Phân vùng kinh tế – xã hội: Liên kết để cùng phát triển

Bộ KH&ĐT đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế – xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay. Theo các chuyên gia, quy hoạch vùng phải gắn với điều kiện kinh tế – xã hội đặc trưng của vùng, đồng thời đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm.

Phân vùng theo nhu cầu phát triển

So với phương án 6 vùng như hiện nay, thì tại phương án 7 vùng kinh tế – xã hội này giữ nguyên 3 vùng: Vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ.

Cùng với đó, đưa 4 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên và Hòa Bình thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc vào vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng Thủ đô (hay vùng Đồng bằng sông Hồng mở rộng); vùng trung du và miền núi phía Bắc với các tỉnh còn lại đổi tên thành vùng miền núi phía Bắc.

Cao tốc Hà Nội  – Hải Phòng là trục giao thông kết nối phát triển kinh tế giữa Hà Nội với các tỉnh. Ảnh: Công Hùng

Bộ KH&ĐT cho rằng, ưu điểm của phương án này bảo đảm tính kế thừa cao; ít gây xáo trộn về vùng; mở rộng không gian phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng Thủ đô Hà Nội (mới). Đồng thời tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc phát triển hơn, tăng tính liên kết vùng. Phương án này còn khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài.

Còn với phương án 6 vùng hiện nay, Bộ KH&ĐT cho rằng “đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử” nhưng có nhiều nhược điểm. Chẳng hạn, vùng trung du miền núi là vùng núi cao nhưng có sự khác biệt đáng kể giữa Đông Bắc và Tây Bắc làm hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chính sách quản lý của Nhà nước đối với các tỉnh trong vùng. Tương tự, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là dải đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, kéo dài hơn 1.300km. Sự liên kết/hợp tác về phát triển kinh tế giữa các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận hoàn toàn không có…

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng – Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), trong Báo cáo về phân vùng giai đoạn 2021 – 2030, Bộ KH&ĐT kiến nghị với Chính phủ nên xem xét lại cách phân chia 6 vùng như hiện nay. Nếu chọn phương án phân 6 vùng thì ưu điểm chính là dựa trên các nghị quyết đã có nhiều năm nên không gây xáo trộn về vùng, bảo đảm tính liên tục đối với các hoạt động lập quy hoạch vùng, quản lý vùng và có thể triển khai ngay được.

Tuy nhiên, việc phân chia này đã bộc lộ khá nhiều hạn chế khi tính liên kết vùng còn yếu, trong khi mục tiêu cao nhất của Quy hoạch vùng tại Luật Quy hoạch là gắn kết các địa phương trong vùng để cùng phát triển. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là khi Luật Quy hoạch đã được thông qua, thì việc phân vùng lại là cần thiết và quan trọng.

Cốt lõi là thể chế, cơ chế điều phối vùng

Theo GS.TS Nguyễn Mại, việc phân vùng kinh tế đã có từ rất lâu. Nay điều kiện khác, thách thức khác, giao thông tốt hơn nên cần xem xét lại việc phân vùng cho hợp lý. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng kinh tế; tập trung các nguồn lực quốc gia và xã hội phát triển hạ tầng để phát triển kinh tế vùng và tăng cường liên kết vùng còn hạn chế, chưa làm rõ được tính đặc thù, thế mạnh của mỗi địa phương cũng như liên kết nội vùng. Hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng hầu hết các tỉnh, thành và các vùng đều có những dấu hiệu “thu nhỏ”.

Mục tiêu của phân vùng là phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác.

Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, vùng phải thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín.

Về đầu tư ở các địa phương, GS.TS Nguyễn Mại cho rằng, nhược điểm lớn là không có vóc dáng, dấu ấn của vùng. Địa phương nào cũng có rất nhiều khu công nghiệp, song đều “na ná” nhau. Do đó, ông đề nghị sắp tới cần có sự có phân công hợp tác giữa các địa phương để có các khu công nghiệp chuyên biệt cho phát triển.

Làm được như vậy sẽ không còn trùng lắp giữa các khu công nghiệp, mà có sự chuyên biệt theo chuỗi giá trị, ví dụ như khu công nghiệp dệt may, công nghệ thông tin… Như vậy, vừa bảo đảm tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu, phân công hợp tác hiệu quả trong vùng.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam – KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, điều lớn nhất không phải sự thay đổi, quy hoạch lại mà ở đây là xác định tạo ra quy hoạch vùng, tạo ra mối liên kết giữa các tỉnh.

Đặc biệt phải xác định rõ vai trò động lực và vai trò của các tỉnh, nếu không, mở rộng quá lớn sẽ rất khó thực hiện vai trò động lực phát triển. Theo ông Nghiêm, một số tỉnh đã có trình độ phát triển mạnh nên nâng tầm vai trò, vị thế vùng đó lên.

Về thể chế, KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần có cơ chế để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Cái khó nhất trong mối quan hệ vùng là phải xác định để điều tiết và quản lý tốt.

Hiện, Chủ tịch các tỉnh thay đổi với nhau làm Chủ tịch vùng một lần rất khó để khai thác những lợi thế chung của vùng cũng như tạo ra sự thống nhất. Việc này phải thận trọng và tìm những yếu tố phù hợp với Hiến pháp, vì vùng hiện nay không phải là một đơn vị hành chính theo quy định của Hiến pháp.

Như vùng Thủ đô bao nhiêu năm nay đề xuất thành lập Ban Quản lý vùng và có một Phó Thủ tướng làm chứ không hoàn toàn phải trao đổi, thống nhất với nhau nhưng vẫn chưa có”, ông Nghiêm bày tỏ.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn: Quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới

Cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành đối với sự phát triển của vùng, quy hoạch lại vùng trên một tầm nhìn mới. Trong đó, phát triển từng tỉnh thống nhất với quy hoạch và chiến lược phát triển toàn vùng, gắn với vai trò “đầu tàu”, “hạt nhân”. Cần nhanh chóng xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, của toàn vùng.

Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, cần cân nhắc để ban hành chính sách cạnh tranh với các trung tâm kinh tế khu vực và trên thế giới; quy định rõ liên kết vùng phải theo hướng kinh tế tri thức và tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn…

Đối với các vùng điều kiện kinh tế – xã hội còn khó khăn, cần có chính sách nhằm hướng việc thu hút đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế so sánh, phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội. Đồng thời làm rõ chức năng bảo tồn sinh thái, gìn giữ văn hóa, bảo đảm an ninh chính trị, để từ đó có những chính sách tích hợp tổng thể đặc thù cho vùng bảo đảm các chức năng trên.


Theo phương án Bộ KH&ĐT đề xuất, giai đoạn 2021 – 2030, cả nước sẽ phân thành 7 vùng mới gồm: Vùng miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La; Vùng Thủ đô (hay vùng đồng bằng sông Hồng mở rộng) gồm 15 tỉnh, TP: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, TP: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, TP: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh; Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, TP: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Tin khác

Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024

Sáng 13-11, tại Trung tâm hội nghị thành phố, UBND thành phố, Ủy ban MTTQ…

13/11/2024

Tin bão trên biển Đông, cơn bão số 8, cập nhật 11h ngày 13/11/2024

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày…

13/11/2024

Quốc hội chốt chưa tăng lương công chức trong năm 2025

Quốc hội chốt chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo…

13/11/2024

Quy định mới là xử lý trực tiếp phóng viên, Tổng biên tập

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định mới bây giờ là xử lý…

12/11/2024

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn

Sáng ngày 12/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các…

12/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More