Phan Vũ vĩnh biệt cõi này (mất sáng 17-7), ông đã bước sang cõi khác. Nhưng rồi tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng và có cái gì đó gần như đột ngột. Bởi trong trí nhớ của tôi, ông là người trẻ mãi không già, đủ sức chạy đua với ngọn gió khốc liệt của thời gian.
Sống tận hiến
Phan Vũ làm thơ. Phan Vũ vẽ. Phan Vũ đạo diễn. Phan Vũ yêu. Phan Vũ sáng tạo. Ở lĩnh vực nào ông cũng thể hiện hết mình. Tận hiến. Đến với cuộc chơi chỉ là chơi chứ không cầu mong, quỵ lụy và âm mưu bởi một điều phù phiếm gì khác. Mẫu người nghệ sĩ ấy, thật ra không nhiều lắm đâu!
Trong cuộc đời, Phan Vũ đi nhiều, trải qua nhiều công việc khác nhau. Lúc mới 19 xuân xanh, năm 1946, ông đã có mặt trong cánh quân tiên phong mở đường đưa đoàn cán bộ vào Nam. Và sau đó, ông đã là một trong những người lãnh đạo Đoàn Văn công Nam Bộ. Những năm tháng này đã cho ông chất liệu từ thực tế để sau khi tập kết ra Bắc, ông xuất hiện với tư cách tác giả và đạo diễn. Phải nhắc đến vở kịch “Lửa cháy lên rồi” công diễn tại Nhà hát Nhân Dân (Hà Nội). Vở kịch một thời gây chấn động dư luận và được trao giải nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955).
Bấy giờ, ông Tố Hữu cử ông đi học lớp điện ảnh ở Liên Xô nhưng do vợ (diễn viên Phi Nga) đang có thai nên ông xin ở lại, đi chuyến sau. Rất tiếc, cơ hội ấy không đến lần thứ hai. Chẳng sao cả. Sau đó, với điện ảnh, ông mày mò tự học. Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng với những người thật sự có tài năng, đam mê nghệ thuật thì dù thế nào, họ cũng có cách cống hiến, thỏa mãn khát vọng của mình. Phan Vũ là mẫu người như vậy.
Khi đã đi qua bên này dốc cuộc đời, ông thật sự sống chết với hội họa bằng cảm xúc mới. Tràn trề năng lực của người chạy marathon trên cuộc đua đường dài, không hề có dấu hiệu bỏ cuộc vì đuối sức. Ông bảo: “Hội họa mang tính hội nhập lớn và không chỉ đóng khung trong một quốc gia. Tôi mê vẽ. Tôi yêu sự rực rỡ của sắc màu và tìm thấy trong hội họa sự tự do sáng tạo. Niềm đam mê của tôi rất quyết liệt, thậm chí như sự sống còn”. Nghe người nhà kể lại rằng ông thường vẽ vào lúc nửa đêm về sáng, lúc yên tĩnh nhất như một cách hội nhập cõi lòng mình với thiên nhiên bát ngát đang choáng ngợp tâm tưởng. Phan Vũ tự họa, vẽ chân dung bạn bè như Trần Dần, Đặng Đình Áng, Lưu Công Nhân… ai cũng khen tài tình, khái quát được suy tư chìm sâu phía sau gương mặt ấy. Đây chính là ưu thế của đạo diễn Phan Vũ khi nắm bắt hồn vía, tính cách nhân vật để thể hiện trong lớp lớp sắc màu. Và tất nhiên, ông còn vẽ cả tình yêu của sự thăng hoa nồng nàn cảm hứng:
Chỉ ngan ngát mùi hoa dại thoáng qua/ một mảng sáng/ lờ mờ trong góc tối/ Cũng chỉ là lời ước hẹn ỡm ờ dễ đánh rơi/ Chừng đó thôi với anh cũng đã đầy đã đủ/ cho những giấc mơ êm trở về lúc khuya đêm/cho một nét đẹp/ trên bức-tranh-em/ anh thường vẽ.
Nhà thơ đích thực
Với Phan Vũ, tôi học ở ông một điều, đại khái, đã là người sống bằng cái nghề nhọc nhằn sáng tạo thì phải… khỏe. Có sức khỏe “mới thỏa mãn được đam mê, đủ sức làm việc”, ông từng tâm tình. Vì thế, ấn tượng trong tôi là thuở ấy dù đã thuộc lớp “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn thể hiện sự cường tráng, khỏe khoắn, yêu đời bằng áo pull, quần short, đội nón rộng vành và phóng xe ào ào, nói cười rổn rảng, hừng hực sức sống. Tưởng rằng sự phóng đạt bề ngoài ấy là biểu hiện của sự hài lòng, ưng ý, thậm chí thỏa hiệp với tất cả để bình tâm mà sống. Không đâu, ở nhiều nghệ sĩ khác thì nội tâm của họ lại trái ngược với hình thức bên ngoài nhiều lắm. Khác xa lắm. Phan Vũ bảo:
Cuộc đời qua đi với những tình cờ nghiệt ngã/ Trên đường đi hôm nay rực rỡ màu hoa đỏ/ lẫn trong lá cỏ/ không có mùi hương/ Bởi trong tôi chẳng còn chiếc bình xanh nào/ để đợi chờ và để vỡ…
Nghe ra có một chút gì ngậm ngùi và nuối tiếc. Về tình yêu đã mất? Về ý nguyện không vẹn toàn? Với thơ, Phan Vũ không chỉ “Em ơi, Hà Nội phố” nổi tiếng, “hớp hồn” nhiều người mà còn có rất nhiều thơ. Nếu được phép chọn lấy một tên gọi dành cho ông, tôi không ngần ngại gọi nhà thơ Phan Vũ. Thế mạnh của ông là đó. Sở trường của ông là đó. Chỉ tiếc rằng sinh thời ông ít công bố. Mãi đến lúc ra tập thơ “Ta còn em”, công chúng mới thật sự nhìn thấy diện mạo thi sĩ của ông. Và ngay cả lúc vẽ, chính ông cũng từng cho rằng màu sắc ấy chính là bài thơ hiện đại, là một cách diễn đạt cảm xúc của thơ qua một hình thức khác. Biết làm sao được. Ở một con người tài hoa, giàu năng lượng sáng tạo như Phan Vũ thì hình thức nào cũng được, không lựa chọn miễn sao thỏa mãn được những gì cần trình bày, những cảm xúc vừa kịp đến.
Xin vĩnh biệt Phan Vũ – một nghệ sĩ tài hoa đã sống trọn vẹn với cảm xúc qua nhiều cung bậc. Được thế, nào dễ dàng gì, nếu không dám sống.
Nhà thơ – họa sĩ – nhà soạn kịch – đạo diễn Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926, tại Hải Phòng. Qua đời vào sáng 17-7 tại TP HCM do bệnh nặng, hưởng thọ 94 tuổi.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông: “Lửa cháy lên rồi”, “Dòng sông âm vang”, “Bà mẹ và thanh gươm” (kịch), tuyển thơ “Ta còn em”…
Ông từng đạo diễn các phim: “Bí mật thành phố cấm”, “Như một huyền thoại” (về nữ anh hùng Võ Thị Sáu). Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ông chú tâm với hội họa, đã có 9 cuộc triển lãm tranh trong và ngoài nước.
Tang lễ nhà thơ – họa sĩ Phan Vũ sẽ được tổ chức tại Nhà tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 19 giờ ngày 17-7. Lễ di quan lúc 7 giờ ngày 19-7. T.Trang
LÊ MINH QUỐC
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More