Những vụ việc như thế khiến cho những bậc làm cha, làm mẹ rất hoang mang, lo lắng… Một vị lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô đã gọi những việc làm nêu trên là “tội ác”. Vậy, phải làm thế nào để trả lại những bữa ăn sạch, đủ dinh dưỡng cho các em?
Khi vụ việc một doanh nghiệp tại Bắc Ninh cung cấp thực phẩm cho 19 trường mầm non và 2 trường tiểu học ở tỉnh này bị phụ huynh phát hiện có nhiễm sán trong thịt lợn khiến hàng nghìn phụ huynh hoang mang, đưa con đi xét nghiệm chưa kịp lắng xuống, thì vào ngày 3-4 vừa qua, phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã “phục” từ 6h sáng, đúng thời điểm Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt giao thực phẩm cho bếp ăn bán trú tại nhà trường; qua đó phát hiện 35kg thịt gà đông lạnh có mùi ôi thiu nồng nặc.
Hàng nghìn phụ huynh học sinh ở tỉnh Bắc Ninh đưa con em đi xét nghiệm sán lợn. Ảnh: CTV.
Phụ huynh học sinh đã cùng đơn vị giao hàng lập “Phiếu nhận xét đánh giá” xác định số thực phẩm bị ôi thiu. Ngay sau đó, số thực phẩm này đã được đổi bằng thực phẩm mới. Đại diện Công ty CP Sản xuất và Thương mại An Việt thừa nhận có sự việc trên, xin lỗi và hứa sẽ không tái diễn.
Không chỉ có thực phẩm bẩn xâm nhập vào trường học, đã có nhiều phụ huynh học sinh còn phản ánh, ghi hình lại các suất ăn cho trẻ bị bớt xén như vụ việc tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; vụ việc tại Trường Tiểu học An Dương, TP Hải Phòng…
Lo lắng trước tình trạng trên, một số phụ huynh học sinh đã tự nấu cơm, thức ăn, bỏ vào cặp lồng cho con mang đi học.
Trở lại vụ phát hiện thịt gà ôi thiu tại Trường Tiểu học Chu Văn An, chúng tôi rất hoan nghênh việc phụ huynh học sinh kiểm tra và phát hiện thực phẩm bẩn, không để đưa vào bếp ăn của nhà trường.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đặt dấu hỏi: Liệu việc kiểm tra này có duy trì thường xuyên, hằng ngày được hay không? Và liệu ngoài phụ huynh học sinh tại Trường Tiểu học Chu Văn An, các phụ huynh học sinh ở các trường khác có tiếp cận được với bếp ăn, bữa ăn của các em hay không? Bởi, đằng sau cánh cổng trường học khép lại, không phải phụ huynh học sinh nào cũng được vào để trực tiếp kiểm tra nguồn thực phẩm, chất lượng bữa ăn của con em mình!
Nêu vấn đề trên, bởi thực tế, còn có ban phụ huynh học sinh được “bầu” ra một cách hình thức, chỉ để biến thành “ê kíp”, hoặc “công cụ” cho nhà trường và cô giáo chủ nhiệm trong việc thu các quỹ, các khoản chi phí ngoài qui định lấp sau cụm từ “tự nguyện”. Họ không dám đấu tranh, giám sát, phản ánh những việc làm không đúng của cô giáo và nhà trường, vì sợ ảnh hưởng đến con em mình.
Bởi vậy, việc phụ huynh học sinh tham gia kiểm tra nguồn thực phẩm cung cấp cho con em họ; hoặc giám sát khẩu phần ăn hàng ngày của các con là việc làm thiết thực, nên làm để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe cho con mình. Việc này cần có qui định bắt buộc đối với các ban phụ huynh học sinh trong các trường mầm non, tiểu học.
Hiện nay, có một hình thức “đối phó” trách nhiệm của một số nhà trường; đó là, không duy trì bếp ăn tại trường mà mua suất ăn của các doanh nghiệp, đưa vào phục vụ bữa ăn cho học sinh. Nếu có xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc bị soi xét về chất lượng bữa ăn thì do doanh nghiệp chịu trách nhiệm, Ban giám hiệu “vô can”.
Với phương thức này thì phụ huynh học sinh không thể kiểm tra nguồn thực phẩm cho con em mình có đảm bảo chất lượng hay không, mà chỉ kiểm tra qua các giấy tờ chứng nhận. Nếu thực phẩm bẩn, ôi thiu được tẩm ướp phụ gia, chế biến thì rất khó phát hiện.
Qua vụ một doanh nghiệp ở Bắc Ninh cung cấp thực phẩm cho hơn 20 trường mầm non, tiểu học đã đặt ra dấu hỏi, phải chăng, có sự “bao thầu”, chỉ định của cấp trên đối với nguồn cung ứng thực phẩm trong các nhà trường? Nếu điều đó xảy ra, thì một doanh nghiệp gần như độc quyền phân phối vì lợi nhuận sẽ khó tránh khỏi làm ăn thiếu trung thực, khuất tất vì đã có “ô dù” che chở…?
Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển lành mạnh về thể chất cho con em chúng ta, chúng tôi đề nghị ngành giáo dục:
Thứ nhất, cần có qui định bắt buộc, thành lập một tổ kiểm tra, thành phần gồm đại diện phụ huynh học sinh, y tế phường, các hội đoàn thể ở địa phương cùng tham gia, thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất nguồn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, chất lượng bữa ăn. Nên chăng, cũng cần có qui định bắt buộc giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp, ban giám hiệu nhà trường ăn chung bữa ăn cùng với các em để có điều kiện giám sát, kiểm chứng chất lượng bữa ăn.
Thứ hai, các nhà trường hiện nay đều sử dụng “Sổ liên lạc điện tử” để thông báo tình hình học tập, điểm số của các em; tại sao không sử dụng kênh thông tin này để thông báo thực đơn ăn hàng ngày của trẻ đến phụ huynh học sinh, để cha mẹ biết được con em mình đã ăn những gì, đối chiếu giữa tin nhắn với việc hỏi trực tiếp các con sẽ phần nào giảm bớt được tiêu cực.
Thứ ba, cần mở cửa nhà trường, khuyến khích phụ huynh học sinh vào xem xét, kiểm tra bữa ăn của các con. Đối với học sinh bán trú, có thể không ăn bán trú tại trường, hoặc có thể tự mang khẩu phần ăn trưa đến lớp.
Thứ tư, cần xử lý kỷ luật nghiêm đối với tập thể ban giám hiệu và hiệu trưởng nếu để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc có dấu hiệu bớt xén khẩu phần ăn của các em, cho dù, nhà trường có tự tổ chức nấu ăn hay mua suất ăn bên ngoài, nếu để xảy ra sai phạm thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm chính, không thể đổ trách nhiệm hoàn toàn cho đơn vị cung cấp thực phẩm, suất ăn mà nhà trường lại “vô can” được.
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…
Sáng 20/12, thông tin từ Công an huyện Thủy Nguyên, trên địa bàn huyện vừa…
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 20/12, thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Sở…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More