Print Thứ Bảy, 26/01/2019 16:53

Là sản phẩm thiết yếu hằng ngày như rau, thịt, cá,  nhưng hiện nay, trên thị trường xuất hiện gạo giả, gạo nhái, kém chất lượng khiến người tiêu dùng lo lắng…

 

Không nhãn mác, xuất xứ

 

Trên địa bàn thành phố, từ nội thành đến các vùng quê, đâu đâu cũng bắt gặp cửa hàng, cơ sở bán gạo lớn, nhỏ. Gạo được bày bán với đa dạng chủng loại, từ gạo không thơm đến gạo thơm như Tám xoan, Hải Hậu, Tám Điện Biên, Bắc Hương, Thái thơm, Mỹ thơm, Đài Loan, Nhật… Một số gạo nhìn rất đẹp mắt, hạt bóng đều. Song, điều đáng chú ý, phần lớn các loại gạo không có bao bì, nhãn mác, không rõ xuất xứ mà được đựng trong các xô, chậu, thúng tre hoặc bao nhựa. Có nơi, chủ cửa hàng gắn biển giới thiệu tên và giá từng loại gạo, nơi thì không, người bán bảo thế nào người mua biết thế đấy. Không nhãn mác là tình trạng phổ biến của các cửa hàng, cơ sở bán gạo hiện nay. Đây chính là kẽ hở để các tiểu thương pha trộn các loại gạo kém chất lượng, giá rẻ vào gạo chất lượng, giá cao để kiếm lời. Do đó, nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mua nhầm gạo kém chất lượng. Chị Nguyễn Thị Hương, ở phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) từng mua phải gạo “nhái” cho biết, chị thường mua gạo Tám thơm ở chợ Quán Toan, nhưng không có kinh nghiệm mà tin cậy vào người bán. Một lần được người nhà ở huyện Vĩnh Bảo biếu gạo Tám thơm, chị Hương ăn thấy thơm và dẻo khác hẳn với gạo mua ở chợ, từ đấy chị không mua gạo ngoài chợ mà thay vào đó đặt mua gạo định kỳ của người quen ở Vĩnh Bảo. Khá nhiều chị em nội trợ khác cũng bị “lừa” khi mua gạo như chị Hương. Một người từng bán gạo lâu năm bật mí, một số người bán sử dụng “chiêu” trộn khoảng 20% gạo không thơm với 80% gạo thơm, trộn một số gạo có đặc điểm giống nhau về độ dài, độ trong và dẻo để pha trộn vào loại gạo có mức giá cao hơn. Một số tiểu thương có thể dùng hóa chất đánh bóng, tẩm sấy, chống mọt cho gạo, hoặc tẩm ướp hương liệu tạo độ thơm để thu hút người mua.

 

 Lo lắng và mong muốn được dùng gạo an toàn, người tiêu dùng có xu hướng “chuộng” gạo quê. Nắm bắt được tâm lý này, thời gian qua, khá nhiều cửa hàng gắn mác gạo an toàn, gạo quê mọc lên. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đủ điều kiện được công nhận là gạo an toàn. Bởi theo quy định, các cơ sở kinh doanh gạo an toàn phải đăng ký kinh doanh và bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm của ngành Nông nghiệp. Thực tế, tính đến thời điểm này, theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, trên toàn thành phố mới có 10 công ty, cơ sở được Chi cục cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Trong khi đó, có hàng chục cơ sở kinh doanh gạo nằm rải rác ở các quận, huyện. Như vậy, người tiêu dùng đang tù mù trong kiểm tra chất lượng các loại gạo sử dụng hằng ngày.

 

Xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh gạo kém chất lượng

 

Chi cục phó Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Trần Thị Nghĩa cho rằng, hiện nay, trên thị trường, giá gạo dao động từ 11 đến 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, với giá này không thể tương xứng với chi phí đầu tư sản xuất gạo an toàn. Vì để làm ra gạo an toàn, nhà sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt từ quy trình chọn giống thuần chủng, đất trồng phải sạch không dư hóa chất, phân bón, nước tưới phải qua xử lý, lọc các chất độc hại, chất kiềm và không để lẫn những hóa chất hay rác thải độc hại. Thu hoạch lúa đúng thời điểm khi đồng lúa chín ngả màu vàng và thực hiện xay xát ngay trên cánh đồng để trực tiếp thu được những hạt gạo an toàn nhất.Hệ thống kho chứa lúa, gạo cũng phải sạch sẽ, không có côn trùng… Quy trình này đòi hỏi đầu tư rất nhiều chi phí. Trong khi đó, người tiêu dùng muốn sử dụng gạo chất lượng, gạo an toàn với giá rẻ thì rất khó. Vì thế, trên thị trường tiêu thụ có hiện tượng người bán trà trộn gạo kém chất lượng vào gạo có thương hiệu. Lý giải này cho thấy, khó tìm thấy gạo đúng tiêu chuẩn, gạo an toàn trên thị trường.

 

Mặc dù, thời gian qua, ở Hải Phòng chưa phát hiện trường hợp cụ thể nào về cơ sở bán gạo giả, gạo kém chất lượng. Song, việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh gạo của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, liên tục. Điều này thể hiện ở việc trên toàn thành phố mới có 10 công ty, cơ sở, chủ kinh doanh gạo tự giác đăng ký điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo đó, các ngành chức năng như Y tế, Nông nghiệp, Công Thương nên phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra, giám sát chất lượng gạo trên thị trường và xử lý nếu phát hiện cơ sở sai phạm, có thể rút giấy phép kinh doanh khi vi phạm nghiêm trọng. Từ đó, người kinh doanh gạo sẽ tự giác tuân thủ đăng ký kinh doanh, điều kiện an toàn thực phẩm đúng quy định pháp luật và cam kết bán gạo bảo đảm chất lượng. Có như vậy, người tiêu dùng mới có bữa cơm ngon, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

 

Bùi Hương – Báo Hải Phòng 03/04/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nỗi lo gạo kém chất lượng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác