Về ngoại thành hôm nay, nhiều người cảm nhận thấy sự đổi thay rõ nét, từ trong nhà, ra ngoài ngõ đều khang trang, sạch đẹp; cánh đồng mênh mông trải rộng với những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho nông dân. Đời sống được nâng cao toàn diện làm người dân nông thôn càng thêm tin tưởng vào chủ trương, chính sách của thành phố, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Giám đốc HTX nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) Nguyễn Thị Hà cho biết, trước đây bà con nông dân sản xuất nhỏ lẻ theo hướng truyền thống, chủ yếu canh tác các giống lúa năng suất, chất lượng thấp. Để thay đổi tập quán sản xuất, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, ngành, những năm gần đây, HTX mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh, tuyên truyền vận động người dân tham gia sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ được vay vốn để đầu tư, liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra: HTX thuận lợi xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa với các giống lúa phù hợp để cấy trên ruộng rươi, thu hút được nông dân tham gia, thu nhập của nông dân tăng gấp 3-4 lần so với sản xuất các giống lúa truyền thống.
Trong 5 năm qua, không chỉ ở Kiến Thụy, nhiều huyện khác như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, An Dương đều hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Hải Phòng, đến đầu tháng 9-2020, toàn thành phố có 20.340 ha sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa, trong đó có 14.500 ha sản xuất trồng trọt, 312 ha sản xuất chăn nuôi, 5528 ha sản xuất thủy sản. Ở một số địa phương còn hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung phục vụ nhà máy chế biến như vùng ổi ở xã Tân Trào (huyện Kiến Thụy) và thị trấn Vĩnh Bảo, vùng thanh long ở xã Bát Trang (huyện An Lão).
Trên các vùng sản xuất nông sản hàng hóa, để đạt hiệu quả cao, ngành Nông nghiệp cử cán bộ hướng dẫn nông dân ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào canh tác. Hiện, có hơn 400 ha canh tác thường xuyên ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Diện tích trồng cây, rau màu trong nhà kính, nhà lưới không ngừng được mở rộng, không chỉ có doanh nghiệp áp dụng mà nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn đầu tư. 85% khối lượng nông sản ở các vùng sản xuất hàng hóa được vận chuyển bằng máy móc cơ giới.
5 năm 2016-2020, nhằm khuyến khích nông dân xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa, thành phố ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ bà con. Cụ thể, các Nghị quyết 13, 14, 19 của HĐND thành phố về phát triển vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp, thủy sản; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến đều đề ra các chính sách, cơ chế cụ thể, chi tiết hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Bên cạnh đó, thành phố còn có chính sách hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nông sản… Các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp bằng các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm của nông dân, từ đó khuyến khích nông dân tham gia các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường để mở rộng tiêu thụ.
Tăng tốc, sớm về đích nông thôn mới
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2010, qua mỗi chặng đường, thành phố đều tập trung cao công tác chỉ đạo thực hiện. Ở các địa phương, xuất hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.
Rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn đầu, trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố tập trung xây dựng NTM với số vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng cao hơn những năm trước. Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư xây dựng dành cho NTM là hơn 40 nghìn tỷ đồng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố cũng có sự đổi thay lớn. Đối với các công trình hạ tầng xây dựng NTM của các xã được chọn về đích NTM trong từng năm được thành phố đầu tư kinh phí 100%, địa phương và người dân tích cực tham gia bằng việc giải phóng mặt bằng, giám sát thi công… Đối với việc làm đường giao thông nông thôn, thành phố hỗ trợ xi măng, các huyện, xã hỗ trợ thêm một số vật liệu khác. Thành phố chỉ đạo quyết liệt mỗi năm thành phố phải có số xã về đích năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối, năm 2019, thành phố đề ra kế hoạch 50 xã về đích NTM trong năm. Mặc dù chỉ tiêu kế hoạch cao, song các địa phương đều nỗ lực, quyết tâm cao gấp rút thực hiện để hoàn thành.
Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, 50 xã cuối cùng về đích xây dựng NTM đúng kế hoạch, đưa tổng số xã về đích NTM của thành phố là 139 xã, đạt 100% số xã. Hải Phòng trở thành địa phương về đích xây dựng NTM trước 1 năm so với cả nước. 18 thôn hoàn thành xây dựng thôn NTM kiểu mẫu.
Thành phố phấn đấu 100% số huyện về đích NTM trong hai năm 2020-2021, từng bước xây dựng NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 tất cả các xã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong năm 2020, thành phố chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu thí điểm tại 8 xã với tổng số vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, các xã khác trong toàn thành phố rút kinh nghiệm, học tập, triển khai thành công việc xây dựng NTM ở địa phương.
Trong tình hình điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, cùng xu thế diện tích canh tác ngày một giảm, giá trị sản xuất nông lâm, thủy sản năm 2020 toàn thành phố ước đạt 15.330 tỷ đồng, tăng 1,08 lần so với năm 2016, tăng trung bình 1,5%/năm. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp năm 2020 đạt 176,8 triệu đồng/ha, tăng 1,3 lần so với năm 2016, trung bình mỗi năm tăng 5,48%.
HƯƠNG AN – ẢNH: HOÀNG PHƯỚC