Phân cấp để quản lý tài sản công hiệu quả hơn

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố khóa 15 sắp tới, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hải Phòng. Đây không chỉ là việc làm cần thiết nhằm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 và Nghị định 151 của Chính phủ mà mục tiêu chính là để quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn nguồn tài sản công của thành phố.

Khắc phục hạn chế

Theo đồng chí Lê Ngọc Trữ, Giám đốc Sở Tài chính, hiện việc phân cấp quản lý tài sản Nhà nước trên địa bàn thành phố được thực hiện theo quy định tại NQ số 03 ngày 20-7- 2012 của HĐND thành phố. Theo đó, tính đến ngày 31-12-2017, tổng giá trị tài sản công do thành phố quản lý, theo dõi là 16.050 tỷ đồng. Trong đó, có 1387 khuôn viên với diện tích đất hơn 8 triệu m2, giá trị quyền sử dụng đất khoảng 13.222 tỷ đồng. Có 3447 ngôi nhà, trụ sở làm việc trị giá 2357 tỷ đồng cùng 551 chiếc ô tô, giá trị theo nguyên giá 273 tỷ đồng. Các loại tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên là 150 chiếc, giá trị nguyên giá 196 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với tài sản là phương tiện làm việc, máy móc thiết bị, tài sản vô hình và các tài sản khác có nguyên giá dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản được giao cho các sở, ngành, địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng theo dõi trên sổ sách kế toán.


Tính đến ngày 31-12-2017, thành phố quản lý 3447 ngôi nhà, trụ sở làm việc, trị giá 2357 tỷ đồng (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Phương Duy

Điểm nổi bật trong thời gian qua về quản lý tài sản công là Hải Phòng triển khai thực hiện chương trình kê khai đăng ký tài sản Nhà nước qua mạng internet theo phiên bản 3.0 của Bộ Tài chính. Những tài sản là trụ sở làm việc, xe ô tô các loại và tài sản có giá trị hơn 500 triệu đồng được quản lý, theo dõi sử dụng đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, bảo đảm sử dụng tài sản Nhà nước tiết kiệm, hiệu quả. Ngoài ra, thành phố thường xuyên rà soát quỹ nhà đất, phương tiện ô tô để tiếp tục sử dụng, điều chuyển hoặc thanh lý góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công. Các cơ quan, đơn vị chủ động mua sắm tài sản theo phân cấp. Theo đánh giá của Sở Tài chính, nhìn chung các cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, thực hiện tốt việc bảo quản, có kế hoạch sửa chữa tài sản hư hỏng kịp thời. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của các cơ quan, đơn vị trong thành phố cơ bản đầy đủ, bảo đảm nhu cầu cần thiết để cán bộ công chức, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, công tác quản lý tài sản, nhất là trụ sở, nhà làm việc của một số đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cá biệt có một số trường hợp sử dụng chưa đúng mục đích, còn để lãng phí hoặc cho thuê, mướn nhưng không hạch toán đầy đủ. Đáng chú ý, cơ chế quản lý tài sản công chưa theo kịp với sự phân cấp về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Đặc biệt là việc xây dựng trụ sở, nhà làm việc tại khu vực quận, huyện, xã, phường, thị trấn, thường được đầu tư xây dựng khi chưa bố trí đủ nguồn vốn, phân kỳ đầu tư chưa phù hợp hoặc đầu tư dàn trải. Điều này dẫn tới nợ XDCB của các địa phương khá lớn (số nợ XDCB đến hết năm 2017 là 1890 tỷ đồng). Khi hoàn thành quyết toán đưa công trình vào khai thác sử dụng chưa cập nhật kịp thời vào chương trình quản lý tài sản chung để theo dõi, quản lý. Một số cơ quan đơn vị chưa chú trọng lập và quản lý hồ sơ về tài sản công cũng như hạch toán, theo dõi tài sản trên sổ sách kế toán…

Phân cấp gắn liền với trách nhiệm

Là đơn vị được giao chủ trì lập đề án về phân cấp quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hải Phòng, Sở Tài chính thực hiện đưa vào các quy định tại Nghị quyết (NQ) 03 ngày 20-7-2012 của HĐND thành phố và cập nhật những quy định mới của Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 và Nghị định (NĐ) 151; Nghị định 29 của Chính phủ. Việc phân cấp được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước. Nguyên tắc chung nhất là mọi tài sản công đều phải được giao quyền quản lý, sử dụng cho tổ chức, cá nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa, bảo tồn và phát triển. Tài sản luôn được thống kê đầy đủ về hiện vật và giá trị. Đối với mỗi loại tài sản, cấp nào, cơ quan, đơn vị nào quản lý, sử dụng tốt hơn thì được giao quản lý, sử dụng.

Theo đề án, tài sản công thực hiện phân cấp gồm nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất; tài sản là xe ô tô phục vụ công tác, xe ô tô chuyên dùng, xe mô tô, tàu, thuyền, xuồng; tài sản thiết bị thuộc danh mục mua sắm tập trung; tài sản là máy móc thiết bị và các tài sản khác… Có 13 nội dung phân cấp chủ yếu bao gồm: Phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công; thẩm quyền quyết định thuê; thu hồi; điều chuyển; bán; thanh lý; tiêu hủy; xử lý trong trường hợp bị mất, hủy hoại… Trong đó, về phân cấp mua sắm tài sản công, Chủ tịch UBND thành phố quyết định mua sắm đối  với nhà làm việc, công trình sự nghiệp, tài sản khác gắn liền với đất, tài sản là phương tiện vận chuyển (riêng mua xe ô tô phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND thành phố); tài sản thiết bị thuộc danh mục tài sản mua sắm tập trung; tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản. Riêng với tài sản khác có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên/1 đơn vị tài sản phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực HĐND thành phố. Cùng với đó, người đứng đầu các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức cấp thành phố; chủ tịch UBND quận, huyện được quyết định mua sắm tài sản khác thuộc phạm vi quản lý có giá trị dưới 500 triệu đồng. Các cấp thấp hơn được quyết định mua sắm đối với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng… Việc mua sắm tài sản, thiết bị làm việc phải thực hiện trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước được bố trí theo đúng định mức, tiêu chuẩn hiện hành.

Báo Hải Phòng 13/06/2018

Tin khác

Thông tin về vụ cháy tại KCN Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương

Hồi 23h31' ngày 23/11/2024, Trung tâm 114 Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được…

24/11/2024

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More