Ngày 8-3 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND về điều chỉnh giá một số loại đất 5 năm trên địa bàn 7 huyện và Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20-3-2019. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Thành-Chi Cục trưởng Chi cục quản lý đất đai-Sở Tài nguyên Môi trường xung quanh việc điều chỉnh giá đất trên.
Ông Phạm Quang Thành- Chi Cục trưởng Chi cục quản lý đất đai (Sở Tài nguyên-Môi trường)
PV: Ông có thể cho biết sự cần thiết phải điều chỉnh giá một số loại đất tại 7 huyện trên địa bàn thành phố, thưa ông?
Ông Phạm Quang Thành:Trước hết, tôi xin được nói rõ hơn về Quyết định số 08, đó là điều chỉnh giá đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải đất thương mại dịch vụ tại đô thị và nông thôn. 7 huyện có một số loại đất điều chỉnh lần này là: An Dương, An Lão, Kiến Thuỵ, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Cát Hải và Thuỷ Nguyên.
Như các bạn đã biết, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định các trường hợp điều chỉnh bảng giá đất,khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên, thì cơ quan quản lý nhà nước phải tiến hành điều chỉnh.
Thời gian qua, việc chỉnh trang đô thị ngày càng khang trang hơn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đã được đầu tư nâng cấp tốt hơn là yếu tố tác động làm tăng giá đất, nhất là những địa điểm gần các trục đường mới, các khu đất đấu giá. Những tuyến đường trục chính ở khu vực thị trấn thuộc các huyện có giá trị thực rất cao so với bảng giá đất. Tuy nhiên, theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các chủ sử dụng đất thường thỏa thuận thấp hơn so với thị trường dẫn đến thất thu ngân sách.
Đơn cử, theo thông tin của một số văn phòng giao dịch bất động sản tại tuyến đường tỉnh lộ 359 khu vực thị trấn Núi Đèo trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên giá chuyển nhượng thực tế tăng so với bảng giá đất giao động trong khoảng từ 2,5 đến 4 lần. Tương tự, tại một số khu vực thuộc các huyện An Dương, An Lão, Tiên Lãng… cũng có tình trạng như vậy, do đó việc điều chỉnh giá một số loại đất tại các huyện trên là cần thiết, phù hợp thực tế.
Khu vực thị trấn Núi Đèo, huyện Thuỷ Nguyên được điều chỉnh giá phù hợp với thực tế
PV: Vậy ông có thể cho biết những điểm chính của việc điều chỉnh giá đất lần này, thưa ông?
Ông Phạm Quang Thành: Trên địa bàn 7 huyện nói trên có 1.229 đoạn, tuyến đường, trong đó có 1.127 đoạn đường điều chỉnh tăng giá và 76 đoạn đường không điều chỉnh giá, đồng thời căn cứ tình hình thực tế thành phố quyết định bổ sung 26 đoạn tuyến đường. Trong tổng số đoạn đường điều chỉnh tăng thì có 668 đoạn đường phố có mức tăng từ 0% < đến 50%; 236 đoạn đường phố có mức tăng: 51% < đến 100%; 223 đoạn đường phố có mức tăng trên 100%. Việc điều chỉnh tăng các đoạn, tuyến đường, phố do khu vực đầu tư nâng cấp công trình kết cấu hạ tầng đồng bộ, một số dự án đang được triển khai.
Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng, giá đất cụ thể để bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) tại xã Đông Hưng tăng cao nhất là 6,67 lần (từ 450.000 đồng lên 3.000.000 đ). Hay như dự án khu đô thị Bắc Sông Cấm và dự án tái định cư khu đô thị Bắc Sông Cấm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, giá đất cụ thể để bồi thường GPMB tại xã Tân Dương tăng cao nhất tương ứng hệ số là 4,44 lần (từ 1,8 triệu lên 8 triệu). Những dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các huyện nói riêng cũng như của thành phố Hải Phòng nói chung.
PV: Quyết định số 08 có hiệu lực thi hành từ ngày 20-3-2019, vậy những tình huống liên quan đến đất đai trước đó thì giải quyết thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Quang Thành: Quyết định số 08 cũng quy định rất rõ: Các trường hợp kê khai, thực hiện nghĩa vụ tài chính đã được cơ quan nhà nươc có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trước ngày 20-3-2019 thì tiếp tục thực hiện theo quy định về giá đất tại thời điểm nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và cơ quan liên quan chủ động giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định.
PV: Trân trọng cám ơn ông!
Kim Oanh thực hiện