Ông Vũ Đức Đam: Chống COVID-19 như ‘dập đống lửa, không để âm ỉ’

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định đến giờ phút này Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam xác định phương châm chống dịch phải ngăn chặn triệt để như “dập đống lửa để không còn gì âm ỉ.”

Ngày 25/2 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch COVID-19” với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tại hơn 700 điểm cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ Y tế, chủ trì hội nghị.

Ngăn chặn và dập dịch triệt để

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định chúng ta đã rất chủ động và thực hiện các công việc cần thiết từ rất sớm.

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Báo chí chủ yếu phản ánh nhiều hoạt động từ sau Tết Nguyên đán, nhưng cá nhân tôi đã trực tiếp cùng các anh em Bộ Y tế và các ngành chức năng thực sự bắt đầu việc chống dịch từ giữa tháng 12. Và thực sự năm nay không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều đồng chí đang tham dự cuộc họp này không có Tết ông Công ông Táo, không có Tết Nguyên đán.

Thậm chí vài tuần sau Tết cá nhân tôi vẫn không nhớ ngày Dương lịch vì chỉ nhớ mốc Âm lịch, trong đó có mốc ngay sau giao thừa (từ 0 giờ ngày 25/1/2020) chúng ta thực hiện khai báo y tế bắt buộc. Và Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện điều này. Chúng ta đã thực hiện mức cao hơn cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới và điều này đã được Tổ chức Y tế Thế giới thừa nhận là hết sức đúng đắn”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng khẳng định đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh.

Chúng ta luôn tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu xảy ra. Việt Nam đã tính đến kịch bản 5 bước, trong đó bước thứ 4 có thể ứng phó tốt khi có 3.000 bệnh nhân. Với những kinh nghiệm đã có trong chống dịch SARS, MERS-CoV, cúm H1N1… trước đây, Việt Nam xác định phương châm là phải ngăn chặn triệt để, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng thật gọn và dập dịch triệt để, như ‘dập đống lửa, để không còn gì âm ỉ’“, Phó Thủ tướng nói.

Các y bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp 2 thăm khám cho những người đến và trở về thành phố Hải Phòng từ vùng của những nước có nguy cơ lây nhiễm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xác định chống dịch trong thời đại thông tin, điều đầu tiên phải dùng thông tin để minh bạch tất cả. Đặc biệt cả trên mạng xã hội, chúng ta phải minh bạch mới cảnh báo cho nhân dân được nguy cơ và tham gia chống dịch. Chống dịch không chỉ của ngành y tế, của các lực lượng và từng người dân phải tham gia.

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù là quốc gia có biên giới, đất liền với Trung Quốc, giao lưu, qua lại làm ăn, du lịch rất đông, là nước trong nhóm nguy cơ cao nhất về lây nhiễm, nhưng đến giờ phút này Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, chỉ có 16 ca dương tính và đã chữa trị thành công cho 16/16 trường hợp, trong đó có hai người có bệnh lý bệnh nền.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta có bài học, trong đó có bài học điều trị ngay ở tuyến dưới, bằng công nghệ hỗ trợ chứ không tập trung vào nguồn lực, Việt Nam có cách đi riêng của mình. Cuộc chống dịch này như một cuộc chiến, đến giờ phút này chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn, nhưng chưa thắng cả cuộc chiến. Dịch còn diễn biến rất khó lường, nhưng chúng ta có niềm tin, kiên quyết bám sát các chỉ đạo, không được phút nào lơi lỏng.” Đặc biệt, các cấp chính quyền không được lơi lỏng, nhưng không quá lo lắng, cũng không cẩn thận quá mức cần thiết.

Tuy nhiên, trong thời điểm này, ở nơi công cộng, bước vào phương tiện công cộng mỗi người phải có biện pháp dự phòng cho mình, đeo khẩu trang và không nhất thiết phải khẩu trang y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng khẳng định trong thời gian tới, các biện pháp cần tiếp tục triển khai là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, trước đây là Trung Quốc, giờ là 2 địa phương của Hàn Quốc, tới đây có vùng nào khác thì ta vẫn thực hiện phương châm như trên. Chúng ta mềm dẻo và kiên quyết trong việc cách ly vì đây là biện pháp tốt nhất; thực hiện cách ly phải đảm bảo an toàn, không được để lây nhiễm trong khu cách ly, trong bệnh viện…

Tri ân những chiến sỹ áo trắng

Trước khi kết luận hội nghị, nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tất cả đại biểu có mặt tại hội nghị ở điểm cầu Bộ Y tế đứng dậy dành một phút im lặng để cùng nhau tri ân các thế hệ thầy thuốc đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó có những y, bác sỹ đã hy sinh trong dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta tấm gương và rất nhiều bài học đến ngày hôm nay.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Hôm nay, sát ngày 27/2, lẽ ra vào dịp này, tại hội trường này sẽ là lễ kỷ niệm, sẽ có rất nhiều hoa chúc mừng, rất nhiều bằng khen, thậm chí là huân, huy chương cho các tập thể, cá nhân ngành y. Thế nhưng năm nay, do đặc thù chống dịch COVID-19, sát ngày 27/2, chúng ta tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm, hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc kết hợp với công tác chống dịch. Ngày 27/2, không có hoa, không có cờ, nhưng chúng ta vẫn phải nhớ ơn các thầy thuốc.

Những người thầy thuốc giờ phút này vẫn đang ngày đêm vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người đang giành giật sự sống từ tay tử thần về cho các bệnh nhân. Những cán bộ y tế thôn, bản không chỉ khám chữa bệnh, mang thuốc đến cho người dân, mà còn mang tri thức, mang tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền” đến mọi ngõ ngách.

Thay vì những bó hoa và những lời cảm ơn, hãy dành một tràng vỗ tay thật dài cho tất cả các thầy thuốc, các chiến sỹ biên phòng, các công an cửa khẩu, các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà báo và tất cả người dân đã cùng tham gia chống dịch COVID-19 với một tinh thần chống dịch như chống giặc và đạt được kết quả rất đáng mừng cho đến giờ phút này“, Phó Thủ tướng xúc động nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu ở hơn 700 điểm cầu đã nghe các tham luận về công tác dự phòng, điều trị bệnh, đảm bảo hậu cần phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các địa phương Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh tham luận về kinh nghiệm trong công tác chuyển người cách ly bệnh dịch COVID-19 xuống tuyến dưới, kinh nghiệm tổ chức cách ly tại xã Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; công tác vệ sinh, khử khuẩn tại các cơ sở đào tạo, trường học, chuẩn bị đủ điều kiện phục vụ giáo viên, học sinh, công tác cách ly tại sân bay và khách du lịch./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: VietnamPlus

Tin khác

Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng: Khẳng định vị thế tiên phong trong đổi mới và ứng dụng công nghệ y tế

Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…

10/01/2025

Chương trình hành động của Chính phủ xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…

10/01/2025

Hải Phòng sẵn sàng cho Chợ Tết công đoàn quy mô lớn năm 2025

Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị…

10/01/2025

Hải Phòng thông tin hội thi Vật dân tộc thời Mạc lần thứ 4

Chiều 10.1, Ban Tổ chức hội thi truyền thống Vật dân tộc thời Mạc lần…

10/01/2025

Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu tiếp xã giao Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Sáng 10/1, đồng chí Lê Tiến Châu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

10/01/2025

Tiếp nhận “Kiến nghị phản ánh về an ninh trật tự” trên ứng dụng VNeID

Thực hiện chỉ đạo của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an), hướng…

10/01/2025

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More