Print Thứ Sáu, 08/09/2023 15:20 Gốc

Theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT), chỉ các mạng xã hội có giấy phép hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TTTT mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream).

Chia sẻ tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định thay thế sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng diễn ra ngày 8.9, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TTTT cho biết, tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TTTT đề xuất bổ sung quy định về quản lý livestream.

Bà Huyền cho biết, hiện nay, trên các mạng xã hội trong nước và mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam xuất hiện tính năng “livestream” là tính năng cho phép tài khoản mạng xã hội truyền tải trực tuyến video theo thời gian thực.

Thực tế cho thấy, đây là hình thức thông tin tác động, ảnh hưởng nhanh tới xã hội, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung quy định để quản lý tính năng này.

Cụ thể, chỉ các mạng xã hội có giấy phép mạng xã hội (tổ chức, doanh nghiệp trong nước) hoặc có thông báo hoạt động với Bộ TTTT (với tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tại Việt Nam) mới được cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). Các hoạt động chuyên ngành cung cấp dưới hình thức livestream phải tuân thủ quy định về pháp luật chuyên ngành.

Cũng tại dự thảo nghị định sửa đổi, Bộ TTTT đề xuất bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật.

Bởi qua thực tế công tác quản lý nhà nước, cơ quan soạn thảo nhận thấy cần phải bổ sung thêm biện pháp xử lý nhanh với những cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ internet để cung cấp nội dung chống phá Đảng và Nhà nước trên môi trường mạng, nhất là sử dụng dịch vụ livestream trên các mạng xã hội.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ngừng hoặc tạm ngừng cung cấp dịch vụ Internet đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Internet để cung cấp nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, theo yêu cầu của Bộ TTTT.

Nhiều người livestream bán hàng trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho rằng, khả năng truy cập là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, việc chặn nội dung mà không có hướng dẫn rõ ràng, không xét đến bản chất toàn cầu của Internet sẽ có nguy cơ cô lập Việt Nam khỏi xu hướng Internet mở toàn cầu.

Các yêu cầu tạm khoá và khoá vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung, chặn và gỡ bỏ ứng dụng là quá nhiều và không khả thi về mặt vận hành“, ông Thành nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đề xuất quy trình chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật theo báo cáo của người dùng theo các bước. Theo đó, sau khi người dùng thông báo nội dung vi phạm sẽ chặn quyền truy cập đến nội dung vi phạm. Tiếp đó, sẽ thông báo đến người dùng có nội dung bị báo cáo vi phạm pháp luật. Trong thời gian này, người đăng tải nội dung bị báo cáo thực hiện quyền phản đối. Cuối cùng, khôi phục quyền truy cập hoặc tiếp tục chặn quyền truy cập khi bắt đầu quá trình kiện tại tòa.

Theo ông Đồng, quy định về người dùng thông báo nội dung vi phạm cần đảm bảo nhà cung cấp dịch vụ cho phép người dùng báo cáo vi phạm bằng hình thức trực tuyến. Người dùng phải giải thích rõ ràng lý do cho rằng nội dung báo cáo là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, người dùng cung cấp đường link dẫn đến nội dung được cho là vi phạm. Người dùng cung cấp thông tin liên hệ của người gửi báo cáo vi phạm. Người dùng tuyên bố về xác nhận gửi báo cáo nội dung vi phạm và được cảnh báo về việc lạm dụng quyền báo cáo có thể dẫn đến chịu trách nhiệm pháp lý.

Khánh An

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Phải có giấy phép mạng xã hội mới được cung cấp dịch vụ livestream
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác