Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Hải Phòng – Nhiều chuyển biến, khởi sắc

Cục Thống kê Hải Phòng vừa
công bố số liệu chính thức Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm
2016 thành phố Hải Phòng. Đây là cuộc tổng điều tra quy mô lớn, được tiến hành
trên phạm vi cả nước vào thời điểm 1-7-2016 theo Quyết định số 1225 ngày
31-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng, ông
Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng khẳng định: kết quả tổng điều
tra cho thấy tình hình nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Hải Phòng có nhiều
chuyển biến, khởi sắc, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.


Ông có thể cho biết cuộc tổng điều tra được thực hiện như thế nào?

–  Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, liên
quan tới 143 xã và 1.167 thôn; 300.844 hộ nông thôn và 20.963 hộ thành thị hoạt
động nông, lâm nghiệp và thủy sản; 648 trang trại và nhiều đơn vị điều tra
khác. Ngoài ra, đơn vị điều tra tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất-kinh doanh
của các doanh nghiệp và hợp tác xã có hoạt động 
nông, lâm nghiệp và thủy sản được lồng ghép trong điều tra doanh nghiệp
năm 2016 của Tổng cục Thống kê. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp huy động hơn
2.700 điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia liên tục từ 1-7-2016 đến
30-7-2016. Cuộc tổng điều tra thực hiện thành công, đạt được mục tiêu, kế hoạch
đề ra. Năm 2017, Cục Thống kê Hải Phòng công bố sơ bộ kết quả tổng điều tra. Đặc
biệt, ấn phẩm “Tổng quan kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản
2016” và công cụ khai thác dữ liệu trực tuyến kết quả tổng điều tra sẽ được
công bố, phổ biến vào tháng 2-2018.

Nông
dân ngoại thành chăm sóc cây vụ đông. Ảnh: Hồ Hương

Sau đó, Cục Thống kê tiếp tục
tổng hợp, phân tích, cung cấp và phổ biến các chuyên đề chuyên sâu từ kết quả Tổng
điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 để phục vụ đầy đủ hơn, tốt
hơn công tác quản lý, điều hành của Thành ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành
thành phố và nhu cầu thông tin trong xã hội.

-Nông
nghiệp, nông thôn, thủy sản Hải Phòng có gì nổi bật?

– Kết quả tổng điều tra cho
thấy, trong 5 năm (2011-2016), các cấp, ngành từ trung ương đến thành phố triển
khai có hiệu quả cao nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế
– xã hội nông thôn, bộ mặt nông thôn có sự biến đổi sâu sắc, nhất là kết cấu hạ
tầng. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hầu hết cơ sở hạ tầng
quan trọng như hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn
hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, thôn được tăng cường. Nổi bật, 143/143
xã có điện; hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp với tốc độ nhanh ở tất
cả tuyến đường (tại thời điểm 1-7-2016 có 142 xã có đường ô tô kết nối UBND xã
với UBND huyện, chiếm 99,3% tổng số xã. Có 1.164 thôn có đường ô tô kết nối với
trụ sở UBND xã, chiếm 99,74% số thôn). Các trường học cũng được đầu tư nâng cấp
khang trang, sạch đẹp. Nhiều trường mẫu giáo, mầm non được xây dựng. Hệ thống
các trường mầm non dân lập, tư thục ngày càng phát triển. Hệ thống thiết chế
văn hóa thông tin đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp cận thông tin
của dân cư khu vực nông thôn. Số xã có nhà văn hóa chiếm 96,5% tổng số xã, tăng
3%; xã có sân thể thao, chiếm 67,8% tăng 11,9%; xã có tủ sách pháp luật chiếm
98,6%, tăng 4,2% so với năm 2011; 781 thôn có điểm văn hóa, chiếm 66,9% số
thôn, tăng 9% so với năm 2011; có 350 thôn có khu thể thao thôn, chiếm 29,9% tổng
số thôn và tăng 7,3% so với năm 2011. Cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông tiếp
tục được tăng cường. Hầu hết cơ sở y tế xã đều được xây dựng khang trang, kiên
cố và  bảo đảm vệ sinh môi trường. Số xã
được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã là 122 xã, bằng 85,31% tổng số
xã. Lực lượng y, bác sĩ và trang thiết bị cho khám, chữa bệnh cũng từng bước được
tăng cường tại các trạm y tế xã, bình quân có 1,38 bác sĩ trên 10.000 dân  tăng 13,4% so với năm 2011. Cung cấp nước sạch
tiếp tục được đầu tư xây dựng tại 112 xã, chiếm 78,3% số xã, tăng 4,9%. Có 130
xã, chiếm 90,9% tổng số xã có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, tăng
43%. Có 99,3% số xã có tổ chức hoặc thuê thu gom rác thải (năm 2011 chỉ có
69,9%)… Hệ thống chợ nông thôn từng bước được quy hoạch và bố trí hợp lý, thuận
tiện cho việc lưu thông hàng hóa, cơ bản được xây dựng sạch đẹp và  bảo đảm vệ sinh…


Phát triển kinh tế khu vực nông thôn có gì đáng chú ý?

–  Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch
tích cực, theo hướng nâng cao dần tỷ trọng ngành nghề phi nông, lâm nghiệp và
thủy sản. Nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản liên tục giảm (giảm hơn 30.000 hộ);
nhóm hộ công nghiệp – xây dựng tăng hơn 27.000 hộ; nhóm hộ dịch vụ tăng 12.000
hộ…

Sau 5 năm, cơ cấu hộ khu vực
nông thôn có sự chuyển dịch rõ nét từ hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản (NLTS) sang
hộ phi NLTS (hộ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ), tỷ trọng hộ NLTS giảm từ
51,5% năm 2011 xuống còn 30,1% năm 2016; tỷ trọng hộ phi nông nghiệp tăng tương
ứng từ 49,7% năm 2011 lên 59,9% năm 2016.

Đối với nguồn thu nhập chính
của hộ: năm 2011 tỷ trọng hộ có nguồn thu chính từ NLTS là 31,7% đến năm 2016
còn 19,5%; hộ có nguồn thu chính từ phi NLTS là 57,4% (năm 2011) tăng lên 66,7%
năm 2016. Như vậy, nguồn thu nhập chính của hộ khu vực nông thôn từ NLTS nay dần
dịch chuyển sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Cùng với đó, tỷ trọng
lao động trong các ngành phi NLTS cũng tăng tương ứng trong các nhóm hộ.

Ấn tượng nhất là chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai rộng khắp, đạt kết quả
quan trọng. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh, hạ tầng nông thôn nâng cấp
toàn diện. Điều kiện sống về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được
nâng cao. Ruộng đất được tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học
công nghệ cao, định hướng sản xuất hàng hóa tập trung góp phần tích cực nâng
cao thu nhập; người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách, sự lãnh đạo của
các cấp ủy Đảng và chính quyền, đồng thuận chung tay xây dựng nông thôn mới. Bộ
mặt nông thôn đổi mới, đời sống dân cư nông thôn từng bước được cải thiện có những
kết quả tích cực. Phần đông hộ dân sắm được các thiết bị, đồ dùng tiện nghi như
xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, bình nước nóng. Nhiều hộ có máy vi tính, điều
hòa, … An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Trình độ chuyên
môn kỹ thuật, lý luận chính trị và quản lý nhà nước của lãnh đạo cấp xã được
nâng cao.

Cũng rất đáng chú ý, sản xuất
nông nghiệp đang được cơ cấu lại về hình thức tổ chức và quy mô sản xuất theo
hướng số doanh nghiệp, hợp tác xã và trang trại tăng nhanh, số hộ ngày càng giảm
mạnh. Ruộng đất được tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa và xây dựng
cánh đồng lớn. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển có hiệu quả với 648 trang
trại nông nghiệp và thủy sản, tăng 62,8% so với năm 2011, bình quân mỗi năm
tăng 12,5%.

Kết quả điều tra cho thấy
kinh tế – xã hội nông thôn Hải Phòng những năm qua đạt được những kết quả đáng
phấn khởi. Nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội trong nông thôn, nông nghiệp và thuỷ
sản liên tục đạt mức tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế nông thôn biến đổi rõ nét,
cơ sở hạ tầng và vật chất – kỹ thuật ngày càng được củng cố và phát triển, đời
sống vật chất tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt.


Có những hạn chế, bất cập gì trong phát triển KTXH nông thôn, thưa ông?

–  Hạn chế, bất cập rõ nhất là kinh tế nông thôn
chủ yếu vẫn là kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản. Chất lượng lao động khu vực
nông thôn thấp, lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ khá cao, tới 79,92%. Kết
quả xây dựng nông thôn mới cũng bộc lộ một số hạn chế, còn  xã “nợ” một hoặc hai tiêu chí. Đời sống một bộ
phận dân cư nông thôn còn khó khăn, số hộ sử dụng nước ăn uống lấy từ giếng
khoan, chiếm gần 3% tổng số hộ; tỷ lệ hộ không có nhà tiêu 0,23%; tỷ lệ nhân khẩu
nông thôn chưa có bảo hiểm y tế chiếm 17,6%… 
Mặc dù sản xuất được cơ cấu lại theo hướng mở rộng quy mô, nhưng sản xuất
nhỏ vẫn phổ biến. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, có những mặt còn lúng túng,
nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hiệu quả của hầu hết loại hình tổ chức sản
xuất  lĩnh vực NLTS nhìn chung vẫn thấp.
Đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Những hạn chế nêu trên đang
là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và sản
xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều thuận lợi
và cơ hội. Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và thành phố, sự quyết
tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cùng thành tựu đạt
được trong hơn 30 năm đổi mới, tôi tin tưởng khó khăn, thách thức, hạn chế, bất
cập được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp Hải Phòng tiếp tục phát
triển nhanh, hiệu quả và bền vững.


Trân trọng cảm ơn ông!


(Hồng
Thanh, Báo Hải Phòng 21/01/2018)

Tin khác

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

Bí thư Thành ủy thăm và chúc mừng Tòa Giám mục Hải Phòng nhân dịp Lễ Thiên Chúa giáng sinh năm 2024

Chiều 20/12, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành…

20/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More