Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:16

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm  Nuôi dưỡng và Bảo trợ xã hội Hải Phòng tâm sự: Hằng tuần, Trung tâm đều đón tiếp các nhà hảo tâm, nhất là các doanh nghiệp đến thăm hỏi, động viên và trao quà tặng những người già yếu, bị bệnh..lẫn. Dịp lễ tết, các doanh nghiệp đến nhiều hơn. Rồi ông kể, để làm việc ở Trung tâm này, nhất là những hộ lý, trong họ có trái tim nhân hậu, coi những người già có hoàn cảnh đặc biệt như người trong gia đình.

Mỗi người như bao người

Cuối tháng 3 vừa qua, trời bất ngờ chuyển lạnh, nhưng cũng như bao buổi sáng khác, 6 giờ sáng, chị Vũ Thanh Phượng giục giã hai cậu con trai (11 tuổi và 4 tuổi) nhanh chóng đến trường, để 7 giờ kịp có mặt ở Trung tâm  Nuôi dưỡng và Bảo trợ xã hội. Chị bắt tay ngay vào việc chăm sóc, làm vệ sinh cho các cụ già, nhất là những người già bị liệt, bị lẫn, tâm thần không ổn định, không tự chủ trong sinh hoạt, vệ sinh.

Chị Phượng tâm sự: Chị vào làm ở Trung tâm từ ngày còn thanh niên  (năm 2004, lúc đó 24 tuổi) chưa xây dựng gia đình riêng. Sau này lấy chồng, có con, nhưng do công việc, chồng thường xuyên đi làm xa. Tuy vậy, việc nhà, việc Trung tâm chị đều thu xếp vẹn tròn. Lo nhất là những ngày con, ốm đau phải đưa con đi khám bệnh, lúc đó chị em trong tổ hộ lý 8 người phải hỗ trợ nhau. Do vậy, sự đoàn kết, thương yêu nhau là số một, mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc hơn 80 người già.

Tôi hỏi: Việc chăm sóc người ốm đã khó, chăm sóc những người già, nhất là những người già “ ăn rồi bảo chưa ăn” em thấy sao?

Phượng cười, như nụ cười vẫn thường trực trên môi, Phượng ngắn gọn rằng:  “Em thấy như bố mẹ em ốm ở nhà”.

– Nhưng nhiều lúc họ vệ sinh không tự chủ, em phải dọn, phải tắm rửa lại cho họ trong điều kiện các em bị người già tấn công bất ngờ, em có thấy tủi thân với nghề nghiệp?- Tôi hỏi.

Vẫn ngắn gọn, vẫn nụ cười tươi, Phượng bảo: “Chúng em thấy thương các cụ nhiều hơn. Còn từ ngày đầu vào làm việc ở Trung tâm, không riêng gì em mà tất cả chúng em đã xác định rồi”

Tiếp tục cùng chung tay


Cán bộ, nhân viên chăm sóc người già neo đơn thuộc Trung tâm.

Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ xã hội Hải Phòng được thành lập năm 1960, có chức năng chăm nuôi những người già không còn sức lao động và không nơi nương tựa, nhiều người trong số đó là những người già đi lang thang được thành phố đưa vào Trung tâm để có điều kiện chăm sóc tốt hơn.

Ông Phạm Văn Kiên dẫn chúng tôi đi tham quan Trung tâm  Nuôi dưỡng và Bảo trợ xã hội Hải Phòng, rồi ông khoe: Trung tâm mới được lãnh đạo thành phố đầu tư xây mới hơn 10 gian nhà, nâng tổng số thành 3 dãy nhà (trong đó có 2 dãy nhà 2 tầng), mỗi phòng 3 người đều được trang bị ti vi, quạt, giường i-nốc sáng choang; dãy nhà ăn, phòng y tế, dãy phòng sinh hoạt tập thể, đồ tập thể dục, rồi vườn cây, công viên. Tất cả đều thoáng đãng, sạch sẽ.

Ông Kiên bảo: Hằng tuần, đều có các nhà hảo tâm, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đều đặn vào Trung tâm thăm hỏi, tặng quà các cụ. Dịp lễ, tết còn đông hơn. Nhà tài trợ đều và nhiều nhất là Công ty thương mại DG, Đoàn bếp ăn Việt…, góp phần làm ấm lòng những cụ già có hoàn cảnh khó khăn và việc làm của họ động viên chúng tôi cần cố gắng hơn nữa.

Dù đồng lương của cán bộ, nhân viên Trung tâm còn hạn hẹp, nhiều người đang phải đánh vật với cuộc sống hằng ngày, nhưng khi được hỏi các anh có đề nghị gì? Ông chỉ đề nghị: “Mong cơ quan chức năng nâng mức ăn của các cụ già lên, chứ 36.000 đồng/người/ngày thì thấp quá. Còn chúng tôi vừa được thành phố cho nhận thêm những người già, có con em họ đóng góp tự nguyện rồi”.

Bài và ảnh: Vũ Trang – Báo Hải Phòng 24/04/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ở nơi ấm áp tình người
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác