Y tế

Phác đồ điều trị bệnh nCoV của Việt Nam tiệm cận thế giới

Tính đến ngày 7.2.2020, Việt Nam đã điều trị thành công cho 3 ca dương tính với chủng mới của virus corona (nCoV).

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam đang đi đúng hướng trong công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh này. Những ca bệnh điều trị thành công ở Việt Nam là 1 tín hiệu khả quan, để người dân không quá hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh.

Sau 10 ngày cách ly điều trị viêm đường hô cấp cấp do vi rút nCoV, ngày 3/2, nữ bệnh nhân Nguyễn Thị Trang đã được bệnh viện đa khoa Thanh Hóa cho xuất viện. Bệnh nhân được đánh giá đã phục hồi, các chỉ số xét nghiệm hóa sinh đều bình thường. Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân này có nhiều yếu tố thuận lợi, bệnh nhân trẻ tuổi, sức khỏe trước đó tốt, lại không có bệnh mãn tính nên đáp ứng tốt với điều trị và khỏi bệnh.

Bệnh nhân thứ 2 được điều trị khỏi virus nCoV tại Việt Nam là anh Li ZiChao, người Trung Quốc. Để điều trị cho bệnh nhân 28 tuổi này, các bác sĩ chỉ điều trị triệu chứng. Đồng thời, phòng cách ly được mở rộng cửa để thoáng khí, có ánh áng mặt trời. Sau 3 ca nhiễm virus corona được điều trị khỏi, cho xuất viện, Bộ Y tế tiếp tục có văn bản chỉ đạo các bệnh viện gửi bệnh án để cập nhật, củng cố phác đồ điều trị. Đến ngày 8/2, Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn 700 đầu cầu cơ sở y tế (tới tận tuyến huyện) về phác đồ điều trị với phương châm 4 tại chỗ.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, điều trị bệnh nhân nhiễm virus nCoV không có thuốc đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Tùy sức khỏe của từng người bệnh có thể áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ khác nhau. Người bệnh được xuất viện khi hết sốt ít nhất 3 ngày, toàn trạng tốt và các xét nghiệm về bình thường. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long các bệnh nhân dương tính với virus nCoV ở Việt Nam được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế, tiệm cận với các phác đồ của thế giới.

Theo các chuyên gia y tế, người bị nhiễm được điều trị khỏi sẽ có miễn dịch, không bị tái nhiễm nhưng thời gian miễn dịch có hiệu quả thì chưa xác định được, có thể vào khoảng 2 năm. Hiện các bệnh nhân Việt Nam dương tính với virus nCoV sức khỏe tiến triển tốt. 57 trường hợp nghi nhiễm nCoV có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch đang tiếp tục cách ly theo dõi chặt chẽ để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Ngoài ra, có 349 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm virus nCoV. Theo quy định, người bệnh dương tính với virus nCoV là bệnh truyền nhiễm nhóm A, sẽ được điều trị miễn phí.

Theo thông tin mới nhất, đến nay đã có 565 trường hợp tử vong do dịch bệnh này, trong khi các ca nhiễm mới cũng tăng lên hơn 28.335 người.

Tại Trung Quốc, tính tới chiều 6/2, số ca nhiễm đã lên tới 28.076 ca, với 3.700 ca nhiễm mới. Dù vậy cũng đã có tổng cộng 1.153 bệnh nhân bình phục và được xuất viện.

Trong khi đó, Bộ Y tế Nhật Bản sáng nay xác nhận 10 du khách đầu tiên trên tàu du lịch Diamond Princess, gồm 4 người Nhật Bản, 2 người Mỹ, 2 người Canada, 2 người New Zealand và 1 người Đài Loan (Trung Quốc), đã có kết quả dương tính với nCoV. Như vậy, đến nay Nhật Bản đã trở thành nước có số ca nhiễm nCoV nhiều nhất ngoài Trung Quốc với 45 ca.

Tàu Diamond Princess chở 3.700 hành khách (đến từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ) vốn được cách ly từ ngày 3/2 sau khi 1 cụ ông 80 tuổi được phát hiện dương tính với nCoV. Hiện khoảng 270 hành khách có tiếp xúc với cụ ông này đang được xét nghiệm virus.

Cũng trong ngày 6/2, Singapore đã nâng mức cảnh báo về tình trạng dịch nCoV lên màu vàng, và có thể tiếp tục nâng lên mức cam nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng từ các nguồn không rõ ràng.

Các nước tăng cường nỗ lực đối phó dịch bệnh

Các nước đang tiếp tục tăng cường các nỗ lực nhằm đối phó dịch bệnh. Trung Quốc cho biết sẽ triển khai 1 loạt biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp các nguồn lực y tế chủ chốt và nhu yếu phẩm hàng ngày cho công tác phòng, chống dịch.

Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang vận động quyên góp 675 triệu USD cho kế hoạch phòng chống dịch bệnh do nCoV gây ra, chủ yếu thông qua đầu tư vào các quốc gia bị xem là đặc biệt “có nguy cơ”. Quỹ từ thiện do tỷ phú Bill Gates và vợ đồng sáng lập cũng vừa cam kết sẽ tài trợ 100 triệu USD, phân bổ cho các tổ chức trên khắp thế giới.

Trong khi đó, Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) ngày 5/2 cho biết nước này đã phân tách thành công chủng mới của virus corona (2019-nCoV) từ 1 bệnh nhân trong nước.

Căn cứ thông tin di truyền của virus mà các nước đã công bố, virus được cô lập lần này có trình tự di truyền tương đồng (99,5-99,9%) với virus được phân tách tại Trung Quốc, Pháp, Singapore, Đức và không phát hiện biến dị, có thể dẫn tới sự lây nhiễm hay độc tính cao hơn. Thành công này mở ra hy vọng sẽ nghiên cứu được vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị.

BT

Nguồn tin: Báo CAND

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More