Để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, phát huy hiệu quả chủ trương của Đảng về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn dập, hồ chứa nước trong tình hình mới. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 28/KH-UBND thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU ngày 02/11/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Kế hoạch hành động tập trung vào 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước.
UBND thành phố phân công trách nhiệm, xác định cụ thể các nội dung công việc, tiến độ hoàn thành của các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Chương trình hành động, nhằm đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu để các ngành, các cấp cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách…
Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hoà nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm hoạ, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Trâm Bầu