Print Chủ Nhật, 21/02/2021 18:30 Gốc

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, giá các loại nông sản trên thị trường Hải Phòng giảm mạnh, phần lớn giảm 50-60% so với thời điểm trước và trong Tết. Ở một số địa phương, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đang chung tay “giải cứu” nông sản cho bà con. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài cần những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục tình trạng được mùa rớt giá.

Điệp khúc “được mùa rớt giá”

Tại vùng sản xuất rau, củ, quả tập trung ở xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo), mấy ngày sau Tết Nguyên đán, nông dân không muốn ra đồng thu hoạch hết diện tích trồng các loại ớt xanh và ớt đỏ đem bán vì giá ớt trên thị trường quá rẻ. Theo Giám đốc HTX Cao Thị Hằng, giá ớt trước Tết nông dân bán được 95-100 nghìn đồng/kg nhưng sau Tết chỉ bán được 10-12 nghìn đồng/kg. Giá nông sản giảm quá sâu, nông dân không bù đủ chi phí vật tư và công lao động.

Mặc dù giá rẻ nhưng bà con bế tắc vì thị trường bán lẻ rất ế ẩm. Tại xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng), vào dịp này, nông dân đang thu hoạch rộ bắp cải. Tuy nhiên, phần lớn lượng bắp cải không bán được theo đúng hợp đồng tiêu thụ nên bà con phải bán lẻ. Chủ tịch UBND xã Phạm Khắc Tuấn cho biết, xã quy vùng sản xuất tập trung gần 3 ha bắp cải khoảng 15 nghìn bắp có ký kết hợp đồng với HTX Thành Công ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) để xuất khẩu. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh COVID 19, doanh nghiệp không sang địa phương để thu mua cho bà con nông dân vào đúng thời điểm thu hoạch nên sản phẩm ứ đọng. Không chỉ bắp cải tắc đầu ra, mà khoai tây vụ xuân cũng trong tình trạng tương tự khiến nông dân xã Cấp Tiến “đứng ngồi không yên”.

Ở một số nơi trồng rau màu chuyên canh khác trên địa bàn thành phố như ở các xã: Đoàn Xá, Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), Lê Thiện, An Hòa, Quốc Tuấn (huyện An Dương), Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên) giá rau quá rẻ, đồng thời khó bán nên nông dân không muốn thu hoạch mà để cây tự phát triển quá lứa sau đó phá bỏ. Tại xóm Chùa, xã Đoàn Xá, vào dịp này, phần lớn nông dân trồng cà chua nhổ bỏ hết diện tích đang trồng, mặc dù trên cây còn khá nhiều quả xanh và quả chín. Bà Nguyễn Thị Hảo ở vùng rau chuyên canh xã An Thọ (huyện An Lão) cho biết, rau cải chỉ bán được với giá 2000 đồng/mớ, còn rau cải cúc giá 5000 đồng/3 mớ nên không bõ công đi hái.

Nông dân xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo) đau đầu giải bài toán tiêu thụ hết số ớt xuất khẩu trồng trong vụ đông. Ảnh: Hương An.

Cần liên kết bền vững

Theo phản ánh của nông dân các vùng trồng cây, rau màu trên địa bàn thành phố, thời điểm sau Tết Nguyên đán năm nay, giá nông sản giảm quá sâu vì một số xã thuộc các huyện như: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Kiến Thụy từ đầu vụ ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số doanh nghiệp ở địa bàn đang xảy ra dịch bệnh COVID 19 như Hải Dương, Quảng Ninh… Vì vậy, các doanh nghiệp này không có điều kiện lưu thông sản phẩm, không thu mua cho bà con. Trưởng Phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Bùi Cảnh Đức cho biết, tình trạng giảm giá sâu này chỉ diễn ra nhất thời vào thời điểm các loại cây, rau màu vụ đông đang thu hoạch rộ, nông dân có nhiều sản phẩm thu hoạch cùng lúc, trong khi lại bị ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng hóa khó lưu thông. Nông dân phát triển diện tích các loại cây trồng chưa hợp lý, ồ ạt trồng cùng loại sản phẩm nên đến khi thu hoạch sẽ xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu.

Vào thời điểm này, các ngành chức năng và chính quyền địa phương phải chung tay cùng bà con “giải cứu” nông sản. Tại huyện Tiên Lãng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lưu Duy Đức cho biết, mấy ngày qua, Phòng phối hợp với chính quyền địa phương phát động mỗi cán bộ, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện mua mỗi người 1 túi sản phẩm gồm 5 bắp cải với giá 30 nghìn đồng/túi. Để thu hoạch nhanh, gọn hết bắp cải cho kịp thời vụ, tránh bị quá lứa. Đoàn Thanh niên huyện An Lão tỏa ra khắp các cánh đồng để thu hoạch bắp cải cùng với nông dân. Chủ tịch UBND xã Cấp Tiến Phạm Khắc Tuấn cho biết, địa phương cũng phát động mỗi người dân trong thôn mua giúp nông dân 1-2 túi bắp cải, đồng thời liên lạc với một số bếp ăn tập thể, doanh nghiệp đóng trên địa bàn Hải Phòng hiện có nhiều công nhân, lao động mua tích trữ, bảo quản lạnh để sử dụng dần.

Việc “giải cứu” chỉ là giải pháp nhất thời vào lúc đầu ra cho nông sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng cũng như các tỉnh bạn đang gặp khó khăn. Các ngành chức năng đang tìm giải pháp thiết thực, lâu dài để giải bài toán liên kết tiêu thụ nông sản bền vững cho nông dân để nông sản không rơi vào tình trạng được mùa rớt giá. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Nguyễn Ngọc Đam, trong năm 2021, trung tâm phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng và triển khai các chuỗi cửa hàng bán, giới thiệu nông sản. Hiện, một số địa phương sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho một số Trạm khuyến nông thành các cửa hàng bán nông sản… Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Hải Phòng Phạm Văn Thép cho biết, thời gian tới, Sở phối hợp với các cơ quan chức năng không chỉ đầu tư xây dựng các chuỗi cửa hàng giới thiệu, bán nông sản mà còn tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hội nghị liên kết tiêu thụ sản phẩm để doanh nghiệp gặp gỡ với nông dân, bắt tay liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Hương Nga

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nông sản giảm giá sâu: Nông dân mong hỗ trợ tiêu thụ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác