Hiệu quả kinh tế cao hơn
Dịp cuối năm 2024, đầm nuôi tôm của gia đình ông Hoàng Văn Vinh, ở xóm 5, thôn Tân Hưng, xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng) được thu hoạch tôm càng xanh trong đầm. Ông Vinh cho biết, chuẩn bị đến kỳ thu hoạch tôm, các thương lái đến tận đầm để đặt mua, với mức giá 300-350 nghìn đồng/kg. Trước đây gia đình nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng hiệu quả không cao, 2 năm gần đây, nhờ tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức, ông Vinh nắm được kỹ thuật và ứng dụng vào nuôi giống tôm càng xanh theo tiêu chuẩn VietGAHP, sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi hai giai đoạn… đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Còn ở xã Trường Thọ (huyện An Lão), ông Nguyễn Văn Khơ cũng vừa thu hoạch 8.060kg tôm càng xanh ứng dụng kỹ thuật nuôi tôm toàn đực hai giai đoạn, lợi nhuận đạt gần 1 tỷ đồng/ha. Ông Khơ chia sẻ, trước gia đình cũng nuôi giống tôm này nhưng chỉ dựa theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, nuôi quảng canh nên tỉ lệ tôm sống đạt thấp, chỉ khoảng 45-50%, tôm khi thu hoạch về kích cỡ chỉ đạt 25-30 con/kg; năng suất đạt 1,5-2 tấn/ha nhưng nuôi theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nói trên năng suất có thể đạt tới 10 tấn/ha.
Theo bà Đặng Thị Thanh, Trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, với nhiều lợi thế về mặt nước để nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ nông dân lựa chọn nuôi tôm càng xanh, phổ biến nhất là tại các quận, huyện Kiến An, Tiên Lãng, Kiến Thụy, An Lão… Thời gian trước đây, nông dân chủ yếu nuôi tôm càng xanh theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều hộ nông dân giảm diện tích nuôi. Gần đây, với sự trợ giúp của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhiều ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao tới nông dân nên việc nuôi tôm càng xanh hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, từ năm 2023, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ Hải Phòng triển khai dự án ứng dụng nuôi tôm càng xanh toàn đực hai giai đoạn tại một số địa phương đều cho kết quả khả quan như năng suất trung bình 10,67 tấn/ha, hiệu quả kinh tế gần 1 tỷ đồng/ha, kích cỡ thu hoạch lớn và đồng đều hơn, chi phí nuôi dưỡng và quản lý giảm đáng kể. Tỉ lệ sống tăng 4-10%, năng suất tăng 25-80%… Triển vọng có thể nhân rộng ở nhiều địa phương.
Vận động mở rộng diện tích nuôi
Theo phản ánh của nhiều nông dân nuôi trồng thủy sản tại các huyện: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy… với hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, các hộ đều mong muốn mở rộng diện tích nuôi trồng. Tuy nhiên, đối với các hộ ngoài dự án hỗ trợ của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn bởi muốn nuôi tôm càng xanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cần có cơ sở hạ tầng bảo đảm, nhưng hệ thống thủy lợi, giao thông ở một số địa phương xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, để nuôi tôm càng xanh, nông dân phải cải tạo ao nuôi theo quy chuẩn, chi phí lớn trong khi khó vay vốn. Nguồn nước ở một số vùng nuôi hiện bị ô nhiễm nên nguy cơ ảnh hưởng đến ao nuôi. Việc thu hoạch sản phẩm vào đúng thời điểm được giá, nhưng không phải lúc nào cũng bán được ngay nên việc thu hồi vốn chậm, vì vậy không có vốn để tái đầu tư sản xuất…
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Tuất cho rằng, cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng, giảm tỷ trọng giá trị khai thác thủy sản. Vì vậy, cần khuyến khích nông dân tập trung nuôi những loại có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh. Vì vậy, Sở tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, nông nghiệp sạch thân thiện môi trường, gắn truy xuất nguồn gốc hàng hóa… giúp nông dân yên tâm mở rộng các đối tượng nuôi này.
Theo ông Ngô Xuân Ba, cán bộ Chi Cục Thủy sản Hải Phòng, thời gian tới, việc phát triển nuôi tôm càng xanh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phải phát triển theo quy hoạch, mang tính chất hàng hóa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng nuôi, từng quận, huyện. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động cung ứng giống tôm càng xanh bảo đảm chất lượng và số lượng phục vụ người nuôi trồng thủy sản; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình sản xuất của nông dân, hỗ trợ các giải pháp dự báo, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh giúp người nuôi tôm càng xanh nuôi đúng mùa vụ và quy trình kỹ thuật, tham mưu với thành phố cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực đối với người nuôi thủy sản.
Tại các địa phương có lợi thế ao, đầm có thể phát triển nuôi tôm càng xanh, chính quyền địa phương cần tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để xây dựng các mô hình điểm; khuyến khích nhân rộng. Chủ tịch UBND xã Tân Dân (huyện An Lão) Bùi Đình Thậm cho biết, địa phương dành quỹ đất công ích 5% và tạo điều kiện cho hộ dân chuyển đổi diện tích cấy lúa sang nuôi trồng thủy sản; khuyến khích các hộ nông dân đưa các đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tập huấn kỹ thuật; thông qua các đoàn thể tín chấp vay vốn giúp các hộ nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất hiệu quả…
Bài và ảnh: HƯƠNG AN
Chiều 11/12, Ban Thường vụ Quận ủy Lê Chân triệu tập Hội nghị Quận ủy…
Lần đầu tiên sau khi mạng 5G chính thức được thương mại hóa tại Việt…
Sáng 11/12, Công an thành phố tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối tới…
Sáng 11/12, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng phối hợp với…
Chiều 10/12, Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện An Dương khóa XVIII Họp phiên thứ…
Dự báo đến năm 2038, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già.…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More