Theo kết quả kiểm tra của Công ty CP Cấp nước Hải Phòng chất lượng nước vẫn trong ngưỡng an toàn và đủ điều kiện phục vụ ăn uống, sinh hoạt của người dân theo QC 01 của Bộ Y tế.
Theo ông Nguyễn Đức Long ở tổ dân phố số 9, ngõ 373 đường Lê Duẩn, phường Bắc Sơn (quận Kiến An), từ ngày 17-11, nguồn nước sinh hoạt của gia đình có vị lợ so với bình thường, tuy nhiên, chưa nhận được thông báo của chính quyền và phía bên Công ty cấp nước nên vẫn sử dụng để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là phản ánh của người dân ở các quận: Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã của các huyện An Dương, Kiến Thụy đang sử dụng nước sinh hoạt từ 2 nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Kiến An Tăng Xuân Khoa, ngày 18-11, bệnh viện nhận được thông báo của Công ty CP Cấp nước về việc nguồn cung cấp nước sinh hoạt đang bị nhiễm mặn. Ngay sau đó, bệnh viện mời Công ty TNHH Thiên Dương (đơn vị bệnh viện vẫn mời để kiểm tra chất lượng nước) kiểm tra nước tại hệ thống lọc nước RO sử dụng cho Khoa chạy thận nhân tạo và các cây lọc nước cung cấp nước uống cho người bệnh, người nhà người bệnh. Kết quả cho thấy, chỉ số TDS (chỉ số đo tổng lượng chất rắn hòa tan gồm khoáng chất, muối và kim loại) vượt mức quy định. Bệnh viện đã có công văn yêu cầu các khoa dừng sử dụng nước uống tại các khoa, chuyển sang sử dụng nước uống tinh khiết đóng bình. Để bảo đảm chất lượng nước phục vụ việc chạy thận nhân tạo (40 m3/ ngày), bệnh viện phải vận hành lọc nước hệ thống lọc nước RO 2 lần. Tuy nhiên, do độ mặn của nước quá cao nên sau mỗi lần lọc, bệnh viện phải thay màng lọc với chi phí gần 10 triệu đồng/ màng lọc. Đây là năm đầu nguồn nước của bệnh viện gặp tình trạng như vậy. Bệnh viện đề nghị Công ty Cấp nước Hải Phòng sớm khắc phục được sự cố này, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện, đặc biệt là đến công tác khám chữa bệnh.
Phó tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng Cao Văn Quý cho biết, tình trạng nước sinh hoạt có vị lợ, độ mặn tăng cao trong những ngày vừa qua là do chất lượng nguồn nước thô sông Đa Độ đang bị nhiễm mặn. Ngày 17-11, các nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo phát hiện độ mặn trong nước thô cấp từ sông Đa Độ tăng lên hơn 300 mg, vượt ngưỡng cho phép (250 mg/l). Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, so với trung bình nhiều năm, thời điểm này, các sông trên địa bàn thành phố bị xâm nhập mặn sớm hơn, lưỡi mặn vào tới ¾ độ dài sông Đa Độ, cao hơn nhiều năm.
Theo ông Đỗ Văn Trãi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ, hiện nay, công ty chỉ lấy nước vào hệ thống sông Đa Độ qua cống đầu mối Trung Trang ở xã Bát Trang (huyện An Lão). Từ ngày 15-11, khi độ mặn lên cao, công ty tăng cường thau đảo nước sông Đa Độ qua cống Cổ Tiểu, xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy). Nhờ đó, độ mặn trong nước sông Đa Độ đang giảm dần từng ngày. Trong thời gian tới, công ty huy động 100% số lao động chốt trực, kiểm tra thường xuyên độ mặn tại cửa cống, thực hiện nghiêm quy trình vận hành lấy nước vào hệ thống. Để kiểm soát thường xuyên độ mặn của nước sông, cách 1 giờ công ty tổ chức đo kiểm tra độ mặn trong nước 1 lần.
Phó tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hải Phòng Cao Văn Quý thông tin, 2 nhà máy nước Hưng Đạo và Cầu Nguyệt hiện nay chưa có công nghệ xử lý độ mặn trong nước thô. Ngay sau khi phát hiện tình trạng nước bị nhiễm mặn, ngày 17-11, Công ty phối hợp Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ để thau đảo nguồn nước giảm độ mặn. Đồng thời, công ty súc xả đường ống dẫn nước từ 2 nhà máy để xả bớt nước có độ mặn cao trong hệ thống. Theo kết quả đo đạc trực tiếp của Phòng Kiểm tra chất lượng (Công ty Cấp nước Hải Phòng) sáng 19-11, độ mặn đo được của nguồn nước thô trên sông Đa Độ cấp cho các nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo từ 200-230 mg/l, vượt ngưỡng cảnh báo của nhà máy (100 mg/l), song vẫn dưới ngưỡng tiêu chuẩn nước thô phục vụ sản xuất nước sạch (250 mg/l). So với 2 ngày trước, độ mặn của nguồn nước sông Đa Độ giảm nhiều. Các chỉ tiêu chất lượng nguồn nước khác như: độ đục, hàm lượng cặn, pH… vẫn ở mức trung bình theo tiêu chuẩn cho phép. Trong 2-3 ngày tới, đơn vị sẽ tích cực phối hợp Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ để nhanh chóng khắc phục triệt để sự cố nhiễm mặn nguồn nước sông Đa Độ.
Bên cạnh đó, ngày 18-11, Công ty CP Cấp nước Hải Phòng bổ sung nước cấp từ Nhà máy nước An Dương (lấy nguồn nước từ sông Rế không bị nhiễm mặn) sang một phần khu vực quận Kiến An. Đồng thời, báo cáo sự việc lên UBND thành phố và các sở, ban, ngành, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để khách hàng của công ty được biết. Đối với các đơn vị có yêu cầu cao về chất lượng nước như: Bệnh viện Kiến An, Công ty CP Dược phẩm Hải Phòng, Nhà máy bia Hà Nội – Hải Phòng…, công ty gửi thông báo trực tiếp tình hình chất lượng nước và sẵn sàng phương án cung cấp nước sạch từ các nhà máy khác bằng xe bồn nếu các đơn vị này có nhu cầu.
Theo QC 01 của Bộ Y tế, độ mặn trong nước ăn uống ở các khu vực bình thường từ 250 mg/l trở xuống là an toàn; riêng khu vực ven biển và hải đảo (như Hải Phòng) thì dưới 300 mg/l là an toàn. Do đó, nguồn nước từ 2 nhà máy nước Cầu Nguyệt và Hưng Đạo hiện nay vẫn đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt và ăn uống.
Nhóm PV kinh tế
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch…
Chiều 26/11, Công an huyện Vĩnh Bảo thông tin, sáng 26/11, khách hàng Nguyễn Quốc…
Thuộc khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Việt Nam…
Sáng 26/11, UBND quận Ngô Quyền tổ chức Hội nghị trao Quyết định giao đất…
Thuộc khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại khách sạn Pullman, Hiệp hội…
Thuộc chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Techfest Việt Nam 2024, sáng 26-11, tại…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More