Print Thứ Tư, 25/08/2021 17:30 Gốc

Chị Hoàng Thị Gái, thôn Kênh Hữu, xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) đang sử dụng 100 ha cấy lúa và trồng rau màu. Chị Hoàng Thị Gái là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.

Việc vận động nông dân tập trung đất đai đã hắc phục tình trạng bỏ ruộng hoang, giúp xây dựng cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Sớm xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Xuất phát điểm của gia đình chị Gái là một đại lý thu mua, xay xát lúa gạo phân phối khắp các miền Nam, Bắc (từ những năm 1992).

Chị Gái nhận thấy lợi thế từ cánh đồng làng Mân của xã An Hòa – xưa nổi tiếng nhất vùng bởi người dân chuyên cấy giống lúa nếp cái hoa vàng cho chất lượng hạt gạo mẩy, dẻo, thơm ngon.

Làm nông nghiệp luôn là đam mê của chị Hoàng Thị Gái, thôn Kênh Hữu, xã An Hòa (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Ảnh (Thu Thủy).

Khi đó, trong làng bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân bỏ ruộng không cấy vì không có người làm.

Con cái họ lớn lên đi hết vào các công ty làm việc, không còn lao động chủ lực để gánh vác việc làm đất, cấy cày.

Thêm vào đó là nạn chuột phá hoại, chi phí đầu tư cao, thu hoạch lúa tính ra cũng chẳng có lãi, vụ nào mất mùa còn bị lỗ làm cho số người trong làng, ngoài xã bỏ ruộng dần tăng lên.

Năm 2012 chị Gái đã mạnh dạn vận động bà con bỏ ruộng để tiếp quản các diện tích bỏ hoang, cùng bà con tiến hành xây dựng cánh đồng mẫu lớn, quy vùng sản xuất tập trung, đẩy lùi tình trạng người dân trồng nhiều thứ cây trên cùng diện tích canh tác để thuận lợi việc diệt chuột và chăm bón.

Cánh đồng làng Mân được chị Hoàng Thị Gái cấy hoàn toàn bằng mạ khay. Ảnh (Chị Gái cung cấp).

Chị gái tiến hành đầu tư mua máy gặt, máy cày, máy cấy lúa chất lượng cao. Phối hợp với địa phương thành lập tổ dịch vụ liên kết thực hiện cơ giới hóa đồng bộ xây dựng cánh đồng mẫu lớn với 24 thành viên của các hộ gia đình hội viên.

Chị và tổ dịch vụ đi vận động 187 hộ gia đình hội viên phụ nữ có trên 340 thành viên trong thôn tham gia, với diện tích 30 ha cấy mạ bằng máy cấy, dùng mạ khay.

Hai giống lúa BC15 và nếp 97 được đưa vào cơ cấu giống lúa trên cánh đồng lớn và được thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất đến khi thu hoạch. Ngoài diện tích trên tổ dịch vụ còn hướng tới phục vụ các thôn trong và ngoài địa bàn xã An Hòa.

Chị Gái đầu tư máy móc hiện đại để phục vụ công việc sản xuất của HTX và bà con địa phương. Ảnh: Chị (Gái cung cấp).

Hiện, diện tích canh tác chuyên trồng lúa của chị Gái đã tăng lên 100ha (trong đó có 30ha trồng tập trung theo cánh đồng lớn) Hàng năm, cơ sở sản xuất của gia đình chị đã thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ hơn 100 tấn gạo/năm cho bà con.

Chị còn tiếp tục mở rộng vùng cấy lúa chất lượng cao, góp phần tăng cao thu nhập cho người lao động địa phương.

Ngoài ra, chị Gái còn gây dựng một cơ sở mang tên rượu Hoàng Quân, sản xuất theo phương pháp truyền thống, sử dụng hoàn toàn bằng nguồn gạo nếp từ cánh đồng Mân.

Cơ sở hiện có 3 sản phẩm, nếp cái hoa vàng hạ thổ, nếp cái ngâm củ đinh lăng và nếp cái ngâm củ ba kích. Sản phẩm rượu nếp Hoàng Quân được đăng ký thương hiệu độc quyền, cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm số 19/2012/YTHR-CNTC và tiêu chuẩn cơ sở số 01:2012/HQ.

Đột phá trong sản xuất nông nghiệp

Để thay đổi cơ cấu cây trồng, năm 2018, chị Gái thành lập HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa liên kết với công TNHH thương mại và dịch vụ Hiền Lê.

HTX và doanh nghiệp tổ chức trồng giống đậu tương rau có liên kết tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản đi thăm và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây đậu tương rau cho HTX An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Cây đậu tương rau thích nghi khá tốt với vùng đất của địa phương lại rất dễ trồng, không tốn chi phí phân bón nhiều.

Rễ của cây đậu tương rau còn có tác dụng cải tạo đất rất tốt, quả thu hoạch có đầu ra ổn định. Cứ trung bình 1kg đậu tương rau có giá 10.000 đồng, trừ mọi chi phí, nông dân thu lãi từ 25-35 triệu đồng/ ha/vụ, hiệu quả cao hơn 2-3 lần cấy lúa.

Chị Hoàng Thị Gái cho biết, đậu tương rau là một món ăn có nguồn gốc từ Nhật Bản, được thu hái khi quả còn xanh và luộc ăn hạt như một món rau.

Đậu tương rau có quả và hạt to gấp đôi hạt đậu tương giống của Việt Nam vẫn trồng. Hàm lượng dinh dưỡng cũng cao hơn nhiều lần so với hạt đậu tương thông thường.

Sản phẩm đậu tương rau này được bán nhiều tại các cửa hàng, siêu thị của Nhật Bản và xuất khẩu sang châu Âu.

Cây đậu tương rau thích nghi rất tốt với thổ nhưỡng tại xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng). Ảnh : Chị (Gái cung cấp).

Có sẵn vùng sản xuất lúa tập trung từ trước nên việc chuyển sang luân canh tăng vụ, mở rộng diện tích trồng cây rau đậu tương xuất khẩu cũng rất dễ dàng, không mất nhiều thời gian.

Lúc đầu, chị Gái chỉ trồng vẻn vẹn ở 5ha cây đậu tương rau thí điểm, sau đó tăng dần diện tích lên 50ha theo từng năm.

Suốt thời gian HTX trồng cây đậu tương rau, thường xuyên có các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản đồng hành, chuyển giao kỹ thuật trồng, canh tác, khoa học công nghệ cho cán bộ, thành viên.

Quá trình chăm sóc cây đậu tương rau đều được ghi chép nhật ký tỷ mỷ và đưa ra hướng xử lý kịp thời khi có sự cố trong sản xuất.

CliP: Quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo khép kín của gia đình chị Hoàng Thị Gái, xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Clip: (Thu Thủy).

Trao đổi cùng Dân Việt, ông Phạm Văn Đàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hòa, huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) cho biết, việc sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng ruộng bằng máy móc hiện đại của Hợp tác xã An Hòa – người đứng đầu là bà Hoàng Thị Gái đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Mô hình sản xuất của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa còn thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX còn tạo công ăn việc làm cho 9 lao động thường xuyên, 50 lao động thời vụ, với mức lương trung bình từ 4,5-5 triệu đồng/ tháng.

Đặc biệt, trong quá trình hợp tác sản xuất với các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản Hợp tác xã An Hòa còn lĩnh hội được nhiều, kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ mới, xóa bỏ dần thói quen dùng phân bón, thuốc BVTV không đúng thời điểm, không đúng liều lượng, không rõ nguồn gốc của nhân dân trong xã trước đây.

Mô hình sản xuất như của HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã An Hòa của chị Hoàng Thị Gái còn góp phần tạo ra môi trường canh tác hoàn hảo, đưa đến những sản phẩm nông nghiệp tốt, an toàn chất lượng cao theo hướng hiện đại.

Thu Thủy

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nông dân Việt Nam Việt Nam xuất sắc 2021: Bằng cách nào chị nông dân Hải Phòng có 100ha đất cấy lúa, trồng rau?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác