Hết thời biếu bánh làm quà
Ngoại trừ hai vụ mùa chìm sâu trong dịch bệnh Covid-19, còn lại những năm trước kia không khí thị trường Tết Trung thu thường nhộn nhịp rất sớm. Hiện tại, dù dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhưng việc kiểm soát đã chuyển sang thế chủ động, nên không còn tạo áp lực nặng nề lên thị trường. Mặc dù vậy, thị trường Tết Trung thu dù đã có dấu hiệu khởi động, nhưng cơ bản chưa thể hiện nhiều dấu ấn.
Nếu như trước kia, vào dịp này trên các tuyến phố, nhiều hãng bánh chia nhau từng khoảng vỉa hè rộng dựng lên những gian hàng lớn để quảng bá sản phẩm, thì năm nay cơ bản hình thức thể hiện này chỉ còn thương hiệu Kinh Đô, nhưng cũng hết sức khiêm tốn. Dường như hệ thống gian hàng của những thương hiệu này cũng chỉ để khẳng định hình ảnh, phục vụ cho chiến lược Marketing, nên không có nhiều mẫu sản phẩm trưng bày.
Theo quản lý một gian hàng thương hiệu Kinh Đô, dù dự báo thị trường năm nay khó khăn nhưng hãng vẫn duy trì phân phối gần 80 dòng sản phẩm, từ giá bình dân nhất là 40 nghìn đồng/chiếc cho đến hộp quà tích hợp lên tới xấp xỉ 5 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này, gần như không có khách đến đặt những mẫu hàng “khủng”, mà chủ yếu là những mẫu hàng có mức giá trung bình.
Quản lý gian hàng cũng chia sẻ, hầu hết các mẫu bánh tiền triệu chỉ phục vụ khách dùng làm quà biếu, nhưng có lẽ người ta đã nhận thức được hiệu quả thấp của việc bỏ ra vài triệu đồng cho một món quà không nhiều giá trị sử dụng, hơn nữa đây lại là dịp dành riêng cho trẻ em, sự biến tướng cũng khó mà bền vững.
Tuy nhiên, cửa hàng này cũng đã ký được một số đơn hàng, hầu hết là những doanh nghiệp đặt cho người lao động, nên sản phẩm chỉ tầm giá trung bình 50.000 đồng/chiếc.
Khảo sát cho thấy, mấy năm gần đây khách hàng Hải Phòng quan tâm nhiều hơn đến các thương hiệu truyền thống như Đông Phương, Như Ý, Thanh Lịch… tập trung chủ yếu trên đường Cầu Đất, bởi chất lượng và giá đều phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng đất Cảng.
Đơn cử như nhà bánh Đ.P (Cầu Đất) giới thiệu gần 40 dòng sản phẩm thuộc, có giá từ 65 nghìn đồng đến đến 100 nghìn đồng/chiếc. Các nhà bánh truyền thống Hải Phòng cũng nhận đặt hàng những hộp lớn với giá trên 2 triệu đồng/hộp, kèm theo cả trà, rượu, và một số quà kèm khác.
Bên cạnh hàng nội địa, cũng như mọi năm, thị trường thành phố vẫn có một phân khúc hàng nhập khẩu phục vụ cho cộng đồng các doanh nhân, chuyên gia và người lao động nước ngoài. Chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những nước cũng chung truyền thống “Trung thu” như Việt Nam.
Nghèo nàn thị phần đồ chơi
Một phân khúc khác liên quan đến tết Trung thu là đồ chơi trẻ em, năm nay có phần khiêm tốn ở hệ thống siêu thị. Còn ngoài khu vực chợ truyền thống, không khí mới xuất hiện ở phân khúc bán buôn. Sản phẩm tiêu thụ mạnh chủ yếu là các loại xe, rô-bốt, đèn lồng, con nhựa có nhạc và đèn nháy, búp bê, thú bông, vương miện… có giá từ 30 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/sản phẩm.
Ông Quân, một tiểu thương ở đường Phan Bội Châu cho biết, hầu hết đồ chơi trẻ em hiện vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Theo ông Quân, nhận thức được sự độc hại đến từ đồ chơi Trung Quốc, nên thời gian gần đây việc kinh doanh đồ chơi cũng thận trọng, rất hạn chế với loại đồ chơi đã bị cấm như súng nhựa, dao kiếm, mặt nạ kinh dị…
Tuy nhiên, khảo sát tại một số cửa hàng cho thấy, đồ chơi Trung thu năm nay cũng có khá nhiều sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Phân khúc dành cho các bé phổ biến nhất là các bộ cánh thời trang “chị Hằng” và “chú Cuội”. Ngoài ra các bé gái cũng có thêm một số lựa chọn khác như búp bê, lồng đèn công chúa…
Còn các bé trai thì nhiều sự lựa chọn hơn với mặt lạ, trống ếch, đầu lân hay sư tử loại nhỏ, kèn nhựa, tò he… Cũng trên đường Phan Bội Châu, các mẫu đầu Lân-Sư nhỏ màu sắc sặc sỡ tầm trung làm sẵn có giá từ 80 nghìn đồng đến 700 nghìn đồng/bộ, trống bọc da các cỡ từ 45 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/chiếc.
Còn lại nhiều mặt hàng bán lẻ dưới dạng nguyên liệu như vải nhiễu, sa-tanh, tua rèm và giấy dán, đây là phân khúc dành cho người lớn tuổi hơn. Một khách hàng là thanh niên nói: “Theo lệ tục, cứ hết mùa là phải đốt đồ cũ đi lấy khước, nên năm nào chúng cháu cũng phải mua nguyên liệu mới về tự chế…”.
Thanh niên này cho biết đang là thành viên của một phường múa ở quận Ngô Quyền, mọi năm phường vẫn làm thêm đồ để bán, nhưng năm nay rất ít khách đặt hàng, ngược lại khách đặt múa thì đã kín lịch đến hết mùa Trung thu.
Cũng theo thanh niên này, giá cụ thể một đầu Lân-Sư tùy vào quy mô từng phường múa, nhưng riêng vật dụng trang trí đã mất từ vài trăm nghìn trở lên cho một bộ “đồ nghề”.
Nhìn chung năm nay, hàng Trung thu không xuất hiện nhiều dấu ấn mới, chỉ khác là cả hai nhóm hàng tiêu biểu kể trên đều tăng giá, trong đó bánh tăng từ 10% trở lên và đồ chơi tăng bình quân 15% so với năm trước.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến thị trường khó khả quan, có lẽ vì trùng vào thời điểm các phụ huynh phải lo dành tiền cho con em mình vào năm học mới, đây cũng là nốt nhạc trầm của thị trường trước Tết Trung thu.
Lê Minh Thắng
Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…
HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…
Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…
Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…
Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…
Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More