Print Thứ Hai, 13/01/2020 10:30 Gốc

Nghị quyết 33 ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa 11) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Đây cũng chính là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của thành phố Hải Phòng trong quá trình phát triển.

Dành cho phóng viên Báo Hải Phòng cuộc phỏng vấn riêng về vấn đề này, Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo (Đại học quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: cần tăng cường phát huy giá trị văn hóa, con người, coi đây là nền tảng phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng.

Các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát thực tế tại bãi cọc cổ Cao Quỳ, xã Liên Khê (Huyện Thủy Nguyên).

– Giáo sư nhìn nhận và đánh giá như thế nào về vai trò của văn hóa, con người đối với sự phát triển của mỗi địa phương, của từng quốc gia, dân tộc?

– Văn hóa là khái niệm thường được nhắc đến nhiều, nhưng phần lớn lại hiểu theo nghĩa tương đối hẹp, tức là chỉ bao gồm những hoạt động, sản phẩm gắn với đời sống tinh thần, gắn với quan hệ xã hội. Văn hóa chúng ta đang nói tới ở đây, được đề cập trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phải hiểu là tất cả những sáng tạo của dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, được trao truyền cho các thế hệ sau, gồm cả các di sản vật thể và phi vật thể. Những giá trị đó tích tụ trong hàng nghìn năm hình thành và phát triển, là những sáng tạo từ đời này sang đời khác, kết tinh thành những tòa nhà, ngôi chùa, kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật, những pho sách quý… Nhưng quan trọng hơn nữa là kết tinh thành những giá trị tinh thần, hiện hình thành những giá trị truyền thống hun đúc ý chí, tạo nên những sở trường trong từng con người và cả cộng đồng. Nhìn vào lịch sử thế giới, bất cứ dân tộc nào muốn phát triển thì phải biết mình là ai, biết mình có thế mạnh gì, sở đoản gì để khai thác, phát huy những mặt mạnh, hóa giải những sở đoản, hạn chế. Trong đó, dân tộc giỏi nhất là biết biến tất cả những gì họ có thành lợi thế trong cạnh tranh quốc tế.

– Theo giáo sư, những giá trị về văn hóa, con người của Hải Phòng được thể hiện như thế nào?

– Hải Phòng là thành phố có rất nhiều giá trị văn hóa đặc sắc mang đậm truyền thống chung của dân tộc Việt Nam – một dân tộc kiên cường, bất khuất nhưng sống trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp. Nhưng đồng thời, Hải Phòng từ xa xưa đã là vùng đất mà cư dân tiếp xúc với biển. Điều này rất quan trọng, những cư dân có tư duy hướng biển, tiếp xúc với biển thì cách nhìn, cách nghĩ khác với nông dân thuần túy. Như vậy, bên cạnh phẩm chất cao đẹp, đáng quý của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ, người Hải Phòng còn có những phẩm chất cao đẹp khác: Người Hải Phòng luôn hướng ra biển lớn, tư duy dài rộng, tấm lòng cởi mở. Đấy là phẩm chất được hình thành qua rất nhiều thế hệ. Người ta nói người Hải Phòng “ăn sóng, nói gió” là hàm ý người Hải Phòng khác với những người dân ở những vùng quê thuần túy.

Vùng đất này còn chứng kiến và nhân dân Hải Phòng trực tiếp tham gia vào rất nhiều những sự kiện lớn của quốc gia. Từ xa xưa có văn hóa Cái Bèo ở Cát Bà; có Nữ tướng Lê Chân, người có công khai hoang lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, Hải Phòng ngày nay. Đặc biệt là kỷ nguyên giành độc lập diễn ra tại Hải Phòng với các chiến thắng Bạch Đằng năm 938, năm 981 và năm 1288. Cửa sông Bạch Đằng trở thành địa điểm linh thiêng. Khi nhắc tới truyền thống Bạch Đằng, thì hai chữ Bạch Đằng không chỉ là những trận đánh, là một địa danh nữa rồi, mà trở thành phần không thể thiếu trong huyết quản của người Việt Nam. Tự hào hơn nữa khi Hải Phòng vừa là nơi chứng kiến, vừa là nơi diễn ra và nhân dân vùng đất này cũng trực tiếp tham gia vào những trận chiến hào hùng đó. Trong cả 3 trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13, nhân dân Hải Phòng đều có những đóng góp xứng đáng. Nhiều tướng giỏi vốn là những nông dân, ngư dân Hải Phòng được Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo trọng dụng, lập công lớn, được lưu danh cùng sử sách, sau này được nhân dân tôn vinh là những vị thần, thành hoàng trên hầu hết khắp các làng quê của Hải Phòng. Cùng với đó là sự hợp sức của nhân dân Hải Phòng. Chẳng hạn như, trận chiến Bạch Đằng Giang năm 1288, người dân Hải Phòng thực hiện kế sách của nhà Trần, làm hàng nghìn mo cơm thả trôi đầy sông Giá để quân địch nghĩ rằng quân nhà Trần rất đông, đồng thời kết hợp có lực lượng cực mạnh chặn không cho chúng đi vào sông Giá, phải đi vào trận địa bãi cọc ở Cao Quỳ. Đó là những minh chứng cho thấy người Hải Phòng đã tham gia tích cực vào các trận đánh quan trọng mang tính quyết định như thế, đầy mưu trí và dũng cảm.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Phòng ghi dấu ấn đậm nét với trận tập kích sân bay Cát Bi, đốt cháy 62 máy bay của địch, làm tê liệt sự tiếp tế duy nhất bằng đường hàng không cho Điện Biên Phủ. Như thế, quân dân Hải Phòng có đóng góp rất quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hòa bình lập lại, trong khi cả nước thanh bình thì Hải Phòng còn phải 300 ngày đối phó với tất cả những âm mưu, thủ đoạn của địch, là thành phố đi trước về sau. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ, nơi đây bị phong tỏa rất ác liệt, nơi đầu tiên bị địch sử dụng B52 ném bom ngày 16-4-1972. Trong thời kỳ đổi mới, Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu với rất nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả cao được nhân rộng ra cả nước. Có thể thấy, Hải Phòng luôn phải gồng mình lên đối phó với những thử thách cực kỳ khó khăn và đều vượt qua.

Gần đây nhất, việc phát lộ bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, trên diện tích gần 1000 m2 đã có tới 50 cái cọc, cho thấy dấu vết trận địa bãi cọc Bạch Đằng Giang năm xưa, giúp chúng ta thay đổi nhiều nhận thức, đánh giá về trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Với sự kiện này, người Hải Phòng vô cùng tự hào, chúng ta có một di tích vật thể xứng tầm quốc gia và cả quốc tế bởi chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã làm suy yếu đế quốc Nguyên Mông, buộc chúng phải từ bỏ ý định xâm lược Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tất cả những cái đó tạo nên bề dày truyền thống, hun đúc lên tính cách của người Hải Phòng. Đó chính là vốn quý, là nền tảng, là động lực cần được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng.

– Vậy Hải Phòng cần phải làm gì để phát huy hiệu quả nhất yếu tố văn hóa, con người trong phát triển, thưa giáo sư?

– Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, với truyền thống cốt cách như thế về văn hóa, con người Hải Phòng phải làm sao phát huy, để những giá trị này không chỉ được chiêm ngưỡng, ca ngợi, tự hào mà biến thành tài nguyên để khai thác phục vụ phát triển thành phố. Điều đáng mừng là tôi cảm nhận lãnh đạo thành phố Hải Phòng luôn chú trọng tới việc phát huy yếu tố văn hóa, con người, coi đây là nền tảng của sự phát triển và có sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo. Như với việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành đã khẳng định rất rõ quan điểm phải khai thác giá trị di sản này như tài nguyên. Tôi biết, hiện có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tham gia cùng thành phố để xây dựng bảo tàng Bạch Đằng Giang, tái hiện các trận đánh trên sông Bạch Đằng. Như thế thì sẽ biến nơi đây thành thiết chế văn hóa để mọi người thưởng ngoạn, giáo dục truyền thống rất hiệu quả, du lịch cũng rất hấp dẫn. Có nghĩa là cần luôn chú trọng phát huy, khai thác và nâng tầm giá trị từ truyền thống, văn hóa, lịch sử, không chỉ để bảo tồn mà khai thác như một tài nguyên vô cùng quý giá, biến thành lợi ích kinh tế- xã hội to lớn, đóng góp vào sự phát triển của Hải Phòng. Cùng với đó, chính truyền thống, văn hóa và bản lĩnh, tính cách con người Hải Phòng sẽ là nguồn lực quan trọng, thúc đẩy thành phố vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đi tới thành công.

– Là người con của thành phố Hải Phòng, giáo sư có cảm nhận như thế nào về sự phát triển của thành phố trong những năm gần đây?

– Hải Phòng trong mấy năm trở lại đây thực sự trở thành niềm tự hào của những người Hải Phòng xa quê hương. Đi nhiều nơi, thấy nhiều người nói và khen Hải Phòng, tôi luôn cảm thấy sung sướng và hãnh diện.

Nhưng quan trọng hơn, qua sự phát triển của Hải Phòng, tôi thấy được tầm nhìn của lãnh đạo thành phố Hải Phòng, không chỉ tập trung phát triển kinh tế, đạt được các mục tiêu, chỉ số rất cao, mà còn chú trọng giá trị tinh thần cao hơn nữa, nên người dân càng yên tâm, tin tưởng. Thành phố hôm nay đang vươn lên rất mạnh mẽ, đổi thay từng ngày, từ hạ tầng tới mức sống người dân, đặc biệt lãnh đạo thành phố rất chú trọng tới văn hóa tinh thần. Đó là những chỉ báo cho thấy Hải Phòng còn tiến xa. Thậm chí nhiều người nơi khác còn nói, ước gì địa phương họ có người lãnh đạo như Hải Phòng.

Chính vì thế, trong những năm gần đây, với trách nhiệm của người con đã sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, tôi luôn mong muốn được đóng góp trực tiếp vào quá trình phát triển của thành phố. Tôi mới cùng các đồng chí tại Hải Phòng hoàn thành bộ sử 4 tập, sẽ in và phát hành trong thời điểm kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng. Đồng thời, trực tiếp tham gia mời gọi, kết nối triển khai một loạt chương trình gắn với Hải Phòng. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hợp tác toàn diện giữa Đại học quốc gia Hà Nội với Hải Phòng trong nghiên cứu di tích Bạch Đằng vì Đại học quốc gia có đủ lực lượng trong các lĩnh vực nghiên cứu, có đủ thiết bị hiện đại nhất Việt Nam để dò các vật thể nằm sâu dưới lòng đất tới 2 m; có các chuyên gia về địa mạo, chuyên gia về khảo cổ, lịch sử… Chúng tôi hy vọng, với những việc làm thiết thực đó, sẽ góp phần tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa, con người Hải Phòng, có đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố.

– Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Bài: Hồng Thanh thực hiện – Ảnh: Duy Đức/Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phát huy giá trị văn hóa, con người làm nền tảng phát triển bền vững của Hải Phòng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác