị mới theo 3 hướng đột phá được Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố xác định theo định hướng Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, đạt được kết quả bước đầu.
Thứ nhất, hướng đột phá về phía bờ Bắc sông Cấm:
Chúng ta đã khởi công và tập trung cao để triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị Trung tâm hành chính chính trị thành phố, với tổng vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng. Tới nay, khối lượng hoàn thành trên 5.000 tỷ đồng. Đồng thời thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào khu đô thị và công nghiệp VSIP, đảo Vũ Yên. Cuối năm 2018, sẽ hoàn thành cầu Hoàng Văn Thụ và từ nay tới cuối nhiệm kỳ khởi công Trung tâm hành chính chính trị cùng các công trình lớn khác như nhà hát, quảng trường… Đây là một trong những hướng được ưu tiên đầu tư và thành phố tập trung rất cao để thực hiện.
Thứ hai, hướng đột phá phát triển về phía Cát Hải:
Chúng ta đã triển khai Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí đảo Cát Bà; Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast và Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng… Đồng thời, chuẩn bị khánh thành cầu Bạch Đằng, kết nối Hải Phòng – Quảng Ninh, mở ra cửa ô mới và mang lại thêm nhiều cơ hội cho sự phát triển của thành phố.
Thứ ba, hướng đột phá phát triển về phía Đồ Sơn, ven sông Lạch Tray:
Chúng ta đã triển khai Trung tâm thương mại Aeon (Nhật Bản); khánh thành Bệnh viện quốc tế Vinmec; xây dựng khu đô thị và khách sạn 5 sao; thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Dấu – Đồ Sơn… Hiện thành phố đang triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển từ Đồ Sơn, qua Kiến Thụy, Tiên Lãng kết nối với Thái Bình – Nam Định, cuối năm 2019 sẽ hoàn thành, mở ra cửa ô mới về không gian đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội thành phố.
9- Về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội thành phố:
Thành phố đã phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương, triển khai xây dựng, khánh thành nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và của cả nước như: đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; đường và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện; mở rộng, nâng cấp quốc lộ 10; cầu Bạch Đằng và nhiều công trình giao thông đối nội của thành phố như cầu Hàn, cầu Đăng, cầu vượt đường Lê Hồng Phong, cầu vượt đường Nguyễn Bỉnh Khiêm; cầu Vũ Yên 1 và nhiều dự án chỉnh trang đô thị…
Để có được kết quả phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế- xã hội như trên, trong hơn hai năm qua, thành phố thu hồi 3.773,54 ha đất, tương ứng 35.664 hộ dân ảnh hưởng, trong đó 6.448 hộ phải thu hồi hoàn toàn và bố trí tái định cư tại nơi ở mới. Như vậy, khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) trong 2 năm qua rất lớn, nhưng trong quá trình thực hiện cơ bản không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, nhân dân cơ bản đồng thuận, là thành công lớn trong thời gian vừa qua.
10- Các lĩnh vực khoa học- công nghệ, y tế, giáo dục- đào tạo đều được quan tâm, chỉ đạo và đạt được kết quả quan trọng:
Thành phố khánh thành Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec; đã và đang đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt, Trung tâm cấp cứu 115, mở rộng Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Trẻ em, và các bệnh viện tuyến quận, huyện, các trung tâm y tế với tổng nguồn vốn đầu tư trong hai năm là 2.939 tỷ đồng, bình quân 1.469 tỷ đồng/năm, tăng gấp 2,43 lần so với bình quân giai đoạn trước đầu tư từ ngân sách là 2.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 1.600 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp là 900 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 400 tỷ đồng).
Về đầu tư nguồn lực cho giáo dục, trong hai năm 2016, 2017, thành phố đầu tư cho sửa chữa, xây dựng mới cở vật chất giáo dục là 2.089 tỷ đồng, (năm 2016 là 1.083 tỷ đồng, năm 2017 là 1.006 tỷ đồng), cao hơn 1,5 lần so với bình quân giai đoạn 2010-2015 (715,495 tỷ đồng/năm). Trong hai năm 2016-2017, có 36 trường đạt chuẩn quốc gia, đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn thành phố lên 338 trường, đạt 41%. Mục tiêu Đại hội 15 đề ra là tới năm 2020 đạt 50%. Với tốc độ này, chúng ta phấn đấu vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 15 đề ra. Đặc biệt, HĐND thành phố ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Các lĩnh vực khoa học – công nghệ, văn hóa – thể thao luôn được quan tâm, đầu tư nguồn lực các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử, duy trì các hoạt động lễ hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
11- Về các chính sách an sinh xã hội, chính sách với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hộ nghèo:
Hải Phòng luôn xác định rõ chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, chính sách đối với người có công đi trước một bước so với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; chính sách đối với hộ nghèo được chú trọng, Trong hai năm rưỡi qua, thành phố chi 362,74 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở các gia đình có công với cách mạng; chi 532,021 tỷ đồng tặng quà các gia đình chính sách, tăng 9,7 lần so với bình quân giai đoạn 2010-2015 (22 tỷ đồng/năm). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn thành phố đến năm 2017 còn 2,06%, ước năm 2018 là 1,41%, giảm bình quân 0,8%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15.
12- Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường:
Thành ủy chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác quốc phòng; tổ chức thực hiện đầy đủ, có chất lượng cao các nhiệm vụ quốc phòng địa phương. Khu vực phòng thủ thành phố được củng cố.
Thành ủy triển khai toàn diện các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các hoạt động băng nhóm, tội phạm có tổ chức được giải quyết cơ bản, các vụ trọng án tại địa bàn thành phố giảm nhiều, trong hai năm qua không xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển toàn diện, đạt hiệu quả cao. An ninh chính trị được duy trì ổn định, trị an xã hội thành phố được bảo đảm.
Thành phố luôn bình an, môi trường sống lành mạnh, doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư sản xuất – kinh doanh, sinh sống là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định để huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển.
II- Về công tác xây dựng Đảng
1- Về công tác tổ chức cán bộ:
Sau Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15, Hải Phòng còn thiếu nhiều vị trí cán bộ chủ chốt như Phó bí thư Thành ủy; Chủ tịch HĐND thành phố; Chủ tịch UBND thành phố; 4 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; giám đốc một số sở, ngành; bí thư một số quận, huyện…
Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của Trung ương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã hoàn thành cơ bản việc kiện toàn các chức danh chủ chốt của thành phố, bao gồm: Chủ tịch HĐND thành phố, Phó bí thư – Chủ tịch UBND thành phố, 4 Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, 2 Phó chủ tịch UBND thành phố.
Đến nay, có 165 chức danh từ cán bộ chủ chốt thành phố tới các chức danh diện Thành ủy quản lý được kiện toàn như bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc, phó giám đốc các sở, ngành (số lượng cán bộ kiện toàn mới chiếm khoảng 50% tổng số cán bộ diện Thành ủy quản lý).
Việc kiện toàn nhân sự được triển khai bảo đảm đúng quy định của Trung ương; nhân sự được kiện toàn đều có số phiếu tín nhiệm cao (trên 90%) tại các hội nghị theo quy trình 5 bước của Trung ương hướng dẫn, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, vừa bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Về cơ bản, bộ máy tổ chức cán bộ được kiện toàn, ngày càng mạnh, bảo đảm đủ điều kiện triển khai các nhiệm vụ chính trị do Đại hội đề ra. Qua thực tiễn cho thấy, các nhân sự được kiện toàn trong hơn hai năm qua đều phát huy được năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành tích chung của thành phố, được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, đánh giá cao.
2- Về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung 6, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa 12), và Chương trình hành động của Thành ủy:
Đến nay, thành phố hoàn thành sắp xếp 100% các trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm Bồi dưỡng chính trị 14/14 quận, huyện; trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ đã có 6/15 quận, huyện thực hiện, đạt 40%; Bí thư không phải người địa phương 7/15 quận, huyện, đạt 46%; bí thư cấp xã, phường, thị trấn không phải người địa phương 62/223, đạt 27,8%; bí thư kiêm chủ tịch UBND tại 3/15 quận, huyện, đạt 20 %; bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tại 6/223 đơn vị, đạt 2,7%; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn không phải người địa phương 47/223, đạt 21,1%.
Về hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND, có 7/15 đơn vị xây dựng đề án. Có 11/15 địa phương xây dựng đề án thành lập cơ quan tham mưu giúp việc MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội.
Về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy bảo đảm nguyên tắc thận trọng và kiên quyết, những việc đã rõ được cho triển khai ngay, kết hợp làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động. Những việc chưa rõ, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng đề án, thẩm định kỹ và cho triển khai.
III- Nguyên nhân của những kết quả đạt được
1- Sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự cố gắng, quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị.
2- Sự cố gắng của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân.
3- Sự quan tâm, động viên của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Chưa bao giờ, trong vòng 2 năm, Hải Phòng được đón các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị về thăm và làm việc, thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với thành phố Cảng biển, khẳng định vị thế, vai trò của Hải Phòng đối với sự phát triển của vùng, cả nước. Hải Phòng được Trung ương ban hành nghị quyết, nghị định về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù, đồng thời ủng hộ cao nhiều đề xuất, kiến nghị. Các bộ, ban, ngành Trung ương ủng hộ Hải Phòng ban hành quy định về thu phí sử dụng dịch vụ hạ tầng cảng biển, tạm nhập tái xuất… để tái đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển. Năm 2018, dự kiến thu phí hạ tầng cảng biển đạt khoảng 1800 tỷ đồng.
