Khu nhà tuyết, trò chơi xúc cát… ở các khu vui chơi thường thu hút sự thích thú của không ít trẻ nhỏ. Tuy nhiên những hạt xốp giả tuyết, hạt muồng thay cát… có thể trở thành dị vật nguy hại khi mắc kẹt trong đường thở của trẻ nhỏ hoặc được trẻ nhét vào tai… Đây là câu chuyện cảnh báo được các bậc cha mẹ chia sẻ, bình luận sôi nổi tại các diễn đàn trên mạng xã hội cuối tháng 8 vừa qua.
Phụ huynh nên lựa chọn kỹ đồ chơi cho trẻ.
Nguy hại lớn… từ hạt nhỏ
Sau tai nạn đáng tiếc xảy ra với con trai 4 tuổi, chị Nguyễn Thị Hiền (An Đồng, An Dương) (có nickname Huyen Nguyen) đăng bài viết tại trang cá nhân và nhiều nhóm trên mạng xã hội để cảnh báo. Chị Hiền kể lại: “Con trai tôi rất thích thú với khu nhà tuyết tại khu vui chơi trong siêu thị Coopmart nên tôi để cháu thỏa sức vùng vẫy chơi đùa cùng những hạt xốp giả tuyết. Khi cháu kêu khó thở vì hạt xốp chui sâu vào mũi. Tôi tìm nhiều cách nhưng không thể giúp con lấy hạt xốp ra, nên nhanh chóng đưa con cấp cứu tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Bác sĩ tại đây cho biết, hạt xốp lọt sâu 2cm, rất may chưa vào tới phổi, nếu không hệ lụy khó lường. Tôi chia sẻ câu chuyện này trên mạng xã hội mong muốn các bậc cha mẹ cảnh giác hơn khi cho trẻ chơi tại các khu vui chơi trẻ em”.
Ngay sau khi chia sẻ trên mạng xã hội bài viết của chị Hiền thu hút hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ của các bậc cha mẹ. Từng gặp trường hợp tương tự, chị Nguyễn Quế Linh (phố Tôn Đức Thắng, huyện An Dương) bày tỏ: “Khi chơi ở khu nhà tuyết, xốp giả tuyết nhẹ nên bé nhà mình từng hít phải và kêu khó chịu. May là bé khá lớn nên sau khi dùng nhiều cách sơ cứu tại chỗ, gia đình tự lấy được dị vật ra khỏi mũi cháu nhỏ”.
Theo thông tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều ca hóc dị vật trẻ em. Trong đó, không hiếm những trường hợp trẻ hóc dị vật là các hạt xốp trắng, hạt vòng, hạt muồng… Bác sĩ Trần Thị Liệu, Khoa Tai- Mũi- Họng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chia sẻ: “Trẻ thường tò mò, hiếu động, có thói quen nhét bất cứ vật gì cầm trên tay vào miệng, mũi, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Những hạt muồng giả cát, hạt vòng trong trò chơi xâu hạt… ở các khu vui chơi. Trong quá trình chơi đùa, nếu trẻ để lọt loại hạt này vào tai, để lâu ngày không phát hiện sớm có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm tai. Nguy hiểm hơn, khi loại hạt nhỏ này lọt vào mũi, miệng có thể gây ngạt đường thở ở trẻ nhỏ. Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.
Cha mẹ giám sát, hướng dẫn chặt chẽ
Để đáp ứng nhu cầu vui chơi đa dạng của “khách nhí”, nhiều khu trò chơi vui chơi cho trẻ em xuất hiện các trò chơi như xúc cát, khu nhà tuyết… Trong đó, hạt muồng trở thành cát và xốp trắng dùng để giả tuyết. Tuy nhiên, các khu vui chơi này không có biển giới hạn độ tuổi tham gia vui chơi cũng như không có chỉ dẫn, lưu ý đối với các bậc cha mẹ khi cho trẻ tiếp xúc với các loại hạt này. Có mặt tại khu vui chơi của Nhà sách Tiền Phong trên phố Trần Nguyên Hãn, anh Nguyễn Văn Lợi (phố Tô Hiệu, quận Lê Chân) cho biết: “Tôi thường xuyên cho con gái 3 tuổi tự chơi trong các khu vui chơi liên hoàn tại nhà sách, siêu thị. Tôi nghĩ các trò chơi khá an toàn nên người lớn không cần theo sát hoặc trông nom trẻ khắt khe”. Thậm chí nhiều cha mẹ còn tận dụng thời gian trẻ hoạt động ở các khu vui chơi để đọc sách, mua sắm nên khó giám sát quá trình vui chơi của trẻ. Chị Trần Thu Huyền (ở phố Cầu Đất, quận Ngô Quyền) ngậm ngùi vì chủ quan như thế. “Tôi thường để con chơi xúc cát cùng bạn tại khu vui chơi trong siêu thị Big C, còn mình đi mua sắm. Mọi chuyện diễn ra bình thường nếu như con tôi không kêu ngứa, ù tai. Sau khi soi đèn, gia đình tá hỏa khi phát hiện 2 hạt muồng nằm phía trong tai cháu. Giá như nhân viên trông coi khu vui chơi nhắc nhở các cháu nhỏ chơi an toàn có lẽ những sự việc đáng tiếc không xảy ra”.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông sức khỏe thành phố, ngoài việc lực chọn khu vui chơi sạch, đồ chơi an toàn, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các bậc cha mẹ cần thường xuyên để ý đến trẻ, dành thời gian vui chơi cùng con tránh để con chơi một mình. Và thường xuyên nhắc nhở con về mối nguy hiểm, ảnh hưởng xấu sức khỏe khi nuốt, nhét vật lạ vào miệng, tai, mũi…Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, khi phát hiện thấy trẻ có các biểu hiện như: tím tái, khó thở, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý. Đặc biệt lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, người lớn không nên chữa mẹo, gây nôn hoặc tự điều trị vì có thể khiến tổn thương lan rộng hoặc triệu chứng tăng nặng. Việc cần làm ngay là đưa trẻ tới các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra kịp thời, xử lý đúng cách, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Tuyết Mai – Báo Hải Phòng 13/09/2018