Ông là Đàm Hường (65 tuổi), hội viên Hội Nhạc sĩ Hải Phòng, từng học tiếng Đức và làm phiên dịch tại Đức từ 1976 – 1980, sau năm 1989 thì về nước dạy tiếng Đức. Đàm Hường được nhận xét là người viết nhạc có hồn. Người ta còn thấy ông làm thơ, hát hoặc chơi kèn harmonica, là những đam mê từ thuở nhỏ.
Nhà Đàm Hường ở xã Lâm Động (huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), trong một khu vườn bên sông Cấm và chất nhiều cối đá, trục lăn lúa bằng đá, sân nhà cũng lát bằng những phiến đá xanh đã cũ. Gần nhà ông, một bãi cối đá, trục đá hàng ngàn chiếc được ông xếp tạm quanh một hồ nước của người quen.
Khoảng năm 1993, ở phường Đông Khê (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng), Đàm Hường bỗng thấy chiếc cối đá thủng trôn vứt bên đường nên quyết định mang về. Nhưng cối nặng quá, ông chờ đến đêm, đường vắng mới chở bằng xe Cub về ngôi nhà cũ ở cổng Trung tâm Ngoại ngữ Hải Phòng.
“Một hôm, có cậu học sinh vào hỏi, cái trống đá của thầy sao lại thủng thế này. Tôi bảo đây là cái cối giã gạo, rồi đập lúa, lâu ngày nên thủng, trong bụng thì nghĩ đất nước đổi mới ít năm mà lớp trẻ đã xa văn hóa truyền thống như này thì gay. Thế là tôi đi khắp nơi tìm cối đá, với ý định trưng bày cho mọi người xem”, nhạc sĩ nói.
Ông đi về các huyện của Hải Phòng như Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, sang cả Thái Bình, Hải Dương… để xin hoặc mua những chiếc cối đá đã hết sứ mệnh lịch sử, vần đến một chỗ, rồi thuê xe tải chở về vườn nhà ở xã Lâm Động, sau chuyển đến hồ nước kể trên.
Ở phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền, Hải Phòng), ông được tặng chiếc cối của một gia đình 8 thế hệ, nay không còn chỗ để trong nhà chuyển giao cho “người yêu cối đá”. Tới xã Bát Trang (huyện An Lão), ông gặp ông nông dân Trịnh Trường Hợp, năm nay 60 tuổi. Vì cũng có máu văn nghệ, ông Hợp đã “tiếp tay” cho Đàm Hường thu thập cối đá ở khu vực này, đồng thời ra luôn một tập thơ có tên Vui vì cối đá!
Sau gần 20 năm, Đàm Hường khuân về hàng ngàn cối đá, khoảng 500 trục đá và khoảng 300 chân cối đá cùng rất nhiều… đồ đá. Trong vườn nhà, Đàm Hường để 2 chiếc trục đá và nói đó là trục xeo giấy từ thời Pháp, mỗi chiếc dài khoảng 1,5 m, đường kính khoảng 1 m nặng hàng tấn.
Năm 2009, tại phường Đằng Lâm (quận Hải An, TP.Hải Phòng), Đàm Hường thấy 2 trục đá trên trong một khu vườn. Chưa hỏi mua, chủ vườn đã cho không vì không biết làm sao cho khỏi chật vườn. Đàm Hường liền bỏ 300.000 đồng thuê xe cẩu về tư gia. Cạnh cặp trục đá nặng hàng tấn là chiếc cột đá chỉ đường ghi 2 thứ tiếng Trung – Pháp, Đàm Hường nói ông bỗng nhiên thấy nó lăn lóc trên đường ở trung tâm TP.Hải Phòng và cũng thuê xe chở về để trọn niềm vui với đá.
Ngồi bên những cối đá, Đàm Hường bảo cối ở những vùng ven trung tâm TP.Hải Phòng thì đẹp hơn cối ở huyện Thủy Nguyên, cối Thủy Nguyên thì lại đẹp hơn ở các huyện xa hơn như An Lão, Vĩnh Bảo. Cối đẹp có dáng thon thả, vết đục đẽo tinh tế, mịn màng, cối xấu thì ngược lại. Ông phỏng đoán, ngày xưa dân cư nơi giàu thì mua cối đẹp, nơi nghèo mua cối xấu hơn. Đa số cối đá, trục lúa ở mà ông sưu tập là đá vôi màu xanh, nhưng một số lại làm bằng đá màu gan gà, rất lạ.
Hỏi ông đã mất bao nhiêu tiền bạc để “trở về thời kỳ đồ đá”, Đàm Hường chỉ cười: “Không nhớ được, chỉ biết cứ có tiền dạy tiếng Đức thì lại dành một phần để mua cối đá”.
Ông cho biết, gần đây muốn mua “bộ sưu tập” nặng nề này với giá 100 triệu đồng nhưng ông không bán. Đáng lo ngại khi kho đồ đá của ông đang có dấu hiệu thất thoát và chôn vùi khi chủ hồ nước kể trên phun cát làm dự án câu cá.
“Tôi muốn truyền số đồ đá này cho đời sau, bằng cách tặng cho đơn vị nào đó để họ tổ chức trưng bày một cách đàng hoàng, cho mọi người cùng xem và nhớ về cội nguồn dân tộc”, nhạc sĩ nói.
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More