IV- Những hạn chế, bất cập
Một là: Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là các Ban quản lý trực thuộc các sở, ban, ngành. Công tác phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, các hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới chưa hoàn thành mục tiêu nghị quyết Đại hội.
Hai là: Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu về phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, song trước yêu cầu và tốc độ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, hạ tầng kinh tế – xã hội thành phố đang bộc lộ những bất cập, nhất là sự quá tải của hệ thống hạ tầng giao thông đối với một thành phố cảng biển quốc tế. Hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu
Ba là: Thu ngân sách của thành phố vẫn chưa tương xứng với quy mô của nền kinh tế. Nhiều dự án đã giao đất cho các doanh nghiệp qua hàng chục năm tới nay vẫn chưa triển khai, vi phạm nhiều quy định về quản lý đất đai, quản lý dự án, đặc biệt gây thất thoát lớn cho ngân sách thành phố. Quản lý chi ngân sách còn chưa chặt chẽ, còn thất thoát.
Bốn là: Phần lớn bộ máy đã nhiệt huyết, trách nhiệm, mong mỏi, khát khao và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ vì sự phát triển của thành phố. Nhưng một bộ phận cán bộ, công chức vẫn chưa bắt nhịp với phong cách làm việc của thời kỳ mới, trong quá trình thực thi công vụ còn có những biểu hiện chậm trễ, phiền hà, quan liêu, gây bức xúc cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới:
I- Về kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh
1- Các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành rà soát các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Những chỉ tiêu hoàn thành tiếp tục phát huy, tập trung cao cho các chỉ tiêu còn đạt thấp để có giải pháp kịp thời. Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kinh tế- xã hội mà Nghị quyết Đại hội 15 Đảng bộ thành phố đề ra
2- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố sẽ phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các ngành, các địa phương nhằm tạo tính chủ động, sáng tạo, khơi dậy mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cơ cấu phân bổ ngân sách cho các địa phương năm 2019 sẽ thay đổi, đặc biệt sẽ tập trung cho 50 xã còn lại gần 1.000 tỷ đồng để hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019.
3- Về chính sách xây dựng nông thôn mới và chỉnh trang đô thị.
Đối với xây dựng nông thôn mới, thành phố cho phép sử dụng ngân sách của địa phương, xã hội hóa từ các doanh nghiệp để hỗ trợ một phần cát, đá cho các vùng khó khăn.
Đối với các quận khu vực nội thành, cho phép sử dụng một phần ngân sách để hỗ trợ cho người dân trồng cây xanh. Tập trung để triển khai xây dựng công viên cây xanh Tam Bạc, công viên Rồng Biển tại khu vực cổng cảng, công viên Cung Văn hóa hữu nghị Việt- Tiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại chung cư xuống cấp.
4- Về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội thành phố: Đề nghị các ngành, các địa phương tập trung cao hơn, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, tập trung các dự án tuyến đường bộ ven biển; đường từ cầu Lạng Am tới cầu Nhân Mục; một số dự án tại huyện Thủy Nguyên…
UBND thành phố chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung cao hoàn thành kế hoạch tiến độ xây dựng khu tái định cư, bàn giao mặt bằng kịp thời cho người dân.
5- Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện chủ đề năm 2018 “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Đây chính là một trong những điểm nghẽn, thực hiện tốt chủ trương này sẽ tạo động lực cho thành phố phát triển.
II- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
1- Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nghị quyết của Đảng; triển khai đạt hiệu quả cao các chương trình hành động của Thành ủy thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 , Hội nghị Trung ương 7 (khóa 12) về sắp xếp, xây dựng bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ.
2- Quá trình thực hiện bảo đảm nguyên tắc thận trọng, nhưng kiên quyết:
– Nhất quán thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy cấp quận, huyện không phải là người địa phương, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành.
– Thực hiện Bí thư kiêm Chủ tịch UBND cấp quận, huyện và cấp xã ở những nơi có điều kiện. Các mô hình hợp nhất các văn phòng cấp ủy, HĐND, UBND cấp quận, huyện; mô hình cơ quan tham mưu giúp việc MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội phải thận trọng, nghiên cứu kỹ, xây dựng Đề án cụ thể, quy chế vận hành, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua mới thực hiện. Kết hợp làm tốt công tác tư tưởng, sắp xếp bộ máy và đội ngũ cán bộ phù hợp nhất.
3- Các công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025, đề nghị:
– Thành ủy, các cấp ủy rà soát bổ sung quy hoạch nhân sự chuẩn bị cho đại hội.
– Xác định thời gian và nội dung chuẩn bị đại hội các cấp. Sau khi có chỉ thị của Trung ương, ban hành thông tri, xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, hướng dẫn về nhân sự, văn kiện, về các khâu tổ chức.
Báo Hải Phòng 02/8/2018