Print Thứ bảy, 14/09/2019 07:35

Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng với các khoản phí đầu năm. Ngoài những khoản thu trong danh mục có hóa đơn trả về, họ vẫn đóng những khoản ngoài lề trên tinh thần tự nguyện. Phải chăng đã đến lúc cần có quy định công khai khoản thu đầu năm tại các trường học.

Nên công khai khoản thu trong cuộc họp phụ huynh đầu năm? Ảnh minh họa

Mới đây, để chấn chỉnh việc lạm thu đầu năm, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã gửi văn bản đến các trường từ mầm non đến trung học phổ thông định hướng một số nội dung trọng tâm trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2019-2020. Trong đó, đặc biệt lưu ý trong cuộc họp phụ huynh, các trường phải thông báo đầy đủ các khoản thu, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh, nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, theo thỏa thuận, khoản thu hộ – chi hộ. Tuyệt đối không giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính theo quy định.

Với cách làm này, nhiều phụ huynh Hà Nội cho rằng, đây là giải pháp có thể ngăn chặn tối đa việc lạm thu đầu năm tại các trường. Bởi hiện nay, tình trạng thu các khoản phí ngoài quy định bằng cách nộp về cho giáo viên với danh nghĩa đóng góp tự nguyện phổ biến ở rất nhiều cấp học và cơ sở giáo dục.

Điển hình gần đây có phụ huynh lớp 5 tuổi trường mầm non Hồng Thái (huyện An Dương, Hải Phòng) đã bức xúc thông tin với báo chí với rất nhiều khoản thu đầu năm bất hợp lý của trường này.

Các khoản đóng góp đầu năm của học sinh lớp 5 tuổi tại trường do phụ huynh chụp lại.

Theo danh sách thu trên, phụ huynh cho rằng, ngoài các khoản thu được thông báo như tiền ăn, điện nước, chất đốt, đồ dùng vệ sinh, quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh là những khoản phụ huynh hàng năm vẫn phải đóng. Các khoản còn lại như đồ dùng ăn ngủ (400.000 đồng/cháu/năm); Tiền xã hội hóa (400.000 đồng/năm); Tiền lắp điều hòa (600.000 đồng/cháu); Thu bù chi lương (120.000 đồng/cháu/tháng); Tiền trông trưa (150.000 đồng/tháng) và tiền đồ dùng học tập (50.000 đồng/tháng) là những khoản trường mới đề ra để thỏa thuận với phụ huynh đóng góp.

Với những khoản thu trên, phụ huynh thấy quá cao, dặc biệt đối với những phụ huynh làm công nhân và gia đình có 2-3 con đi học đây thực sự là một gánh nặng. Theo đó, có nhiều phụ huynh ý kiến về các khoản thu này nhưng sau khi khai giảng năm học mới vào mồng 5/9/2019, nhiều phụ huynh đưa con tới trường và đều đã nộp các khoản thu cho giáo viên nhà trường. Bởi họ lo lắng, nếu phản ánh lo ngại liên lụy đến con.

Tuy nhiên, khi trả lời về vấn đề này, Hiệu trưởng trường mầm non Hồng Thái cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã lập dự kiến kế hoạch thu chi và báo cáo Ủy ban nhân dân xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương để xin phê duyệt.

Phản hồi về việc hiệu trưởng trường mầm non Hồng Thái trả lời báo chí, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương lại khẳng định, đến nay phòng chưa duyệt kế hoạch thu của bất cứ một trường nào.

Để làm rõ hơn việc tự tung tự tác lạm thu các khoản đầu năm tại các trường, phóng viên trao đổi với chị Thanh Nga (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có con 5 tuổi học tại địa bàn, cho biết: “Tôi có con mới học mầm non nhưng khoản thu quỹ lớp, quỹ trường khá cao. Mỗi năm cả 2 khoản đó không dưới 1 triệu/ năm. Có năm, đến giữa kỳ phải đóng thêm quỹ lớp với nhiều lý do khác nhau. Những khoản này, hầu hết đều được các giáo viên chủ nhiệm phổ biến đầu năm và không có văn bản. Đến hạn thu thì đóng trực tiếp cho cô giáo, hoàn toàn không có biên lai trả về như các khoản đóng trực tiếp cho kế toán của trường. Cuối năm có hoạch toán thu, chi nhưng cũng bằng miệng, không có văn bản cụ thể”.

Theo đó, chị Nga cho biết, chị không phản đối việc đóng các khoản quỹ. Tuy nhiên, nếu không có sự giám sát, số tiền sẽ tự ý được các trường điều chỉnh lên với những con số không kiểm soát là có thể. Và việc đó là lạm thu.

Ngoài ra, chị cũng cho biết thêm, ngoài các khoản quỹ lớp, quỹ trường, tiền vệ sinh trường thì còn có các khoản thu theo hình thức tự nguyện. Đó là các khoản đóng tiền mua ghế đá, cây cảnh tặng cho trường… Tất cả các khoản trên, đều được thu theo hình thức tự nguyện, nộp trực tiếp cho giáo viên chủ nhiệm.

Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên đã tìm hiểu thêm ở các nhóm phụ huynh cho con ôn thi tiếng Anh, các môn năng khiếu, văn, vẽ, ôn thi cuối cấp tại các nhóm trên mạng xã hội cũng nhận được phản hồi tương tự ở một số trường trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, ở hầu hết các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông đều có tình trạng lạm thu với nhiều khoản khác nhau.

Tuy nhiên, hình thức các trường thu các khoản ngoài quy định là đều cho giáo viên chủ nhiệm thu dưới dạng: Mỗi lớp sẽ lập một danh sách ủng hộ với từng nội dung thu. Ai nộp sẽ ký tên và đóng tiền cho cô giáo. Bản thu tiền đó chỉ có duy nhất một bản và nhà trường là người giữ bản thu này. Các khoản thu theo hình thức này chủ yếu là nội dung thu quỹ lớp, quỹ trường, ủng hộ hoạt động ngoại khóa…

Đối với các khoản thu quỹ lớp, quỹ trường, hầu hết là đều đóng cả năm hoặc theo từng kỳ. Đa số các mức thu đều không dưới 500.000 đồng/ học sinh/ kỳ. Càng ở cấp lớn, mức đóng quỹ lớp càng lớn. Với những khoản thu này, nhiều phụ huynh cho rằng, biết là không có biên lai là nằm ngoài các khoản thu theo quy định của Bộ giáo dục.

Tuy nhiên, phụ huynh đều có tâm lý “chấp nhận” và “chiều lòng giáo viên” vì đó đều là tiền phục vụ cho các hoạt động của con ở lớp. Mặc dù, mức thu quỹ hàng năm có điều chỉnh lên liên tục nhưng đối với họ, việc đóng các loại quỹ đã là trở thành thông lệ hàng năm nên dù có biết trái quy định nhưng “phép vua thua lệ làng”, họ vẫn phải theo.

Nhiều phụ huynh cho rằng, với hình thức cho giáo viên thu tiền như trên thì dù có giám sát các khoản thu theo quy định của Bộ cũng rất khó kiểm soát các trường. Bởi các khoản quỹ như trên không hề có biên bản thông báo cho phụ huynh, đơn thuần chỉ là thỏa thuận bằng miệng đầu năm giữa nhà trường và phụ huynh thì dù có biết là sai trái cũng khó có cơ sở để phản ánh việc lạm thu này.

Phải chăng, đã đến lúc ngành giáo dục nên xem xét vấn đề này bằng việc ra quy định rõ ràng về việc công khai thu các khoản đầu năm đối với tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước. Mọi khoản thu phải được công khai bằng văn bản gửi đến các phụ huynh như sở GD&ĐT TP.HCM đã làm.

Ngoài việc công khai, để đảm bảo triệt để tình trạng lạm thu đầu năm không còn tái diễn  Bộ cần có quy chế giám sát nhằm giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh vào đầu năm học.

Lương Minh.  Nguồn: Công luận

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phải công khai khoản thu trong cuộc họp phụ huynh đầu năm?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác