Từ ngày 24-11, thông báo phân luồng lại giao thông một số tuyến đường trong khu vực nội thành của Sở Giao thông- Vận tải (GTVT) có hiệu lực. Việc tổ chức lại giao thông lần này không chỉ tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông mà còn góp phần chỉnh trang đô thị dịp cuối năm.
Thuận lợi chiều ô tô
Phó giám đốc Sở GTVT Hoàng Triệu Hùng cho biết, kể từ 1-4-2018, sau khi thành phố thực hiện đảo chiều phương tiện xe ô tô tại dải trung tâm và tổ chức lại giao thông một số tuyến đường chung quanh, kết nối với dải trung tâm, Sở GTVT thường xuyên theo dõi và có những đánh giá cụ thể. Kết quả, tình trạng ùn tắc tại dải trung tâm chấm dứt. Tuy nhiên, việc một số tuyến đường như Trần Quang Khải, Minh Khai, Lý Tự Trọng, Cát Cụt… chưa thực hiện đồng bộ dẫn đến khó khăn cho người tham gia giao thông.
Sau thời gian đảo chiều xe ô tô tại dải trung tâm, Sở GTVT nhận thấy tuyến đường Minh Khai, Lý Tự Trọng có lượng xe ô tô tham gia giao thông tăng đột biến, đồng thời có khá nhiều ô tô đỗ, dẫn đến hẹp lòng đường 2 chiều giao thông. Do đó, từ tháng 7-2018, Sở GTVT quyết định tổ chức lại chiều xe ô tô trên đường Minh Khai, Lý Tự Trọng. Theo đó, 2 tuyến đường này chấm dứt lưu thông 2 chiều ô tô, chuyển thành 1 chiều. Cụ thể, trên đường Minh Khai, ô tô chỉ được đi theo chiều từ dải trung tâm đến đường Hoàng Diệu, còn đường Lý Tự Trọng xe ô tô lưu thông từ đường Hoàng Diệu đến dải trung tâm. Theo ông Hùng, đường Lý Tự Trọng và đường Minh Khai chạy song song và cách nhau không quá xa, nên việc tổ chức lại hướng cho xe ô tô đi không gây khó khăn cho người dân.
Tuy nhiên, tuyến đường Trần Quang Khải chuyển thành 1 chiều ô tô sau gần 1 năm thực hiện phần nào xuất hiện những bất cập, do các tuyến kết nối là Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ thường xuyên có lượng phương tiện tham gia giao thông đông, thậm chí còn ùn tắc cục bộ ở một số thời điểm. Sau khi tổ chức rà soát lên phương án, Sở GTVT trình UBND thành phố cho phép xe ô tô lưu thông 2 chiều trên đường Trần Quang Khải và đường Cát Cụt (đoạn từ ngã ba Nguyễn Đức Cảnh đến ngã tư Hai Bà Trưng). Sau khi có văn bản chấp thuận của UBND thành phố, Sở GTVT có thông báo phân luồng và chính thức áp dụng từ ngày 24-11-2018. Thông báo này của Sở GTVT được đông đảo người dân hồ hởi đón nhận, bởi việc lưu thông bằng xe ô tô trong khu vực nội thành được thuận lợi hơn. Anh Trần Mạnh Tuấn, lái xe dịch vụ tại đường Đà Nẵng cho biết, việc cho lưu thông xe ô tô 2 chiều trên đường Trần Quang Khải không chỉ giúp các lái xe dễ dàng xoay trở đưa đón khách mà còn giúp việc dừng đỗ trật tự hơn. Không còn cảnh các lái xe đỗ “chớp nhoáng”, vừa mất an toàn giao thông, vừa gây phản cảm. Còn tuyến đường Cát Cụt, xe ô tô xuôi đường Hai Bà Trưng rồi rẽ phải đến đường Nguyễn Đức Cảnh, rất thuận lợi.
Thay thế dải phân cách cứng trên dải trung tâm thành phố
Từ khi thành phố tổ chức đảo chiều xe ô tô tại dải trung tâm thành phố, tháng 5-2018, Báo Hải Phòng và Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an thành phố) có ý kiến kiến nghị với Sở GTVT và Ban An toàn giao thông thành phố đề nghị dỡ bỏ một số đoạn dải phân cách cứng tại các ngã tư Trần Phú-Cầu Đất; Trần Phú-Điện Biên Phủ, bởi thực tế dải phân cách cứng không cần thiết, làm mất mỹ quan đô thị và dễ dẫn đến cảnh ùn tắc giao thông. Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GTVT Hoàng Triệu Hùng cho biết, Sở GTVT tiếp thu thông tin từ Báo Hải Phòng và Phòng CSGT, tuy nhiên do mới đảo lại chiều xe ô tô trên dải trung tâm, người dân đi chưa quen nên tạm thời Sở GTVT vẫn để dải phân cách cứng. Sau hơn 8 tháng thực hiện ổn định, Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị dỡ bỏ dải phân cách cứng, thay thế bằng vạch sơn liền (vạch 1.2). Cho đến nay, các tuyến đường quanh dải trung tâm thành phố đều không sử dụng dải phân cách cứng. Vừa tạo thông thoáng, vừa đẹp thêm dải trung tâm.
Trung tá Lã Đức Tiềm, đội trưởng đội CSGT số 3 (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an thành phố) cho biết, việc tháo dỡ dải phân cách cứng trên các tuyến đường dải trung tâm thành phố rất thuận lợi cho công tác điều phối, hướng dẫn phương tiện trong giờ cao điểm. Nếu xảy ra ùn tắc, CSGT sẽ hướng dẫn trực tiếp người tham gia giao thông tại hiện trường để các phương tiện qua lại dễ dàng, nhất là ngã tư Trần Phú-Cầu Đất. Còn trung tá Cao Xuân Cương, đội trưởng đội CSGT số 1 thì cho rằng, dải trung tâm thành phố dỡ bỏ dải phân cách cứng góp phần tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông, tuy nhiên, Sở GTVT cũng cần nghiên cứu bỏ dải phân cách cứng tại ngã tư đường Tô Hiệu-Cát Cụt, ngã tư An Dương chiều từ đường Nguyễn Đức Cảnh nối với đường Tôn Đức Thắng. Đây là nút giao thông có lượng người tham gia giao thông rất đông, cần phải tạo thông thoáng cho các phương tiện qua lại.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hoàng Triệu Hùng, trong thời gian tổ chức phân luồng xe ô tô, Sở GTVT và người dân cùng theo dõi, đánh giá tình hình phù hợp với thực tế. Nếu xuất hiện bất cập, sẽ tổ chức điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, góp phần chỉnh trang đô thị dịp cuối năm.
Cùng với việc tổ chức lại giao thông, Sở GTVT triển khai lắp đặt biển cấm đỗ xe trên tuyến đường Cát Cụt (đoạn từ ngã ba Nguyễn Đức Cảnh đến ngã tư Hai Bà Trưng và đường Điện Biên Phủ (đoạn từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng đến ngã tư Hoàng Văn Thụ).
Mai Lâm – Báo Hải Phòng 27/11/2018
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More