Print Thứ bảy, 26/01/2019 16:41

Ngày 13-2-2018, UBND thành phố ban hành kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018, trong đó, chú trọng vai trò hòa giải ở cơ sở nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, góp phần ngăn chặn tình trạng mất an ninh trật tự tại cơ sở.

 

Cán bộ UBND phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) trao đổi về công tác hòa giải ở cơ sở.                        Ảnh: Hải Vân

Cán bộ UBND phường Lê Lợi (quận Ngô Quyền) trao đổi về công tác hòa giải ở cơ sở.

Ảnh: Hải Vân

 

Tránh để “chuyện bé xé ra to”

 

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, 75 tuổi đời, 52 tuổi Đảng, bác Nguyễn Văn Cửu, ở tổ dân phố (TDP) Phan Bội Châu 2, phường Quang Trung (quận Hồng Bàng) vẫn đảm đương nhiệm vụ tổ trưởng tổ hòa giải. Nói về công việc, mắt bác ánh lên niềm vui. Bác Cửu chia sẻ: Tổ dân phố Phan Bội Châu 2 có khoảng 105 hộ dân, phát sinh 3-5 vụ mâu thuẫn nhỏ/năm, chủ yếu liên quan đến xây dựng, tranh chấp đất đai. Để hòa giải thành công, bác nghiên cứu kỹ nội dung mâu thuẫn, hoàn cảnh, tính cách từng người có liên quan để có cách giải quyết hiệu quả nhất. Có những vụ việc bác thuyết phục theo đạo lý, tình người, song nhiều việc khác cần căn cứ pháp lý vững chắc mới hòa giải được các bên. Đơn cử vụ việc năm 2016, hai gia đình liền kề tại ngõ 63 phố Phan Bội Châu phát sinh tranh chấp, có đơn kiến nghị gửi đến UBND phường. Với sự chủ trì của cán bộ đô thị phường, sự vận động của bác và các hòa giải viên, hai gia đình đồng thuận chia đôi diện tích sử dụng công trình phụ và rút đơn kiến nghị.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, thành viên tổ hòa giải Tổ dân phố Phan Chu Trinh, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hồng Bàng) cho biết: Công việc của mỗi hòa giải viên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Một số người khi thấy các hòa giải viên đến tỏ ra tức giận hoặc đóng cửa không tiếp. Như vụ việc tranh chấp đất đai tại hai gia đình liền kề số 36 phố Lê Đại Hành. Đây là một vụ việc phức tạp, hai gia đình mâu thuẫn gay gắt, thường xuyên mở loa đài to, ảnh hưởng trật tự trị an TDP. Nhiều lần, tổ hòa giải đến khuyên bảo, hai gia đình đều gây khó dễ. Tuy nhiên, các hòa giải viên quyết tâm đeo đuổi sự việc đến cùng. Vụ việc trên dù hòa giải không thành, cần sự vào cuộc giải quyết của UBND quận Hồng Bàng, song tổ hòa giải chấm dứt được tình trạng tiếng ồn do loa đài của các nhà mở quá to, ảnh hưởng các gia đình chung quanh.

Hiện nay, tiêu chuẩn đối với các hòa giải viên cơ sở không đặt nặng về trình độ học vấn, nhưng đòi hỏi hội đủ các điều kiện như: Gia đình văn hóa, gương mẫu, đoàn kết, có kỹ năng giao tiếp, ý thức kỷ luật và quan trọng là có tâm. Mỗi hòa giải viên luôn giữ vững phương châm “hòa giải” góp phần giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, tập thể, hàn gắn, vun đắp sự hoà thuận, hạnh phúc gia đình. 

 

Nhân rộng cách làm hiệu quả cao

 

Phó giám đốc Sở Tư pháp Trần Quang Minh cho biết: Tại nhiều địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ góp phần hạn chế đơn thư, khiếu kiện, mà thông qua đó nhiều chính sách của Ðảng, Nhà nước được truyền tải, nâng cao hiểu biết về pháp luật cho nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy hoạt động hòa giải ở cơ sở hiện nay còn có những khó khăn, vướng mắc. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chưa thật sự quan tâm công tác hòa giải, thiếu sự phối hợp giữa các tổ chức để tiến hành hòa giải. Vai trò tham mưu của cán bộ tư pháp cấp xã còn lúng túng, chưa nắm kỹ những quy định của pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở, nên còn tình trạng khi sự việc xảy ra chưa phát hiện kịp thời hoặc giải quyết qua loa nên kết quả hòa giải chưa bền vững… Bên cạnh đó, còn có những hạn chế trong trình độ, năng lực, kỹ năng của đội ngũ hòa giải viên. Một số hòa giải viên chưa am hiểu sâu về pháp luật nên công tác hòa giải gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hòa giải viên kiêm nhiệm nhiều chức danh, thời gian dành cho công tác hòa giải ít nên chất lượng hòa giải chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trong Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018, UBND thành phố giao Sở Tư pháp, UBND các địa phương triển khai Đề án “Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018-2025”. Trong đó chú trọng rà soát, củng cố tổ hòa giải; đẩy mạnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường theo dõi, kiểm tra, phát hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi thi hành.

Ðể công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và trật tự, an ninh ở địa phương, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, bổ sung nguồn lực cho các tổ hòa giải; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên để có thể kết hợp hài hòa giữa lý và tình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bản thân các hòa giải viên tự trau dồi, rèn luyện kỹ năng, tiếp cận các kiến thức, hiểu biết về pháp luật và phát huy tinh thần, trách nhiệm trong việc phát hiện, hóa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở địa bàn dân cư. Các chính sách cho công tác hòa giải và hòa giải viên cần được quan tâm hơn, trở thành nguồn lực động viên, khuyến khích sự tự nguyện trong hoạt động này.

 

Hải Phòng hiện có 2.557 tổ hòa giải với 13.505 hòa giải viên. Năm 2017, các tổ hòa giải hòa giải thành công 80% số vụ việc mâu thuẫn phát sinh, góp phần xây dựng địa bàn, cơ sở an toàn, tích cực tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn thành phố.

 

 

(Ngọc Hải – Báo Hải Phòng 14/03/2018)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát huy hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở: Nâng cao năng lực hòa giải viên
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác