Phan Vũ – Hồn Hà Nội cũ

Tôi chỉ có dịp gặp anh Phan Vũ vài lần, và đều gặp ở Sài Gòn. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cái cười hết cỡ, hết mình, vô tư đến kinh ngạc của Phan Vũ.

Phan Vũ ký tặng cho bạn bè, đồng nghiệp – ẢNH: ĐỘC LẬP

Người như thế, theo ông bà mình nói, là “ruột để ngoài da”. Nhưng Phan Vũ lại là người sống nội tâm. Đó mới là điều thú vị, và là điều đáng kể. Anh yêu thơ, làm thơ bằng một tình yêu vô tư, dâng hiến, không đòi hỏi bất cứ danh vọng nào. Phan Vũ khẳng định vị trí thi sĩ của mình bằng bài thơ dài Em ơi, Hà Nội phố. Đó là bài thơ khóc thương cho một phần Hà Nội sụp đổ trong chiến tranh, đặc biệt là sau 12 ngày đêm B52 của Mỹ rải thảm xuống Hà Nội năm 1972. Bây giờ thì tôi hiểu thêm, bài thơ ấy còn khóc thương cho một Hà Nội cũ hình như không còn nữa. Một Hà Nội mà Phan Vũ đã sống, đã yêu, và đã chăm chú nhìn đến từng viên gạch cũ, từng mái ngói rêu phong, từng con đường nằng nặng mùi hoa sữa mùa thu. Chợt lặng người: chẳng lẽ, Hà Nội ấy chỉ còn trong thơ Phan Vũ?

Lần tôi gặp anh ở Sài Gòn, có dễ đã cách đây mấy chục năm, Phan Vũ kể với tôi, anh đã từng lớn lên ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) khi ông cụ thân sinh anh làm một chức quan nho nhỏ gì đó ở huyện có đồng muối Sa Huỳnh này. Đức Phổ là huyện ven biển Quảng Ngãi có thiên nhiên cực đẹp, và tôi nghĩ, Phan Vũ đã có một “ký ức thiên nhiên” từ những năm tháng tuổi thơ ấy. Điều đó giúp cho một người làm thơ rất nhiều. Dù Phan Vũ sinh ở Hải Phòng, thì Đức Phổ của Quảng Ngãi vẫn là một phần không thể mất của tuổi thơ anh. Và tôi coi như có một phần “đồng hương” với Phan Vũ từ đó.

Sau này, khi Phan Vũ in tập thơ Ta còn em, tôi lại nghĩ, khi đặt đầu đề tập thơ ấy, Phan Vũ đã nhận ra cái leitmotiv từ âm nhạc của Phú Quang, cái chủ âm “ta còn em” như một tiếng chuông nhà thờ cứ ngân nga mãi trong bài thơ Em ơi, Hà Nội phố. Chọn một góc nhìn Hà Nội cũ mà chọn từ phía nhà thờ Cửa Bắc thì quả là đắc địa. Đó là một nơi chốn vừa trầm mặc, uy nghi, vừa có nhịp điệu thong thả khiến con người trở nên bình tâm sau khi trải qua tất cả những thăng trầm. “Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân”, đúng là tiếng chuông bình yên ấy đã vượt qua giới hạn một buổi lễ, vượt qua giới hạn một bài thơ, để cùng bài thơ ấy sống mãi trong lòng những ai thiết tha với một “Hà Nội cũ”. Vâng, tôi cũng là người thiết tha như vậy, nên tôi yêu thơ Phan Vũ.

Thơ ấy là một phần của tâm hồn Hà Nội, cứ ngỡ đã mất, lại còn.

Và đó cũng là tâm hồn của Phan Vũ, sẽ còn mãi với Hà Nội, nếu ta nhìn thành phố này từ phía nhà thờ Cửa Bắc.

Nguồn: Báo Thanh niên

Nguồn tin: Báo Thanh niên

Tin khác

Cảnh báo trẻ em bị đuối nước vào mùa hè

Đuối nước thường gặp vào các tháng mùa hè do thời tiết nắng nóng, nguyên…

04/05/2024

Khởi công xây dựng nhà “Đại đoàn kết” cho hộ khó khăn trên địa bàn phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân

Sáng 3/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Lê Chân phối hợp với phường Vĩnh…

04/05/2024

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thông qua các hội nhóm, nhóm chat đầu tư chứng khoán

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát…

04/05/2024

Huyện Vĩnh Bảo Đưa cầu Lô Đông bắc qua sông Hóa vào sử dụng

Sáng 4-5, UBND huyện Vĩnh Bảo tổ chức thông xe kỹ thuật Dự án xây…

04/05/2024

Triển khai cấp bách các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm hàng loạt, chủ động trước các…

04/05/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More