Căn cứ vào các văn bản, quy phạm pháp luật, thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND TP, Sở NN&PTNT vừa ban hành thông báo về việc phân bổ vắc xin, phân khai kinh phí tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đợt này tổng số liều vắc xin tiêm phòng bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò là: 11.100 liều; kinh phí công tiêm phòng 48.840.000 đồng.
Đối tượng tiêm phòng là đàn trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 4 tháng tuổi trở lên. Đối với những vùng áp lực dịch cao thì tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé khỏe mạnh từ 2 tháng tuổi trở lên. Không tiêm phòng cho trâu, bò, bê, nghé đang có triệu chứng của bệnh Viêm da nổi cục hoặc đang mắc các bệnh khác.
Thời gian tiêm phòng đợt chính là từ tháng 5 đến tháng 9-2021. Hàng tháng, lực lượng chức năng sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh bổ sung cho đàn trâu bò nuôi mới, trâu bò chưa được tiêm phòng trong đợt tiêm chính.
Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch tại vùng dịch uy hiếp, vùng đệm theo phạm vi xác định và hướng dẫn của Sở.
Đối với những trường hợp người chăn nuôi không chấp hành tiêm phòng cho đàn trâu bò nuôi và để xảy ra dịch; Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn lập biên bản tiêu hủy bắt buộc trâu, bò nhiễm bệnh; đồng thời chủ chăn nuôi không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Vắc xin tiêm phòng được sử dụng là loại: Lumpyvac (Lumpy skin desease virus vaccine), 25 liều/chai, liều: 2ml của nhà sản xuất Vetal Animal Health Products S.A – Thổ Nhĩ Kỳ, hạn sử dụng 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Về kỹ thuật tiêm phòng, bảo quản vắc xin đã được Sở NN&PTNT thông báo cụ thể tại Thông báo này.
Chủ cơ sở chăn nuôi có trách nhiệm: kê khai, đăng ký hoạt động chăn nuôi theo quy định; cam kết tiêm phòng cho vật nuôi bằng vắc xin, đối với các bệnh bắt buộc phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bằng vắc xin theo quy định tại Phụ lục 07 Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN&PTNT, gồm các bệnh: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, hỗ trợ cán bộ thú y trong suốt quá trình triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục cho đàn trâu bò nuôi; thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi; áp dụng các biện pháp phòng, diệt côn trùng cho đàn trâu, bò và môi trường chăn thả, nuôi nhốt; lập sổ theo dõi, ghi chép quy trình phòng bệnh, chữa bệnh, lịch tiêm vắc xin phòng cho đàn trâu bò trong suốt quá trình nuôi và xuất trình với chính quyền địa phương, cơ quan thú y khi có yêu cầu; thường xuyên báo cáo kết quả tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi về chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, quận.
Sở giao Chi cục Chăn nuôi & Thú y thực hiện thủ tục mua sắm vắc xin phục vụ công tác tiêm phòng theo quy định; chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản, xuất cấp, hướng dẫn việc sử dụng vắc xin tiêm phòng đúng quy trình kỹ thuật; chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở thực hiện việc tiêm phòng cho đàn trâu, bò nuôi đạt hiệu quả. Đồng thời phối hợp các địa phương hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu bò nuôi; tổng hợp, báo cáo kết quả tiêm vắc xin trên địa bàn thành phố.
Sở NNPTNT đề nghị UBND các huyện, quận xây dựng kế hoạch tiêm phòng; tiếp nhận, bảo quản, phân bổ vắc xin, chỉ đạo tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò đảm bảo kế hoạch thành phố giao. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án, triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò trên địa bàn đảm an toàn, hiệu quả, không để thất thoát vắc xin, không để vấy nhiễm vắc xin ra ngoài môi trường (đảm bảo vắc xin sau pha được tiêm nhanh nhất); thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm về kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục ở trâu bò tại địa phương; thực hiện quyết toán vắc xin đã sử dụng, công tiêm phòng theo quy định. Tổ chức thực hiện kê khai, đăng ký hoạt động chăn nuôi, thống kê quản lý đàn vật nuôi đến tận các cơ sở, hộ chăn nuôi theo quy định.
Sau khi kết thúc đợt tiêm vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục do Ngân sách thành phố hỗ trợ đề nghị UBND các huyện, quận thu hồi vỏ lọ vắc xin đã tiêm, tập trung về Chi cục Chăn nuôi & Thú y để tổ chức tiêu hủy theo quy định; đồng thời có trách nhiệm quyết toán vắc xin, kinh phí tiêm phòng đúng quy định hiện hành; báo cáo kết quả tổ chức triển khai thực hiện bằng văn bản về Sở qua Chi cục Chăn nuôi & Thú y.
Trong quá trình thực hiện trường hợp phát sinh vướng mắc, các địa phương và người chăn nuôi phản ánh kịp thời về Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y để phối hợp giải quyết…
KC