Print Thứ Sáu, 18/11/2022 10:35 Gốc

Ngày 18.11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Hướng dẫn mô hình điểm “Chăm lo bảo vệ quyền cho người lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”.

Tham gia Hội thảo có đại diện các Công ngành Trung ương, Liên đoàn Lao động một số địa phương.

Để chuẩn bị cho việc lấy ý kiến vào dự thảo cũng như xây dựng mô hình điểm, Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức khảo sát tại Đắk Lắk, Long An và Hải Phòng.

Theo đó, có một số kinh nghiệm được ghi nhận như thời điểm tổ chức đối thoại; khi tiến hành đối thoại công đoàn cơ sở nên đưa nội dung “tái ký kết hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi khi hợp đồng lao động hết hạn” vào nội dung đối thoại để đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ và trẻ em; công đoàn phải thực hiện tốt công tác giám sát…

Bà Đỗ Hồng Vân, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quyền trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn chủ trì Hội thảo. Ảnh: Linh Nguyên.

Theo Dự thảo Hướng dẫn nêu rõ: Đối thoại tại nơi làm việc được coi như “chìa khóa” giải quyết các vấn đề trong quan hệ lao động, làm tăng mức độ hài lòng trong công việc, góp phần xây dựng môi trường lao động ổn định, ngăn ngừa tranh chấp lao động, đình công, đồng thời cũng góp phần giúp cho tổ chức công đoàn làm tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ.

Dự thảo Hướng dẫn cũng có những nội dung cụ thể về thời điểm, nội dung của đối thoại tại nơi làm việc; các yêu cầu và quy trình đối thoại; các bước tiến hành xây dựng mô hình điểm; giám sát thực hiện, tổng kết rút kinh nghiệm. Đối với các bước tiến hành xây dựng mô hình điểm có lựa chọn đơn vị triển khai và làm việc với Công đoàn cơ sở, xác định mục tiêu cần đạt được, triển khai các quy trình đối thoại tại nơi làm việc.

Từ thực tế của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An chia sẻ tỉ lệ nữ lao động trên toàn tỉnh chiếm 60% lực lượng lao động. Để khắc phục các hạn chế khó khăn trong công tác đối thoại, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công đoàn các cấp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó tập trung hỗ trợ cho công đoàn cấp cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở về một số nội dung, như chỉ đạo chủ tịch công đoàn cơ sở chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại nơi làm việc theo định kỳ tuy nhiên phải linh hoạt về mặt thời điểm tổ chức để thuận lợi hài hòa lợi ích giữa hai bên chứ không nhất định phải tổ chức vào quý I, quý II.

Bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An trao đổi kinh nghiệm và góp ý nội dung của Dự thảo Hướng dẫn. Ảnh: Quang Hùng.

Bà Phạm Thu Thưởng, Phó trưởng ban Tuyên giáo-Nữ công Liên đoàn Lao động Hải Phòng cho biết Liên đoàn Lao động Hải Phòng hướng dẫn tổ chức đối thoại với 3 bước: Chuẩn bị đối thoại, đối thoại và sau đối thoại thì làm gì. Khi hướng dẫn cho cơ sở, Liên đoàn Lao động Thành phố nhấn mạnh vào nguyên tắc 5W và 1 H với các nội dung như vấn đề thương lượng là gì, thương lượng vào thời điểm nào, tại sao phải thương lượng vấn đề đó, thực hiện như thế nào…

Bà Đỗ Hồng Vân, Uỷ viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quyền Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Sau khi hoàn thiện, Hướng dẫn mô hình điểm “Chăm lo bảo vệ quyền cho người lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc” sẽ được phát hành và phổ biến rộng rãi trong hệ thống công đoàn để các cấp Công đoàn, đặc biệt là hệ thống Ban Nữ công quần chúng Công đoàn các cấp có thể nghiên cứu, áp dụng, triển khai hiệu quả công tác chăm lo, bảo vệ quyền cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc.

LINH NGUYÊN

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phải tái ký khi hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai hết hạn
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác