Kinh tế

Nông dân Hải Phòng thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi rươi sinh sản

Một nông dân ở huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng có được thu nhập khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ tìm tòi, nghiên cứu ấp nở thành công rươi giống.

Kỳ công “đỡ đẻ” cho rươi

Từ giữa cuối tháng 9/2023, cùng với chăm chút đầm nuôi rươi rộng mênh mông cạnh sông Hàn thuộc địa phận xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng, anh Hoàng Xuân Giang tranh thủ dọn dẹp khu nhà xưởng để chuẩn bị đón vụ rươi giống mới.

Anh Hoàng Xuân Giang, ở xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng kiểm tra bể ương nuôi rươi giống.

Trao đổi với Người Đưa Tin về nghề “đỡ đẻ” cho rươi, anh Giang kể lại, bắt đầu từ năm 2010, gia đình anh thầu khoán hơn 9 ha ruộng rươi. Ban đầu cứ tưởng “hái ra tiền”, thế nhưng, vụ này qua vụ khác rươi vẫn “bóng chim, tăm cá”.

Sau khi tìm hiểu từ những người nuôi rươi lâu năm có kinh nghiệm cũng như đọc các tài liệu, anh Giang mới nắm được nguyên nhân. Đó là nguồn rươi giống trong tự nhiên ngày càng suy giảm.

Xưa, đầm bãi không có bờ bao, khi rươi nổi chỉ vớt được phần nhỏ, phần lớn rươi theo dòng nước ra vùng cửa biển. Sau đó, rươi đẻ trứng. Trứng rươi bám vào bọt nước vào đầm bãi nở ra ấu trùng rươi để bắt đầu chu kỳ sinh trưởng mới.

Nay, đầm bãi rươi được quây kín, người nuôi rươi quây bắt bằng đọn, nên chỉ có lượng rươi rất nhỏ lọt lưới. Bên cạnh đó, nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm, nên những con rươi ít ỏi lọt lưới ấy cũng khó sống sót.

Ấu trùng rươi nhìn dưới kính hiển vi.

Theo quan niệm dân gian, rươi là thứ “lộc trời”, rươi tự đến, tự đi do may mắn của người nuôi. Vì thế, bao năm nay, không chỉ vùng rươi của huyện Vĩnh Bảo, mà còn nhiều nơi khắp cả nước, ít người nghĩ đến chuyện nuôi rươi sinh sản hay thả rươi giống vào đầm.

Với suy nghĩ, mọi động vật đều có quá trình sinh sản, kể cả những loài được mệnh danh là “quái sản” nước lợ như tôm rảo, rươi. Sau khi học hỏi kiến thức qua sách, báo, trên các mạng xã hội, kinh nghiệm của những bậc cao niên trong vùng, anh Giang có quyết định táo bạo xưa nay chưa hộ nuôi rươi trong huyện Vĩnh Bảo dám nghĩ tới: Nuôi rươi sinh sản và ương rươi giống.

Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, sự nghi ngờ kể cả của bạn bè, người thân, vụ rươi năm 2013, anh Giang xây bể, dựng trại ương rươi giống. Tháng 10 năm đó, khi rươi ngoài ruộng nổi, anh thuê người vớt đưa vào bể nuôi sinh sản, áp dụng quy trình từ nuôi đẻ, ấp trứng đến ương rươi giống theo sách báo và các nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, thành công đến không hề dễ dàng. Liên tiếp các vụ rươi từ năm 2013 đến năm 2016, mặc dù rươi đẻ rất nhiều trứng, nhưng tỷ lệ trứng nở thành rươi giống rất thấp, chưa đến 1%.

Nói thật, nhiều lúc tôi nghĩ đến việc dẹp xưởng, trả đầm rươi chuyển sang làm nghề khác. Tuy nhiên, sự tự ái cùng mong muốn bà con nuôi rươi ở quê hương thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương đã tiếp thêm nghị lực giúp tôi bỏ ngoài tai những lời xì xào, dèm pha để tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi”, anh Giang tâm sự.

Giúp nghề nuôi rươi thu tiền tỷ mỗi vụ

Qua nhiều vụ rươi thất bại, anh Giang nắm vững quy trình khép kín từ đưa rươi bố mẹ vào bể cho sinh sản, đưa trứng sang bể ấp nở và nuôi dưỡng ấu trùng rươi thành rươi giống có kích thước 0,2-0,3mm. Tỉ lệ trứng rươi nở thành rươi giống lên tới hơn 80%.

Đầu năm 2017, anh Giang thuê người khoanh vùng ruộng rươi của gia đình với diện tích 1,5ha để thử nghiệm. Đến tháng 3, anh đưa rươi giống xuống ruộng để sinh trưởng, phát triển.

Vụ rươi năm ấy, ruộng rươi thử nghiệm của gia đình anh Giang cho thu hoạch trung bình cao gấp 3 lần so với diện tích còn lại (45 kg/sào/vụ so với 15 kg/sào/vụ).

Rươi giống từ cơ sở của anh Hoàng Xuân Giang, ở xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng được đóng hộp chuyển tới nơi tiêu thụ.

Vụ rươi năm 2018, anh Giang đưa 5 tỷ con rươi giống ra thị trường huyện Vĩnh Bảo tiêu thụ. Căn cứ vào tình hình ruộng rươi, anh Giang tư vấn cho chủ ruộng mật độ thả khác nhau, từ ruộng mới lập chưa có rươi đến ruộng lập lâu năm cho thu rươi ổn định.

Để lấy niềm tin của những người nuôi rươi, anh Giang cam kết, nếu vụ thu hoạch lượng rươi trung bình cao hơn so với chưa thả giống, anh mới lấy tiền, còn bằng hoặc thấp hơn, anh không lấy tiền giống.

Vụ rươi năm ấy, rất ít chủ ruộng anh phải “biếu không” tiền rươi giống, hầu hết diện tích thả rươi giống thu hoạch tăng 50-100%, nhiều ruộng tăng gấp 2-3 lần.

Từ 5 tỷ con giống vụ rươi năm 2018, đến vụ rươi năm 2023, số lượng con giống anh bán ra tăng lên khoảng 34 tỷ con. Từ thị trường huyện Vĩnh Bảo, rươi giống từ cơ sở sản xuất của anh Hoàng Xuân Giang được đưa đến các vùng rươi ở TP.Hải Phòng và nhiều địa phương có nghề nuôi rươi ở khu vực ven biển, suốt từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Nghệ An.

Năm 2020, cơ sở sản xuất giống rươi của anh Giang được Chi cục Thủy sản trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản (giống rươi).

Trong số những hộ nuôi rươi “đổi đời” nhờ rươi giống mua của cơ sở của anh Giang có gia đình anh Nghiêm ở xã Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng). Gia đình anh Nghiêm có ruộng rươi 6 mẫu, năm 2018 năng suất trung bình 5-10 kg/sào/vụ.

Vụ rươi năm 2019, sau khi thả giống, năng suất tăng lên 40 kg/sào/vụ. Liên tiếp các vụ rươi năm 2020, 2021 và 2022, năng suất trung bình giữ ổn định 40-45 kg/sào/vụ. Với giá bán trung bình 300.000 đến 400.000 đồng trở lên/kg rươi, mỗi vụ rươi kéo dài từ đầu tháng 9 Âm lịch đến cuối năm, gia đình anh Nghiêm thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Người nuôi rươi ở huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng kiểm tra quá trình phát triển của rươi trước vụ thu hoạch năm 2023.

Anh Giang cho biết, sau khi mở rộng, đến vụ ương rươi giống 2023 (từ tháng 11 Âm lịch đến tháng Giêng năm sau), cơ sở sản xuất của anh có quy mô hơn 2.000m² với 140 bể chứa (5m³/bể) để nuôi vỗ rươi bố mẹ cho đẻ trứng, ấp trứng, ương ấu trùng rươi thành rươi giống.

Dự kiến, đầu năm 2024, anh Giang sẽ cung cấp ra thị trường hơn 35 tỷ rươi giống, thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, anh cũng hoàn thiện các thủ tục đăng ký sản phẩm rươi giống tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ông Nguyễn Hồng Sáng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng thông tin, mô hình nuôi rươi sinh sản và ương nuôi rươi giống của anh Hoàng Xuân Giang là mô hình độc đáo đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo tham mưu, đề xuất UBND huyện nghiên cứu, xem xét tùy vào điều kiện thực tế ở địa phương, nguyện vọng của người làm nghề nhân rộng mô hình này. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ kết nối sản xuất với tiêu thụ cũng như các thủ tục đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi rươi của quê hương.

Ngô Quang Thái

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More