Print Thứ Hai, 23/09/2019 11:35

Cơ hội, thách thức của tổ chức Công đoàn (CĐ) trong giai đoạn hiện nay, giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ) khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn… là những vấn đề được CĐ của 21 khu công nghiệp, khu kinh tế các tỉnh, thành phố phía Bắc đưa ra thảo luận tại Hội thảo “Giải pháp đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn” diễn ra tại Hải Phòng, sáng 21.9.

Phát huy vai trò tổ chức đại diện

Tại hội thảo, các đại biểu thẳng thắn trao đổi về những thuận lợi, khó khăn khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó, các đại biểu chỉ ra những thách thức khi tổ chức CĐ không còn là tổ chức duy nhất đại diện cho NLĐ, quan hệ lao động ngày càng phức tạp, nguồn lực bảo đảm hoạt động CĐ bị ảnh hưởng…

Trước tình hình đó, đại diện CĐ các KCN tỉnh Bắc Ninh cho rằng, giải pháp cốt lõi là nâng cao chất lượng hoạt động CĐ sao cho mỗi chủ trương, chính sách của CĐ đều phù hợp thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu NLĐ trên tinh thần “không có gì dành cho NLĐ nếu thiếu sự tham gia của NLĐ”.

Công tác tuyên truyền, vận động, thu hút NLĐ là giải pháp được nhiều đại biểu đề cập. Anh Hoàng Quốc Thái – CĐ Khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên – cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các cấp CĐ xây dựng cơ chế thông tin 2 chiều giữa CĐ cấp trên với công đoàn cơ sở (CĐCS), CĐCS với NLĐ. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời, đáp ứng mong mỏi của NLĐ, củng cố niềm tin của tổ chức CĐ với NLĐ.

Ngoài những giải pháp đó, từ góc nhìn CĐCS, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH S-Mac Vina (tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Nhân Mạnh cho hay, việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ đóng vai trò quan trọng. “Cán bộ CĐ không chỉ cần trình độ, kỹ năng nghiệp vụ mà phải có bản lĩnh, tâm huyết, gắn bó, sâu sát với cơ sở. Đồng thời, cán bộ CĐ phải nắm bắt tình hình quan hệ lao động để luôn là người đi trước, đáp ứng mong mỏi “ở đâu có NLĐ, ở đó có CĐ” – Chủ tịch Công đoàn Công ty S-Mac nhấn mạnh.

Chủ động trước biến động trong quan hệ lao động

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh, biến động của nền kinh tế thị trường tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định trong quan hệ lao động. Trong đó, việc doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn diễn ra ngày càng nhiều, kéo theo quyền lợi NLĐ bị ảnh hưởng…

Đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Bắc Giang cho biết, cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong khi còn nợ lương, nợ BHXH của NLĐ. Mặc dù LĐLĐ tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành bàn giải pháp giải quyết như khởi kiện, làm thủ tục phá sản doanh nghiệp… song đến nay, chế độ BHXH của NLĐ chưa được giải quyết.

Mới đây, Hải Phòng xảy ra vụ việc tương tự khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn trong khi nợ lương tháng 7, 8.2019 và nợ BHXH từ tháng 5.2019 của NLĐ. Với sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của thành phố, đến nay, chế độ BHXH tiền lương tháng 7.2019 được giải quyết. Từ vụ việc trên, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hải Phòng Hoàng Đình Long nói rằng: “Bài học kinh nghiệm là CĐCS cần nắm bắt tình hình doanh nghiệp, nhất là việc doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, nợ đọng BHXH. Các cấp CĐ thành phố rà soát doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài về tình hình chấp hành pháp luật lao động, tình hình sản xuất kinh doanh. Từ đó, có dự báo, định hướng kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ”.

MAI DUNG Theo Báo Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phải nắm rõ tình hình doanh nghiệp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác