Xã hội

Ở nhà là yêu nước

Đã hơn một tuần kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị số 16/CT-TTg về giãn cách xã hội trên toàn quốc. Phong trào “Ở nhà là yêu nước” được phát động từ trước đó lại càng phát triển mạnh mẽ theo tinh thần của chỉ thị.

Theo Chỉ thị của Thủ tướng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, người dân cần thực hiện yêu cầu ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài. Sau khi Chỉ thị có hiệu lực từ ngày 1/4, đa số đều thực hiện yêu cầu hạn chế tối đa ra ngoài. Tuy nhiên, có một bộ phận người dân ở một số nơi lại không làm được hoặc cố tình không thực hiện yêu cầu đơn giản là “ở nhà”. Các hành vi vi phạm nếu nhẹ thì là ra ngoài không có lý do chính đáng, nặng thì vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, đánh bạc.

Chỉ cần một trong những người đi lang thang ngoài đường, hay một trong những người đang tụ tập hát hò, đánh bạc kia dương tính với virus SARS-CoV-2 thì hậu quả khôn lường. Vẫn biết những đối tượng bị vi phạm chỉ là một phần nhỏ vô ý thức trong xã hội nhưng theo lời Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, chỉ cần 10% dân số không thực hiện sẽ làm đổ bể mọi biện pháp chống dịch.

Không phải ngẫu nhiên mà cả thế giới sớm hay muộn cũng phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc phong tỏa các khu vực ổ dịch. Thực tế cho thấy, quốc gia nào thực hiện càng sớm, càng quyết liệt thì dịch bệnh sẽ nằm trong tầm kiểm soát. Còn quốc gia nào bình chân như vại hoặc chậm trễ thực hiện thì đều đang lãnh hậu quả.

Tại Vũ Hán (Trung Quốc), một người dân từng nói đại ý là: “Chúng tôi vượt qua dịch bệnh vì chúng tôi chịu khó ở nhà”. Quả thật, lệnh phong tỏa quy mô rộng đã khiến số người lây nhiễm ở thành phố giảm mạnh và đến nay là hầu như không có ca nhiễm nội địa sau vài tháng. Mô hình ở Trung Quốc cho thấy tầm quan trọng của giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh.

Kể cả ở Italy, nước đang hứng chịu hậu quả nặng nề nhất châu Âu trong đại dịch COVID-19, giãn cách xã hội cũng có hiệu quả. Có thể thấy rõ qua so sánh hai thành phố Bergamo và Lodi. Tại Lodi, ngày 21/2 có ca nhiễm đầu tiên và hai ngày sau, giới chức đã áp dụng hạn chế đi lại. Ở Bergamo, những ca đầu tiên xuất hiện ngày 23/2 trong một số khu vực nhỏ nhưng thành phố này không thực hiện cách ly cho tới khi có lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 8/3. Tới ngày 7/3, cả hai thành phố đều có khoảng 800 ca, nhưng tới 13/3, số ca ở Bergamo tăng lên 2.300, còn số ca ở Lodi chỉ khoảng 1.100. Điều đó cho thấy giãn cách xã hội có hiệu quả trong giảm số ca lây nhiễm.

Dù bằng chứng về hiệu quả giãn cách xã hội rõ như vậy, nhưng giới chức các nước cũng phải sử dụng biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh những thành phần chủ quan, phớt lờ lệnh. Đâu đó có vị thị trưởng ở Italy phải ra tận đường mắng “xơi xơi” người dân vi phạm lệnh phong tỏa. Ở Anh, có cảnh sát phải đổ nước vào bếp nướng thịt của người dân bày ra trên bãi biển. Ở Kenya, binh sĩ phải dùng hơi cay để “xua” người dân về nhà. Có cô y tá khóc nấc trong một video kêu gọi người dân ở nhà vì những y tá, bác sĩ như cô đã kiệt sức vì chữa trị cho bệnh nhân. Thông điệp “Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn ở nhà vì chúng tôi” của các y bác sĩ trên thế giới đã lan rộng ở nhiều quốc gia. Chưa bao giờ hai từ “ở nhà” lại được nhắc nhiều như vậy trên thế giới.

Trở lại Việt Nam, Chỉ thị 16 của Thủ tướng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng trong phòng chống COVID-19. Tại cuộc họp trực tuyến chiều 6/4 mới đây về công tác phòng chống dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước đầu nhận định nhận định: “Cả nước phấn khởi khi số ca nhiễm ít, người dân chắc háo hức lắm”.

Quả thực, mấy ngày gần đây, số ca nhiễm virus chỉ dừng lại một vài, có ngày còn không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Con số này là kết quả ban đầu đáng mừng khi chỉ trong một tháng trước đó Việt Nam có tới 200 ca.

Tuy nhiên, Việt Nam đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Một số ca bệnh không rõ lây nhiễm từ đâu. Do đó, Thủ tướng cho biết giãn cách xã hội là biện pháp rất cần thiết và vẫn cần thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện trong bao lâu thì tất cả đều tùy thuộc vào ý thức của người dân trong hưởng ứng phong trào “ở nhà là yêu nước”. Bởi lẽ đơn giản: Ở nhà càng nhiều thì rủi ro mắc bệnh, lây bệnh cho người khác càng thấp, góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và cả xã hội.

Trong giai đoạn “chống dịch như chống giặc”, mỗi người cần phải hy sinh chút lợi ích cá nhân, chấp nhận đôi chút bất tiện khi phải “chôn chân” ở nhà hàng tháng trời. Mỗi người cần sống đơn giản một chút, sống chậm một chút. Hãy tìm niềm vui, tìm sự gắn bó khi ở nhà cùng người thân yêu.

Người dân có chịu khó ở nhà thì cuộc kháng chiến chống COVID-19 của Việt Nam mới không cần phải “trường kỳ” mà sẽ sớm giành thắng lợi.

Thùy Dương

Nguồn tin: Báo Tin tức

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More